Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 24.Phước trí không sanh

 

 

CHÁNH VĂN:

24. PHƯỚC TRÍ KHÔNG SÁNH

Này Tu Bồ Đề ! Giả  sử trong thế giới tam thiên  đại thiên có những núi chúa Tu Di, có người đem các đống bảy báu bằng như thế, dùng để bố thí, nếu người thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà nói Kinh Bát Nhã Ba La Mật này, cho đến bốn câu kệ..., so với phước đức bố thí trước, hơn cả trăm phần, trăm ngàn muôn ức phần, cho đến tính đếm, thí dụ chẳng thể kịp.

GIẢNG:

Ở đây, Phật nói với ngài Tu Bồ Đề, giả sử có người đem bảy báu bằng những núi chúa Tu Di, nhưng không phải bằng một núi thôi mà bằng tất cả những núi có trong tam thiên đại thiên thế giới để bố thí; so với người đọc tụng, theo bản xưa thì không có chữ “đọc tụng”, thọ trì, hoặc vì người khác mà nói Kinh Kim Cang Bát Nhã này thì phước trí của người này hơn người bố thí không thể tính đếm hay thí dụ có thể bì kịp được. Phần này là tiếp ở trên, không cho mình chấp pháp lành, mà Như Lai nói “tức không phải pháp lành”. Nói như vậy e rằng có người sẽ lầm, vậy rốt ráo là như thế nào đây? Nói pháp lành, rồi không phải là pháp lành, không cho mình chấp vào, vậy mình khỏi làm lành luôn hay sao? Thế thì tu đến cuối cùng rồi sẽ ra sao? Đó là để ngừa những cái bệnh hoặc chấp sai lầm. Cho nên ở đây nhấn mạnh phước trí mà phước trí Bát nhã, tức là phước trí do người tu đạt được vô ngã, đó mới là phước trí không thể so sánh được, đó mới là phước trí không thể nghĩ bàn; bởi vì còn so sánh được thì còn nằm trong đối đãi, đó là thuộc hữu lậu, chưa phải là chỗ siêu tột. Song phần này so sánh có khác gì với ở phần trước không? Trước cũng có so sánh rồi, là người đem kho báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí, người xả bỏ thân mạng bố thí, cũng không bằng. Ở phần trước nói phước bố thí tuy nhiều nhưng cũng không bằng phước trì kinh, rồi vì người khác mà diễn nói. Ở đây Phật nói rõ thêm, phước này so với phước của người bố thí hơn cả “Trăm phần, trăm ngàn muôn ức phần, cho đến tính đếm thí dụ cũng không thể kịp”, chỗ này là chỗ mình phải chú ý! So sánh trăm ngàn phần cũng không thể kịp, cho đến tính đếm thí dụ cũng không kịp nữa, như vậy là sao? là muốn nhấn mạnh đến điểm gì? Đây là nhấn mạnh công đức của Bát nhã vượt ngoài mọi sự so sánh; vì còn tính đếm được, còn thí dụ được là còn so sánh, thí dụ là thí dụ cái này với cái kia, tính đếm cũng vậy; bởi nếu còn so sánh được, sao gọi là Bát nhã? Còn so sánh được thì còn trong tình thức, thức mới phân biệt, mới có so sánh; trái lại Bát nhã thì vượt ngoài sự phân biệt đối đãi của tình thức. Vậy, ở đây Phật nhấn mạnh “Cho đến tính đếm, thí dụ cũng không bì kịp”, đó là ý sâu mà thông thường chúng ta đọc suông thì không thấy được. Tuy nhiên đọc đoạn này, ai thấy có gì lạ nữa? Ở phần trước Phật đã từng nói pháp ấy là bình đẳng không có cao thấp, mà tới đây lại nói phước này hơn phước kia, có thấy lạ không? Đó là chỗ phải nhìn cho kỹ! Bởi vì chính Bát nhã, nhờ Bát nhã mới thấy tột được chỗ không cao thấp kia, chứ nếu tình thức thì không thấy được chỗ đó. Nếu còn y theo tướng mà bố thí, là còn thấy có cao có thấp, có nhiều có ít, thì được phước cũng có hạn lượng, có thể so sánh được. Trái lại phước trí sống trong Bát nhã, từ trong Bát nhã phát ra mà làm thì phước trí đó không cùng tận, đến chỗ đó mới dứt khỏi ý niệm cao thấp, chính phước trí này mới siêu xuất hơn những phước trí khác. Chính phước trí này mới thấu tột được cái không cao thấp kia. Chúng ta phải thấy được ý sâu đó, chứ không phải nói như vậy để so sánh sự cao thấp. Bởi chính nó bình đẳng không cao thấp, nên mới thù thắng hơn không có gì bì kịp nó, phải thấy được ý ngoài lời đó, mới thấy được tột trong này, không thì mình thấy có sự mâu thuẫn. Như vậy, núi báu Tu Di tuy nhiều vô số như núi báu có trong tam thiên đại thiên thế giới, nhưng đó cũng là núi báu hữu hình, nên cũng có cùng tận, do đó đem bố thí cũng có hạn. Còn đây, phước trí của tự tánh là phước trí Bát nhã, thì đó là núi báu vô hình nên không có gì so sánh được, không có gì bì kịp, cho nên dùng mãi không hết. Cái kia có hình nên nó hữu hạn, nhiều cách mấy mà dùng rồi cũng hết. Còn cái này là phước trí của tự tánh, là núi báu vô hình, nên đem núi báu này dùng thì dùng mãi không hết, báu đó mới thật là báu, còn báu kia cũng là giả tạm thôi. Vì vậy Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi còn Thái tử có lần luận về báu; khi đó Tổ Bát Nhã Đa La được vua cha là vua Hương Chí cúng cho một hạt châu báu, Tổ Bát Nhã Đa La muốn thử ba vị vương tử là hai người anh và ngài Bồ Đề Đạt Ma để xem trí tuệ của ba vị này như thế nào? Tổ Bát Nhã Đa La đưa hạt châu báu lên hỏi: “- Hạt châu này tròn sáng như thế, vậy có thứ châu nào sáng hơn nó không?”. Hai vị vương tử anh đều trả lời là: - Hạt châu này so với bảy báu thì không có thứ nào sánh bằng, nó là quý nhất rồi! Ngài Bồ Đề Đạt Ma, lúc này tên Bồ Đề Đa La đáp: “- Hạt châu này chỉ là báu của thế gian thôi, chưa có thể cho là tột được, trong các thứ báu chỉ có pháp bảo mới là tột. Ánh sáng của hạt châu này cũng chỉ là ánh sáng của thế gian, nên cũng chưa cho là tột, trong các thứ ánh sáng chỉ có trí sáng mới là tột. Sự trong sáng của hạt châu này cũng chỉ là sự trong sáng của thế gian nên cũng chưa tột, mà trong các thứ trong sáng chỉ có tâm trong sáng là quý hơn hết. Hạt châu này chiếu sáng được, nhưng chẳng thể tự chiếu mà cần phải nhờ ánh sáng của trí tuệ; để tỏ rõ được cái báu của nó, phải nhờ ánh sáng trí tuệ này để biện biệt. Trí tuệ đã biện biệt rồi, tức biết nó là châu. Đã biết là châu rồi thì mới rõ nó là báu. Như vậy nó châu mà chẳng tự biết là châu, cần phải có trí châu để biện biệt được, mới biết nó là châu của thế gian. Cũng thế, nó báu mà nó chẳng tự biết là báu, mà phải nhờ cái trí báu để soi sáng mới rõ nó là một vật báu. Song nếu thầy có đạo thì báu kia liền hiện, còn chúng sanh có đạo thì tâm báu tự bày”. Như vậy hạt châu báu này là thứ quý ở thế gian, nhưng nó không tự biết nó là báu mà phải nhờ trí báu để biện biệt, vậy nó báu mà không tự biết là báu thì không thật là báu, còn chính “trí báu” nơi chính mình mới thiệt là báu. Nên Ngài nói “thầy có đạo”, tức là có chỗ sống được thì tâm báu liền hiện, đây là trí báu nơi mình; chúng sanh có chỗ sống thì tâm báu tự bày, mỗi người đều có đủ, cái đó mới là báu chân thật. Nói như vậy thì có người cũng chưa tin lắm, song hãy kiểm lại xem, một hòn ngọc nó thật quý, đối với người thế gian đeo có khi bị giật, nhưng hòn ngọc đó cho một đứa bé thì nó làm hòn bi bắn chơi, như vậy nó báu thiệt chưa? Sở dĩ nó báu là do tâm phân biệt này, do phân biệt mới thấy cái này nó khác cái kia, nó hiếm, nên thấy báu. Tức tùy theo niệm phân biệt mà thấy báu, chứ chưa thật báu. Chính cái trí báu chân thật nơi mình mới gọi là thật báu, và cái đó thì bao nhiêu thứ kia làm sao so sánh được, những thứ kia nó chỉ gây cái mầm tham lam cho người khác thôi, gây cái mầm đấu tranh thôi, như vậy có thật báu đâu? Chính trí báu mới dứt hết các mầm tham lam, dứt mọi mầm đấu tranh, đưa mình ra khỏi phiền não, đó mới thật báu, dùng mãi không hết. Ngài Phó Đại Sĩ có bài tụng nói về việc này:

Thí báu như số cát,

Chỉ thành hữu lậu nhân.

Đâu bằng quán vô ngã,

Suốt vọng mới là chân.

Muốn chứng vô sanh nhẫn,

Cốt nhờ lìa tham sân.

Người pháp rõ vô ngã,

Thong dong khỏi sáu trần.

Nghĩa là bố thí bảy báu nhiều như số cát sông Hằng đi nữa, nhưng cái đó chỉ là nhân hữu lậu, rồi cũng có lúc hết. Còn quán vô ngã để thấu suốt được mọi tạo tác nó là hư vọng, không còn chỗ nào để mình bám, mình chấp nữa, đó mới là chỗ chân thật. Và muốn chứng được vô sanh nhẫn, tức là bình an trước các pháp, thì phải lìa tham sân. Muốn lìa tham sân thì phải lìa si, vì do si mê mới tham, mới sân. Như vậy si mê là gốc, nhưng lìa si mê phải làm sao? Lìa si mê phải dùng trí Bát nhã, si là đối lại trí tuệ, dùng trí Bát nhã quán rõ nhân pháp vô ngã, không còn chấp trước nữa, thì mới thong dong tự tại, thảnh thơi không còn bị sáu trần chi phối. Đến đây mới là chỗ quý tột, còn có cái gì ở thế gian này so sánh kịp? Ngài Phó Đại Sĩ nói, đó mới chính là cái quý báu chân thật, còn những việc làm về cái nhân hữu lậu, việc làm hữu vi, còn có sự tạo tác, làm thì mình có phước và được hưởng phước, nhưng hưởng hết rồi thì nó rơi xuống, có khi hưởng phước mà không có trí tuệ hoặc là thiếu trí tuệ cũng nguy hiểm lắm! Bởi có phước nhiều mà không trí thì dễ tham, mà tham rồi thì đắm nhiễm trong đó, sanh nhiều phiền não. Mình có phước giàu sang, phú quý, quan quyền mà thiếu trí tuệ chân thật, dễ sinh ra kiêu mạn, khinh khi người khác, tạo tội ngược trở lại nữa, nên khi mình hưởng hết cái đó rồi thì đi xuống; vì vậy, gọi là cái nhân hữu lậu, chưa phải là chỗ chân thật. Còn ở đây là mở sáng trí tuệ này mới vượt thoát được những phiền não, những đắm nhiễm, đó mới là chỗ chân thật không gì sánh kịp, đó mới là chỗ dùng mãi không hết. Đây chính là lẽ thật muôn đời, nhưng nó không ở đâu xa, mở mắt Bát nhã là thấy ngay thôi. Ở đoạn trước Phật nói pháp lành chẳng phải pháp lành đó là ngài phá, không cho mình chấp vào pháp lành, muốn đưa mình sống thẳng vào tự tánh, từ đó phát triển mọi công đức nơi tự tánh của mình ứng dụng ra, thì việc đó không thể lường được. Như vậy phá pháp lành kia không phải là không làm gì hết, tới đó là không còn gì, mà để đánh thức mình khai triển sống trở lại cái công đức của tự tánh, phát triển cái công đức đó ra, đó mới là cái chân thật dùng mãi không hết. Hòa thượng Câu Chi từng bảo trong chúng: “- Ta từ khi được một ngón tay thiền của Hòa Thượng Thiên Long, đến nay  dùng mãi không hết”. Đó là chỗ chân thật ngài sống được, từ nơi tự tánh phát ra, cho nên đâu có lúc nào mà hết được. Phước trí không có gì so sánh, bì kịp được là vậy. Ta thấy hai điểm: Phước bố thí còn nhân hữu lậu và phước trí thuộc về tự tánh, hai bên đã rõ; nhưng nói như vậy không phải bảo mình bỏ không làm gì hết, chỉ một bề tu về trí tuệ thôi, thì cũng nghiêng một bên. Đây là mở sáng trí tuệ rồi thì làm tất cả mọi công đức lành, nhưng làm không còn chấp trước nữa. Có người nói, thôi mình tu cao rồi không cần làm các pháp lành nữa, như vậy là mắc kẹt, mà đến đây thì làm tất cả một cách hồn nhiên vô tâm. Thí dụ khi mình còn sống trong tâm phân biệt đối đãi, đi ra đường thấy đứa trẻ nó té mình muốn đở nó dậy thì nghĩ: “đở nó dậy cho có phước, đó là một việc làm lành, làm tốt.” Còn đối với người sống được với tâm trí tuệ chân thật từ trong này phát ra thì, thấy đứa bé té mình đở dậy tự nhiên thôi, tự phát ra không cần nghĩ có phước hay không phước gì hết, nhưng chính như vậy phước nó đầy đủ hơn; còn nghĩ làm như vậy cho có phước thì hơi ích kỷ trong này rồi, nó có cái ta trong này, phước cũng hạn hẹp. Đây cũng vậy, khi sống được với tự tánh thì làm tất cả các việc lành nhưng làm tự nhiên, chứ không nghĩ làm như vậy để được phước, nó khác với người còn trong chấp trước.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

366551
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3042
3888
17920
335955
65559
88584
366551