Thứ Bảy 20/4/2024 -- 12/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 25.Giáo hóa không chỗ giáo hóa

 

 

CHÁNH VĂN:

25. GIÁO HÓA KHÔNG CHỖ GIÁO HÓA.

Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Các ông cho rằng, Như Lai khởi niệm thế này: “Ta phải độ chúng sanh”. Tu Bồ Đề ! Chớ khởi niệm ấy. Tại sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ cho. Nếu có chúng sanh Như Lai độ cho, Như lai liền có ngã, nhân, chúng sanh, thọ  giả. Tu Bồ Đề! Như lai nói có ngã tức chẳng phải có ngã, mà người phàm phu cho là có ngã. Tu Bồ Đề! Phàm phu, Như Lai nói tức chẳng phải phàm phu, đó là phàm phu.

GIẢNG:

Đây là phá sạch cái niệm độ sanh, khiến cho mình vượt qua mọi phương tiện, mê giác cũng sạch. Bởi vì, nếu còn có cái thấy cố định “Có Phật hóa độ chúng sanh”, thì vẫn còn y nguyên như cũ là cái thấy Phật và chúng sanh sai khác, như vậy là còn chia có mê, có giác, có thánh, có phàm, còn cái niệm đó thì thật sống với Bát nhã chưa? Cho nên ở đây là khiến sạch cái niệm đó, mà trước đã nói “Pháp ấy bình đẳng không có cao thấp” thì còn chia gì nữa? Nếu còn niệm này thì còn thấy Phật là giác, nghĩa là trên cao; chúng sanh là mê, là ở dưới, tức là còn thấy có cao có thấp, có trên có dưới như vậy là còn có niệm hai bên rồi, đó gọi là chưa thật sự thể nhập Bát nhã được, tức là đứng ở một bên pháp thân, chưa nhảy được khỏi nôm bẩy. Khi người còn có niệm “Phật thật độ chúng sanh”, thì cái thấy chưa được tròn suốt, chưa thật sự thấy suốt chúng sanh và Phật đồng thể không hai. Nếu thấy chúng sanh và Phật đồng thể không hai thì khi làm Phật cũng không thêm, làm chúng sanh cũng không bớt, vì “thể” đâu có thêm bớt, mà thêm bớt chỉ là danh từ. Nên trong kinh Văn Thù Bát Nhã có đoạn Phật nói rằng: “- Giả sử mười phương tất cả chư Phật, mỗi mỗi đức Phật ở đời hoặc là một kiếp, hoặc hơn một kiếp, rồi cả ngày đêm nói pháp, tâm chẳng tạm dừng. Mỗi vị đều độ vô lượng hằng sa chúng sanh thảy đều vào niết bàn mà chúng sanh giới cũng chẳng có thêm bớt; bởi vì lìa ngoài pháp giới chân như (pháp tánh chân thật) thì tướng cố định chúng sanh không thể được (không thể có), thế nên chúng sanh giới không thêm bớt". Mọi người nghe có nghi không? Hiện tại chúng sanh dẫy đầy nếu thành Phật hết thì sao đây? Thế giới này chắc trống rỗng hết, vậy những vị Phật này dời ở đâu đây? Khi thành Phật bỏ những chúng sanh này ở chỗ nào? Đó là thấy có Phật thiệt, chúng sanh thiệt, chính cái niệm này khiến thấy, thành Phật phải bỏ chúng sanh này, rồi thành Phật phải lên một cái cõi nào đó ở; mà quên rằng Phật và chúng sanh thể vốn không hai, tự tánh chúng sanh xưa nay vốn là Phật sẵn rồi, nhưng tâm mê gọi là chúng sanh, tâm giác tức Phật, khác nhau ở cái tên thôi. Nghĩa là khi mê gọi là chúng sanh, khi giác chuyển tên chúng sanh là Phật. Như vậy tâm thể thì không hai, nhưng trên cái dụng thì tạm đặt hai tên, nên thành Phật không phải là đổi “thể khác”, vì đổi thể khác là ai thành chứ không phải chính mình thành, tức là thành ông Phật gì khác rồi. Nếu ở thế giới này tất cả chúng sanh đều thành Phật, thì ngay đây là cực lạc rồi, cõi này biến thành cõi Phật rồi, còn phải đi đâu nữa? Như vậy để thấy, khi chúng sanh thành Phật thì đâu đâu cũng là Phật; khi tâm thanh tịnh rồi thì đâu đâu cũng thanh tịnh, chỗ nào cũng sáng ngời, đụng đâu cũng là cõi Phật, vậy cần phải tìm đâu nữa? Vậy thế giới này có trống rỗng không? Nên hiểu vậy mới không lầm, không nghi, không lo nếu thành Phật rồi mình ở đâu? Chính đó là cái niệm còn nhớ chúng sanh này, cái niệm còn chấp chặt hai bên nên không thấy suốt được; còn ở đây phải thấy rõ Phật và chúng sanh chỉ là hai tên giả, chứ thể không hai, nếu giác rồi thì chúng sanh này thành Phật, cõi này là cõi Phật. Trong kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã có đoạn, Phật bảo: “- Tất cả chúng sanh xưa nay thanh tịnh, giả sử khiến cho chư Phật ở trăm ngàn muôn kiếp xướng lên “chúng sanh, chúng sanh”, mà cũng không quyết định thật có chúng sanh có thể được”. Vì trong con mắt của Bát nhã, Phật và chúng sanh chỉ là giả danh, giả tướng, trong đó thấy rõ tự tánh nguyên là Phật rồi, tức bặt cái niệm phàm thánh, thì xưa nay vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, không còn lầm, mắc kẹt trong tên đó nữa, nên dù có nói tên chúng sanh trăm lần, ngàn lần đi nữa, cũng không phải do nói mà thành ra thật có. Chúng ta thì lầm trên cái tên, nên nghe Phật nói phàm phu thì chấp có phàm phu, nghe nói tên chúng sanh thì chấp có chúng sanh, nghe nói ngã thì chấp có ngã. Bởi vậy trong kinh Kim Cang này, Phật vừa nói ra là phá liền, đâu phải nói tới chúng sanh là có chúng sanh, mà mình thường lầm cái lầm đáng thương, nguy hiểm! Ví dụ mình là người đàng hoàng, mà có ai giận chửi mình là con chó thì mình có thành con chó không? Nhưng nghe vậy tưởng thành con chó thiệt, rồi nổi giận lên, khi nổi giận lên thì biết đâu thành con chó thiệt! Vậy, họ nói đó là để chọc mình giận thôi, chứ không phải họ nói chó là mình thành con chó thiệt, đó chỉ là danh từ nhưng mình quen sống trong thức phân biệt nên dễ mắc kẹt trong cái tên, liền rơi vào bẫy của họ. Do đó ở đây Phật nói, không phải nói tới chúng sanh là thật có chúng sanh, mà chỉ là một danh từ tạm đặt ra trong lúc còn mê để đánh thức mọi người vậy thôi. Hiểu chỗ đó, mới thấy nếu mình qua được niệm phàm thánh, thì mới thấu suốt được chỗ này. Cho nên trong nhà thiền có một đoạn rất khó hiểu, nhưng ai hiểu được thì mới thấy ý thâm sâu. Hòa Thượng Huệ Nam ở Hoàng Long thuộc về Tông Lâm Tế, Sư thường hay thử người học đến để nghiệm đã thật sự tỏ ngộ, đã có chỗ vào chưa hay không có chỗ vào, đã qua được cửa hay chưa qua được cửa, nên có ai đến Sư thường duỗi tay ra nói: “Tay ta sao giống tay Phật?”, rồi duỗi chân ra: “Chân ta sao giống chân lừa?”, những vị tăng trả lời đúng hay không đúng, Sư chỉ khép mắt ngồi thẳng, không ai hiểu được ý Sư, có người thắc mắc hỏi lý do ấy, Sư bảo:

- Như người đã đi qua khỏi cửa thì phảy tay đi thẳng, chẳng cần biết người gác cửa. Nếu từ người gác cửa hỏi phải, chẳng phải, chính là người chưa qua khỏi cửa vậy.

Cũng vậy, người thấu suốt rồi mà còn nghi hỏi lại là đúng hay không đúng thì chưa thật thấu, chưa thật sống được. Nếu ngay đây quên được tình chấp phàm thánh, tức liền thấu suốt không còn nghi ngờ, là qua được cửa, trái lại chần chừ sựng lại thì bị tên “lừa”, tên “Phật” che liền; khi nghe tên Phật, tên lừa là kẹt, nên nhiều người không qua được chỗ đó. Nếu thật sự qua được niệm phàm thánh thì tên Phật, tên lừa cũng là tên thôi, ngay đó tánh giác hiện tiền sáng ngời, thì có chỗ nào nghi ngờ? Nên trong đây Phật nhấn mạnh: “chớ khởi cái niệm ấy”, tức là cái niệm cho rằng “Như Lai khởi niệm ta phải độ chúng sanh”, khởi niệm đó là thấy có Phật có chúng sanh, có niệm phàm, niệm thánh còn nguyên. Bởi vì đó là lấy theo phàm tình của mình mà đo lường trí Phật, mình nghĩ Phật cũng giống như mình, độ sanh cũng phải có niệm độ sanh, như vậy thì trí thánh cũng thành phàm. Phật giải thích, cho Như Lai khởi niệm như vậy tức là Như Lai có ngã sao?. Có Phật thiệt, có chúng sanh thiệt thì mới đem Phật độ chúng sanh, vậy quên rằng sở dĩ Phật ra đời là để đánh thức tình mê của mỗi người, để mình nhớ lại cái mình sẵn có mà mình quên nên tạm gọi là độ, chúng ta lầm lẫn nghĩ theo tình mê mà suy bụng ta ra bụng người! Hiểu như vậy, mới thấy độ chỉ là tạm độ, và chỉ là danh từ, không mắc kẹt vào đó. Nhưng ở đây, vừa nói tới ngã là Phật phá ngay, bảo: “Như Lai nói có ngã, tức chẳng phải có ngã”, ngài sợ mình nghĩ có ngã thiệt, vì nếu không có ngã, vậy ngài phá chấp cái gì, đó là chỗ nhiều người lầm. Phật thường nói phải phá chấp ngã, và ai ai cũng thường có ngã, vậy nếu không có ngã thì chấp cái gì? Nếu nghĩ vậy thì chấp thật có ngã!  Hoặc có người nghe Phật xưng là "Ta", như đoạn trước Phật có nói: “- Do thật không có pháp được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì vậy Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho Ta”, hoặc “Ta đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho đến không có một chút pháp có thể được”, như vậy ngài xưng “Ta”, tức Ngài cũng chấp có “Ta” hay sao? Bởi Phật tùy theo thế tục, tùy theo phàm phu mà ngài tạm nói để dẫn dắt mọi người, chứ không phải ngài nói như vậy mà ngài cũng chấp như mọi người. Chúng ta nghe nói "ta", là chấp có "ta"; còn Phật theo thông tục thế gian tức thế đế mà ngài tạm nói ra, nhưng ngài biết rõ những điều đó không thật, nói như vậy không phải là chấp như vậy. Cũng vậy, ngài nói: “Tu Bồ Đề, Như Lai nói có ngã tức chẳng có ngã, mà người phàm phu cho là có ngã”; vừa nói tới tên “Phàm phu” Phật cũng phá liền: “phàm phu, Như Lai nói tức chẳng phải phàm phu”, nói qua là ngài phá liền, không để cho người có chỗ nào bám, cho thấy, ở đây những danh từ Phật có thể dùng, nhưng dùng tùy theo thế tục mà dắt dẫn người chứ không phải nói như vậy là thật có như vậy; chính Ngài trong lòng thật rỗng rang không có gì chứa trong này, nên nói là ngài phá liền không để lại dấu vết. Vậy mà nhiều người vẫn còn kẹt, vẫn còn bám. Như vậy đến đây là phá những niệm độ sanh, niệm phàm thánh, cũng như sạch cái niệm cho có ngã, có phàm phu, vừa thấy có phàm thánh là mắc kẹt. Trong nhà thiền Nham Đầu Toàn Khoát một hôm đến tham vấn Ngài Đức Sơn, vừa vào cửa phương trượng Sư đứng nghiêng mình, nửa trong nửa ngoài và hỏi: “- Là phàm là thánh?”, nếu ông thầy thường thường thì làm sao đáp đây? Đó là câu hỏi khó trả lời. Ngài Đức Sơn hét một tiếng, Sư liền lễ bái. Đứng nửa trong, nửa ngoài thì làm sao xác định cái nào là phàm, là thánh? Nếu mình vừa khởi nghĩ phàm thánh thì chưa vào cửa được. Nên ngài Đức Sơn chỉ hét thôi. Đó là điểm đặc biệt, phải nhìn bằng con mắt Bát nhã, nhìn nhanh lẹ, bén, ngay lúc đó mà nghĩ ngợi là rơi vào phàm thánh liền, tức lọt ra ngoài cửa. Đó là chỗ sâu xa trong nhà thiền.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

426485
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1175
6580
25178
387297
52020
73473
426485