Thứ Tư 24/4/2024 -- 16/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 30.Lý nhất hợp tướng

 

 

CHÁNH VĂN:

30. LÝ NHẤT HỢP TƯỚNG

- Này Tu Bồ Đề! Nếu người thiện nam, kẻ thiện nữ đem thế giới tam thiên đại thiên đập nát thành bụi nhỏ, ý ông nghĩ sao? Nhóm bụi nhỏ đó có phải nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn,  rất nhiều. Tại sao? Nếu nhóm bụi nhỏ đó là thật có, Phật ắt chẳng nói là nhóm bụi nhỏ. Vì cớ sao? Phật nói nhóm bụi nhỏ, tức chẳng phải nhóm bụi nhỏ, đó gọi là nhóm bụi nhỏ.Thế Tôn! Như Lai đã nói thế giới tam thiên đại thiên, tức chẳng phải  thế giới, đó gọi là  thế  giới. Tại sao?  Nếu  thế giới thật có, tức là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng, tức chẳng phải một hợp tướng, đó gọi là một hợp tướng. Tu Bồ Đề! Một hợp tướng đó, tức chẳng thể nói, nhưng người phàm phu tham trước việc ấy.

GIẢNG:

Đây cũng là một đoạn khó hiểu, bởi những đoạn này nói về chứng nhập nên không thể hiểu theo nghĩa thông thường, mà phải hiểu cho thật kỹ mới nắm được. Đây Phật nói với ngài Tu Bồ Đề: “- Có người đem cả thế giới tam thiên đại thiên đập nát thành bụi nhỏ thì ý ông nghĩ sao? Bụi đó nhiều hay không?” Đoạn này là phá cái niệm đồng khác, niệm một nhiều, nên không thể nhìn một cách hời hợt mà thấy được. Trước Phật hỏi có nhiều không? ngài Tu Bồ Đề đáp: “- Rất nhiều.” Đứng về trên tướng thì rõ ràng đập nát thế giới thì bụi rất nhiều, đó là không hoại tướng thế gian. Nhưng nói nhiều đó, là có ý ngầm chỉ, nó không phải một thể, tức nhiều bụi không phải một thể. Ở đây ngài Tu Bồ Đề giải thích, nhóm bụi nhỏ đó có thật thì nhóm bụi nhỏ chẳng phải nhóm bụi nhỏ. Trước tiên phải hiểu, đem cả tam thiên đại thiên đập thành bụi nhỏ, mà lấy cái gì có thể đập cả tam thiên đại thiên thành bụi nhỏ? Chỉ có trí Bát nhã thôi! Chính trí Bát nhã nhìn thấu tự tánh của thế giới là không, không thật, thì ngay đó mọi vọng chấp tan rã thành bụi nhỏ. Chính vọng tưởng chấp trước đó, mới thấy thế giới là thật, do thấy thế giới là thật, nên mới có tướng thế giới rõ ràng; ngay trí Bát nhã thấy tất cả tự tánh là không, thì mọi vọng chấp tan thành bụi nhỏ hết. Vậy nhóm bụi đó, là thật thì nó phải có tự thể độc lập của nó, nó cố định, vậy thì chẳng do đập nát thế giới mà thành, cũng như chẳng do phân tích thế giới mà ra. Do đập nát thế giới mà thành, do phân tích thế giới mà ra, tức là không có tự thể của nó, tức là đối với thế giới mà giả lập bụi, bụi nhỏ đối với thế giới là hai cái đối đãi với nhau thôi. Đó gọi là nhơn duyên, nhơn cái này có cái kia, nhơn cái kia có cái này, không có tự tánh, đó là không thật. Thế giới cũng vậy, nếu nó là thật thì phải tự có một tướng hợp nhất, tức là một tướng nguyên vẹn, nhưng nếu thế giới có một tướng nguyên vẹn thì sao gọi là tam thiên đại thiên? Trong đây có ý sâu hơn nữa, nếu nó là tướng nguyên vẹn, sao thấy thành các hạt bụi nhỏ? Do đó có hai điểm cần chú ý, thứ nhất do nhiều thế giới nhỏ hợp thành tam thiên đại thiên, vậy là không phải một tướng nguyên vẹn rồi. Tam thiên đại thiên là một ngàn thế giới nhỏ mới thành một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới mới thành một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới mới thành một đại thiên thế giới, vậy là nhiều thế giới hợp lại, sao gọi là tướng nguyên vẹn được? Điểm thứ hai là, đập nát thế giới thành bụi tức do bụi hợp thành, như vậy cũng không phải là tướng hợp nhất nguyên vẹn. Đây Phật bảo bụi chẳng phải bụi, mà thế giới cũng chẳng phải thế giới, hai cái đó do đối đãi với nhau mà thành lập thôi; bụi đối với thế giới mà lập, thế giới đối với bụi mà lập, tách rời ra hai cái thì không thể có tự thể riêng của bụi, cũng không thể có tự thể riêng của thế giới. Nếu theo các nhà khoa học bây giờ thì thấy rõ, thế giới từ những đám bụi ban đầu kết tụ lại, mà ngay những hạt bụi nhỏ, những nguyên tử đó cũng không là một cái thể nguyên vẹn. Nguyên tử trong đó cần có nhân tử, còn có âm điện tử, v.v... tức không có một cái nguyên vẹn, vậy cái gì là thật? Phật nói kinh này cách đây hai ngàn mấy trăm năm, nhưng bây giờ khoa học mới chứng minh rõ, còn Phật đã thấy xa rồi! Ở đây Phật nói cái gì, là do ngài chứng nghiệm rồi nói ra, có lúc người ta chưa cảm nhận được nên nghi ngờ, nhưng không phải do nghi ngờ mà thành sai, khi có chứng nghiệm rõ ràng thì thấy rõ lời Phật luôn luôn vẫn đúng, bởi vì đó không phải là do ngài suy đoán hay tưởng tượng, mà chính ngài chứng nghiệm nói ra. Đây là thấy rõ thế giới và hạt bụi nhỏ, hai cái là nhơn duyên đối đãi nhau lập, chứ không thật có tự tánh.

Ý thứ hai, trừ niệm một và khác. Tiến lên một từng thì thấy, những hạt bụi nhỏ nhóm thành thế giới thì thành một đâu phải khác; rồi phân tích thế giới thành bụi thì đâu phải là một, do đó quên niệm một, niệm khác. Bởi còn thấy có một, có khác, là còn thấy bệnh, tức còn thấy đối đãi. Đây là khiến người dứt niệm một khác thì mới thể nhập thật tướng Bát nhã.

Thêm một ý nghĩa là sắc tức không, không tức sắc. Thế giới nát thành bụi, thì sắc tức không; Vì thế giới to lớn mà thấy nát thành bụi tức không có tướng thế giới cố định, không có tự tánh thế giới nguyên vẹn, thì sắc tức không rõ ràng. Rồi bụi nhóm thành thế giới thì không tức sắc; tức thế giới đó không tự có mà do những hạt bụi nhóm lại thành, từ không mà thành có. Ngày xưa có thiền sư Tần Bạt Đà cũng nói về nghĩa sắc không này, một hôm ngài hỏi pháp sư Sanh :

- Thường thầy giảng kinh luận gì?

Pháp sư Sanh đáp:

- Giảng kinh Đại Bát Nhã.

Thiền Sư hỏi:

- Làm sao nói nghĩa sắc không?

Pháp sư Sanh trả lời:

- Nhiều hạt bụi nhỏ nhóm lại thì thành sắc, những hạt bụi đó không tự tánh thì nó là không.

Thiền sư Tần Bạt Đà mới bảo:

- Khi những hạt bụi chưa nhóm lại thì gọi là gì?

Pháp sư Sanh mờ mịt không đáp được. Khi nhóm gọi là sắc, chưa nhóm gọi là gì? Lúc đó không nói sắc, nói không gì hết, đó là cái khéo của các vị thiền sư, còn mắc kẹt sắc không cũng còn chưa thể nhập được trong Bát nhã, chưa nhóm lại là chưa thành sắc không. Thiền sư Tần Bạt Đà hỏi tiếp về Niết bàn, pháp sư Sanh giải nhưng Sư không chấp nhận mà phủi áo bỏ đi, sau đó đồ chúng của pháp sư Sanh đuổi theo hỏi:

- Thầy chúng tôi nói về nghĩa sắc không, niết bàn mà chẳng khế hợp, chưa biết ý của thiền sư nói nghĩa sắc không thế nào?

Thiền sư bảo:

- Chẳng nói thầy ông nói không đúng, nhưng thầy ông chỉ nói được nghĩa sắc không trên quả thôi, mà chẳng nói được nghĩa sắc không trong nhân.

Đồ chúng mới hỏi:

- Thế nào là nghĩa sắc không trong nhân?

Sư đáp:

- Vì một hạt bụi không nên các hạt bụi không, vì các hạt bụi không nên một hạt bụi không. Trong một hạt bụi không, không các hạt bụi. Trong các hạt bụi không, không một hạt bụi.

Đó là Sư nói nghĩa sắc không trong nhân. Các hạt bụi nhơn một hạt bụi mà có, một hạt bụi cũng nhơn các hạt bụi kia mà thành, tức một và nhiều đối đãi nhau mà lập thôi. Một cái này không thì những cái kia không, cũng chính những cái kia không nên cái này không, vì cái này đối với cái kia, để thấy rõ đều là nhơn duyên đối đãi mà lập, không có tự tánh, đó gọi là sắc không trong nhân. Vậy phá được cái niệm về sắc về không, nghĩa là không thấy cố định sắc là sắc, cố định không là không. Trong đây thêm một ý là phá niệm thô và tế: thế giới là thô, vi trần là tế, thế giới không thật thế giới, vi trần không thật vi trần, tức niệm thô tế cũng quên, cũng bặt, bởi vì còn kẹt niệm thô tế cũng còn trong sinh tử.

Đến đây ngài Tu Bồ Đề giải thích, nếu thế giới có thật thì nó phải là một hợp tướng nguyên vẹn, nhưng thế giới không thể có một tướng nguyên vẹn được mà chỉ do phàm phu chấp trước. Khi nói tới một hợp tướng, ngài Tu Bồ Đề liền dẫn lời Phật phá ngay “- Một hợp tướng đó, tức chẳng thể nói, nhưng người phàm phu tham trước việc ấy”, không phải nghe nói đến một hợp tướng, tức một tướng nguyên vẹn, liền cho là có một hợp tướng thật; nói một hợp tướng này là tạm nêu ra, nhưng người phàm phu vì cái mê lầm vọng tưởng chấp trước mà tưởng như là có một tướng nguyên vẹn, chứ lẽ thật thì không có một tướng nguyên vẹn. Mọi người hãy xét kỹ lại trên thế gian này, có cái gì là một tướng nguyên vẹn? Ngay như một quả núi tưởng như là một tướng nguyên vẹn, nhưng cũng là do nhiều bụi nhỏ, nhiều tảng đá, nhiều cây hợp lại, xét kỹ thì không có tướng nguyên vẹn, mà do tưởng rồi chỉ thấy tướng thô như vậy. Thấy cái ly tưởng đó là một tướng, nhưng đâu biết nó là do những nguyên tử mà hợp lại. Vậy để thấy rõ cái lầm lẫn của người.

Trong đây còn có một ý nghĩa sâu nữa, là phá niệm chấp về ba thân một khác. Ta thường nghe Phật có ba thân: Báo thân - Hóa thân - Pháp thân, vậy ba thân đó là một hay là khác? Tuy nói ba thân, là nói trên danh từ, nhưng đều đồng một thể giác, vậy làm sao nói khác? Nhưng tùy duyên ứng hiện ra thành sai biệt, thì làm sao nói một? Như hóa thân khi cần hiện ra người thì hiện người, khi cần hiện ra trời thì cũng hiện trời để giáo hóa, vậy thì nói một hay nói khác? Thấy một hay khác đều là thấy trên tướng, còn thấy thấu qua cái thể đó thì đồng một thể giác, làm sao nói một nói khác được? Đây là phá cái niệm về ba thân một khác và cũng là trừ cái lầm lẫn cho là, khi sống về pháp thân rồi thì trở thành một khối. Có người nghĩ rằng pháp thân mới là thân chân thật, tu cuối cùng rồi là quên hóa thân, báo thân để trở về pháp thân, mà khi trở về pháp thân chân thật thì thành một khối chung. Cũng giống như nói, tu khi đến cuối cùng thì những cái tiểu ngã trở về đại ngã. Hiểu như vậy cũng chỉ là tưởng tượng, cũng thành có một, có khác, là bỏ khác trở về một, thì cũng mắc kẹt cái một. Trong kinh có ví dụ: Như trăm ngàn ngọn đèn ở trong một nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn hòa lẫn với nhau, nhưng có thành một không? Tuy ánh sáng hòa lẫn, mà ánh sáng của mỗi ngọn đèn vẫn là mỗi ánh sáng riêng. Như khi tu là trở về pháp thân, nhưng không phải phá hoại hết những thân khác, mà mỗi người đều có chỗ sống của mỗi người, chứ không phải thành một cái pháp thân chung hết. Vậy là không kẹt một, không kẹt khác. Tổ Lâm Tế đã nói: “- Ánh sáng thanh tịnh trên một tâm niệm của ông, chính là Phật pháp thân trong ngôi nhà của ông. Ánh sáng không phân biệt trên một tâm niệm của ông, chính là Phật báo thân trong ngôi nhà của ông. Ánh sáng không sai biệt trên một tâm niệm của ông, chính là Phật hóa thân trong ngôi nhà của ông.” Vậy nói Phật hóa thân, Phật báo thân, Phật pháp thân cũng trên một niệm thanh tịnh sáng suốt thôi. Nên cuối cùng ngài nói “- Ba thân này chính là người hiện nay ở trước mắt các ông đang nghe pháp đây thôi”. Cho thấy rõ, ba thân chỉ là danh từ tạm lập, thể chỉ là một thể giác thôi, chứ không gì khác; rõ được “Người đang nghe pháp đây” thì thấu suốt được ba thân chứ không tìm đâu xa. Như vậy ngay đây các niệm một -  khác, niệm thô -  tế, đều sạch hết thì thong thả chưa?

Trong đây còn thêm một ý nữa: thế giới là cảnh nương tựa của thân, là chỗ đến của sanh tử, mà thế giới không thật, thế giới bị đập nát thành bụi nhỏ thì chỗ nào để bám, chỗ nào để đến? Phá được cái niệm này rồi, thì sanh không chỗ sanh, ngay đây là vô sanh. Sở dĩ mình thấy có sanh, là có chỗ để đến, mà thế giới không thật thì đến chỗ nào? Trong Chứng Đạo Ca ngài Huyền Giác có nói: “Đại thiên sa giới hải trung âu, nhất thiết Thánh Hiền như điện phất”, tức là “Cõi cõi đại thiên bọt nước xao, tất cả thánh hiền như điện chớp”. Bao nhiêu cõi nước hằng hà sa số trong vũ trụ cũng giống như bọt nước nổi trôi, bao nhiêu Thánh Hiền hiện ra cũng như làn điện chớp chứ không có chỗ nào để bám, thì rảnh rang giải thoát tự tại, còn sanh đến chỗ nào đây? Vậy còn tìm chỗ đến để tự trói buộc mình hay sao? Nên chỗ này hiểu cho sâu thì, khi sắp chết nhớ chỗ này là khỏe, thì ngay đó là vô sanh rồi, khỏi sợ chết, khỏi sợ sanh đi chỗ bậy! Vua Thánh Tông khi sắp mất, vua Nhân Tông đang đứng hầu, mới nhắc: “- Bệ Hạ còn nhớ lời của ngài Vĩnh Gia chăng?” Ngài mới nhắc:

Rành rành thấy không một vật,

Cũng không người, chừ cũng không Phật.

Cõi cõi đại thiên bọt nổi trôi,

Tất cả thánh hiền như điện chớp.

Dẫu cho vòng sắt trên đầu chuyển,

Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.

Vua Thánh Tông mỉm cười, rồi lấy tay gõ vào gối tụng theo. Tới buổi chiều thì vua băng hà nhẹ nhàng. Những đoạn này phải học kỹ, nhớ kỹ thì rất có lợi ích, đây là những đoạn thể nhập, sống thực chứ không phải lý luận nữa!

CHÁNH VĂN:

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

436839
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
4045
2039
9723
401307
62374
73473
436839