Thứ Sáu 19/4/2024 -- 11/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 20.Lìa sắc lìa tướng

 

 

CHÁNH VĂN:

20. LIA SẮC LÌA TƯỚNG

Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Phật chăng?

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng nên lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai. Tại sao? Như Lai nói sắc thân đầy đủ, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, đó gọi là sắc thân đầy  đủ.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao?  Có thể lấy sắc tướng đầy đủ mà thấy Như  Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn, chẳng được, chẳng nên lấy các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai. Tại  sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ, tức chẳng phải đầy đủ, đó gọi là các tướng  đầy đủ.

GIẢNG:

Đoạn này: Nói về lìa sắc lìa tướng, ở đây Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Bây giờ ý ông nghĩ sao? có thể lấy cái sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai chăng? thì Ngài Tu Bồ Đề thưa: Chẳng được, chẳng nên lấy cái sắc thân đầy đủ  mà thấy Như Lai. Bởi vì tại sao? Như Lai nói sắc thân đầy đủ, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ. Câu này trong bản của đời Đường chỉ nói sắc thân thôi, mà không nói chữ đầy đủ.  Nghĩa là: “Tại sao? Như Lai nói sắc thân, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, đó gọi là sắc thân đầy đủ. Vậy sắc thân đầy đủ đó là gì? Ở những đoạn trước thì nói là “có thể lấy thân tướng mà thấy Như Lai chăng?” rồi “có thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?” Nói thân tướng là nói chung các tướng, cho nên nói nếu thấy các tướng mà chẳng phải tướng tức thấy Như Lai; nói đến ba mươi hai tướng là chỉ cho ứng thân của Phật; ở đây nói sắc thân đầy đủ, các tướng đầy đủ là chỉ cho báo thân của Phật đầy đủ mọi tướng  tốt, mọi vẻ đẹp trang nghiêm, do những công đức tu hành nhiều đời nhiều kiếp mà cảm nên. Vì vậy chữ “đầy đủ” đó, là đầy đủ mọi tướng tốt vi diệu, báo thân đầy đủ mọi tướng tốt đó, cũng do những nhân duyên tu hành mà cảm được, như vậy có thể cho là pháp thân sao? Nếu nhận cái đó cho là pháp thân, thành ra pháp thân cũng là cái bị thấy rồi! Đến đây là muốn đưa người lên thêm một lớp nữa, ở phần trước là muốn phá tướng khiến cho người không trụ vào các tướng, cho nên không trụ vào các thân tướng, không trụ vào ba mươi tướng, đây là khiến cho mình quên cái công của mình luôn, bởi vì báo thân của Phật do công phu tu hành nhiều đời nhiều kiếp mà cảm nên được quả báo tốt lành này, như vậy nếu không có trí kim cang này thì cũng dễ chấp vào cái công đó, do cái công mình tu bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mới được cái này, thấy chấp vào trong đó thì cũng chưa thể nhập được pháp thân. Cho nên ở đây khiến người quên cái công đó, để thể nhập sống vào trong pháp thân, vì pháp thân đâu phải là những tướng vi diệu, dù là những tướng tốt đẹp vi diệu thế nào nếu chấp đó là pháp thân, thì pháp thân cũng là cái tướng bị thấy rồi. Song pháp thân cũng không rời những cái này, tuy không phải nó nhưng mà tùy duyên thì pháp thân cũng hiển hiện nơi các tướng vi diệu đó, mà pháp thân không phải là tướng vi diệu. Nghĩa là không phải lìa nơi những tướng đó mà riêng có pháp thân. Chỉ có một điều là, người không khéo mà nhận nơi sắc tướng đó cho là pháp thân, thì có lúc mình phải bị chới với. Nhận sắc tướng cho là pháp thân, mà sắc tướng thì có tốt, có xấu phải không? Có tốt, có xấu rồi có khi thấy, có khi không thấy. Dù là tướng Phật tốt đẹp trang nghiêm mấy đi nữa, nhưng nếu có tướng như vậy đó, thì có phải lúc nào cũng ở trước mặt mình không? Dù là có tướng tốt đẹp cách mấy đi nữa, cũng có khi hiện, khi không hiện, có khi thấy, khi không thấy, tức là khi đối diện thì mình thấy, khi không đối diện thì mình không thấy, chứ đâu phải luôn luôn lúc nào cũng hiện trước mặt, Phật đó không phải là Phật thường xuyên, dù cho gần gũi kế cận như  Ngài A Nan là thị giả đi nữa, nhưng không phải thấy luôn? cũng có lúc thấy, có lúc không thấy, lúc làm thị giả thì thấy, lúc nghỉ thì đâu có thấy. Do đó, đây không phải là Phật thường trụ. Phật thường trụ là Phật pháp thân vô tướng, đó mới là cái luôn luôn hiện hữu nơi mình, không bao giờ mất, không có vắng mặt, dù ngay cả lúc mình mê như hiện giờ, nó cũng không thiếu vắng. Sống với pháp thân đó, mới gọi là sống với cái luôn luôn hiện hữu không bao giờ mất, còn bám vào cái tuớng gì đi nữa, dù là tướng trang nghiêm tốt đẹp cũng có khi vắng mặt, mà điểm đặc biệt là pháp thân luôn luôn hiện hữu nơi mình, nhưng nó lại không phải là cái bị thấy. Bởi vậy khi mình vừa thấy nó, hay vừa khởi niệm tìm nó, tức là nó không hiện tiền. Cho nên, ai mà nói tôi thấy pháp thân thế này, thế nọ, thì biết rõ đó không phải là thứ thiệt rồi! Vì pháp thân đâu phải là hình tướng gì, đâu phải bị thấy mà nói thế này thế nọ? Hoặc có người nghe nói như vậy, rồi cho rằng muốn thấy pháp thân đó, phải bịt mắt, bịt tai lại, ngó thẳng vào trong đầu trong ngực gì đó thì cũng là lầm luôn! Bởi pháp thân chân thật đó, nó không có hình sắc gì, nhưng mà nó luôn luôn hiện hữu giữa mọi hình sắc, tức là ngay chỗ thấy nghe hiện tại của mình đây nó đầy đủ không thiếu, chỉ khéo nhận thôi, song như vậy thì phải thấy sao đây? thấy thế nào? Đây hãy nghe một thiền sư chỉ cho mình thấy, ngài chỉ rất khéo: Thiền Sư Minh Biện Chánh Đường khi sắp tịch, Sư đăng tòa cầm cây gậy lia bên trái một cái, nói: “- Ba mươi hai tướng không có tướng này”. Rồi lia bên phải một cái nói: “-  Tám mươi vẻ đẹp cũng không cái đẹp này” Sư nói thêm: “- Cây viết Tăng Dao vẽ chẳng thành, Chí Công bày ra bản nháp”, rồi Sư lia một cái nữa nhìn đại chúng nói: “- Chớ áo não, thẳng đây thừa kế, thôi tìm xét!” Đơn giản vậy thôi, đã chỉ bày pháp thân rõ ràng. Cầm cây gậy Sư lia qua bên trái một cái, nói “Ba mươi hai tướng không có tướng này”, rồi lia bên phải một cái, “Tám mươi vẻ đẹp cũng không có vẻ đẹp này, cây viết của Tăng Dao vẽ chẳng được, Chí Công cũng bày ra bản nháp thôi”. Như vậy đó thì thấy sao? Cái này phải khéo lanh mắt chứ không bám theo hình tướng, theo cây gậy đó mà thấy thì bị gạt. Chính khi Sư lia cây gậy bên trái, lia cây gậy bên phải đó, phải lanh mắt rõ ngay cái gì đang hiện hữu nơi mình đó, chứ đừng theo cây gậy mà thấy. Chính cái hiện hữu đây, là cái Sư muốn chỉ, còn cây gậy không phải chỗ chỉ, theo cây gậy để hiểu là lầm theo vật rồi, lia bên trái lia bên phải cũng là cái tướng thôi, còn cái gì đang sáng ngời nơi mình đây, cái đó mới là chỗ Sư muốn nhắm. Nhưng khi mình vừa chớp mắt, tức bị cây gậy nó che mờ, nó làm mù đi. Bởi vậy chỗ này phải tâm thật là lặng lẽ không có lao xao, thấy là thấy thẳng liền không có chớp mắt, không để cho cái suy nghĩ nó phóng ra kịp, vừa suy nghĩ là rơi vào các tướng rồi! Chính cái đang sờ sờ nơi mình đó, cái đó nó có hình tướng gì? cho nên gọi là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng không thể theo kịp nó được; bởi vì bao nhiêu tướng tốt, bao nhiêu vẻ đẹp đó cũng có tướng trạng, mà có tướng trạng tức là nó cũng không thường. Sư nói thêm cây viết Tăng Dao là chỉ cho người vẽ giỏi, vẽ đẹp đó, cũng vẽ không ra được cái đó; rồi Ngài Chí Công dù khéo tả bày, khéo chỉ cũng không chỉ bày ra được, cũng chỉ bày ra bản nháp thôi, bản nháp là sao chép lại cái bản chính đó, như vậy còn bản chính của nó là ở đâu? Bây giờ dù cho có chỉ khéo léo cách mấy cũng là bản nháp, là bản sao thôi, chưa phải là bản chính; bản chính đó là chính nơi mình vậy. Mình thể nhận nơi mình đó, mới chính là bản chính, thấy bên ngoài dù cho phương tiện hay khéo của các vị Tổ cũng là bản nháp. Đây là muốn đánh thức chúng ta, phải tự mình thể nhận lấy ngay nơi chính mình, chớ có tìm bên ngoài! Đó là đưa mình sống thẳng trở về với chính mình để dừng những chỗ thấy biết đuổi theo các tướng bên ngoài. Do đó Sư nhấn mạnh: “Thôi tìm xét!” Vừa khởi tâm tìm xét nó thì xa nó rồi! Đó là Sư khéo léo chỉ, mà mình cũng phải khéo nhận. Để rõ thêm hơn, đây gợi ý thêm một đoạn nữa: Là Ngài Kỉnh Huyền cũng có lần hỏi Thiền sư Duyên Quán:

- Thế nào là đạo tràng vô tướng?

Ngài Duyên Quán chỉ tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở đằng trước đó, và nói:

- Cái này là do Ngô Xử Sĩ vẽ.

Ngô Xử Sĩ là một tay vẽ tuyệt vời hồi xưa. Kỉnh Huyền nghe nói như vậy liền suy nghĩ để thưa, thì Ngài Duyên Quán nhanh nhẹn nói thêm:

- Cái này có tướng, cái kia không tướng.

Chính ngay đó Sư liền tỉnh ngộ, vậy đạo tràng vô tướng ở chỗ nào? Ngài Duyên Quán rất khéo, vừa có suy nghĩ là có tướng liền, cho nên vừa trầm ngâm suy nghĩ thì liền nói, “Cái này có tướng, cái kia không tướng”, thì ngay đó Kỉnh Huyền nhận ra liền, thấy cũng phải thấy khéo vậy đó! Bởi vì vừa khởi nghĩ, là nghĩ cái gì phải không? Thí dụ nghe nói đạo tràng vô tướng, thì mình liền khởi nghĩ có cái đạo tràng vô tướng gì đó. Thành ra cũng có tướng! Cho nên ở đây Ngài Duyên Quán rất khéo léo, đợi cho Sư vừa trầm ngâm suy nghĩ thì Ngài nói ngay: “Cái này có tướng, cái kia không có tướng”, ngay đó đúng lúc Kỉnh Huyền cũng nhận ra. Như vậy để thấy rằng, có tướng thì có bị thấy, mà có chỗ bị thấy tức là vẫn còn đứng ngoài cửa, dù là thấy đó là thấy cái gì vi diệu đi nữa, cũng chưa phải. Cho nên nếu ai nói rằng “Tôi thấy pháp thân, hoặc là tôi thấy chơn tâm thế này thế nọ đó” tức biết ngay là còn đứng ngoài cửa rồi. Như vậy để cho thấy rõ, ở đây là muốn khiến người ngay nơi sắc tướng, mà lìa sắc tướng, để nhập pháp thân chân thật đó thì mới là người khéo, khéo ngay sắc tướng mà đạt được vô sắc. Tóm lại, bám vào sắc tướng đó, nhận đó thế này thế nọ thì bị cái sắc đó che, và như vậy là chưa thể nhập chân thật vào trong pháp thân. Cũng nói về pháp thân, có một vị tăng hỏi thiền sư Vân Môn:

- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?

Ngài Vân Môn đáp:

- Hoa Thược Lan.

Vị tăng hỏi:

- Khi ấy thì thế nào?

Sư đáp:

- Sư tử lông vàng.

Sư nói đơn giản, nhưng với người tham cứu thiền thì thấy thật là sâu sắc. Hỏi thế nào là pháp thân thanh tịnh? Pháp thân thanh tịnh, tức là pháp thân vô tướng mà thanh tịnh thì người ta cứ  nghĩ pháp thân đó nó rời ngoài sắc tướng này. Sư nói: Hoa Thược Lan, ngầm chỉ ngay nơi sắc là vô sắc, ngay nơi sắc tướng đó khéo nhận mà thôi, chứ vừa khởi niệm kia đây tức là đã rời mất pháp thân rồi. Cho nên khi Sư đáp “Hoa Thược Lan”, thì ông tăng hỏi: Vậy chính khi ấy thì thế nào? Sư đáp: “Sư tử lông vàng”, Chính ngay nơi sắc tướng đó khéo nhận ra, thì đầy đủ hết, sư tử lông vàng là thể hiện cho trí tuệ, vì Bồ Tát Văn Thù cởi sư tử lông vàng đó! Nghĩa là trực nhận ngay đây, bặt đi niệm phân biệt đây kia là khéo, chứ nghe nói pháp thân vô tướng liền nghĩ bỏ cái này mà hướng về cái khác, có niệm kia đây, tức là bỏ mất nó rồi! Như vậy ngay đây mình khéo nhận thì toàn thể hiện bày không sót gì hết. Do đó Phật nói rằng: “- Như Lai nói sắc thân đầy đủ, tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, đó gọi là sắc thân đầy đủ. Như Lai nói các tướng đầy đủ, tức chẳng phải các tướng đầy đủ, đó gọi là các tướng đầy đủ.” Nghĩa là ngay nơi sắc thân đầy đủ đó, chẳng phải sắc thân đầy đủ, thì đó là sắc thân đầy đủ, chứ không phải rời cái sắc tướng này mà có riêng cái pháp thân nào khác, mà chính ngay nơi sắc tướng này khéo nhận thôi. Vì vậy khi thấy đến chỗ này, tức khắp nơi mọi sắc tướng đều hiển bày pháp thân sờ sờ không có thiếu vắng, cần thấy là thấy! Còn mê thì gọi là trước mắt lầm qua, ngay trước mắt, rõ ràng đó mà mình bỏ đi vậy thôi, chứ có gì khác. Đây là Phật muốn khiến người ngay nơi các sắc tướng này, mà lìa sắc tướng để thể nhập pháp thân chân thật thanh tịnh đó; đồng thời chính mình quên cái công để thể nhập vào chỗ chân thật, chứ không chấp vào cái công phu của mình. Nếu chấp vào công phu của mình, do công phu mà được cái quả báo tốt lành đó, tức mắc kẹt vào trong những cái sở đắc nữa. Do đó, hai phần này, phần trước là nói đến cái phước do mình đạt được chỗ vô ngã, từ trong chỗ thông suốt pháp thân vô ngã đó mà làm tất cả các việc, tâm buông xả thênh thang rộng lớn thì mới được quả phước nó cũng rộng lớn không thể nghĩ bàn. Kế ngay nơi báo thân Phật đầy đủ mọi công đức vi diệu, nhưng mình cũng không chấp vào những sắc tướng vi diệu đó, mà phải khéo ngay đó mà sống trở lại với pháp thân chân thật hằng hữu có sẵn nơi mình, như vậy mới gọi là thể nhập, mới sống trực tiếp được trong pháp thân. Trái lại còn có một chút gì để mình thấy, có một chút gì để mình bám được đó, thì cái đó cũng gọi là cái bên ngoài, còn đứng ngoài cửa. Bởi vậy đọc qua hai đoạn này, là đưa mình tiến sâu thêm một lớp nữa, là quên công phu sở đắc. Nói rộng ra, tu thiền để khai mở những cái thần thông, cái huyền bí, để sống lâu thì nó trái với mục đích mà Phật dạy. Thứ nhất, luyện để bảo vệ sức khỏe lâu dài, sức khỏe cho nhiều, thì trong kinh Kim Cang gọi là cái gì? Đó là tham về tướng thọ giả. Còn cầu khai mở những cái huyền bí, những thần thông, thì cái đó cũng là hướng về cái bên ngoài thôi, thần thông nếu do mình luyện được thì thần thông đó cũng thuộc về cái tạo tác, có lúc nó cũng hết thôi. Phật dạy là chính mình sống trở về với chính mình, lặng hết những vọng tưởng, sanh diệt, để mình phát hiện ra nơi mình cái gì là chân thật bất sanh bất diệt. Để sống với cái chân thật đó, đây là cái gốc tất cả mọi thứ. Chúng ta thường học, Phật có ba thân: Hóa thân, báo thân, ứng thân. Báo thân thì đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm, ứng thân, hóa thân thì đầy đủ diệu dụng biến hóa không lường, như vậy sống trở về với pháp thân rồi thì diệu dụng từ đó mà phát ra, cái đó mới là cái thật không có mất; còn cái kia là do tạo tác mà được, nhưng được rồi cũng mất, như vậy là chúng ta lấy cái sanh tử  để làm chỗ mình hướng đến, tức trái với con đường Phật dạy là giải thoát sống về với cái bất sanh bất diệt. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật khai thị cho Ngài A Nan về tánh thấy, tánh nghe, giơ tay lên Phật nói là tay ta nắm hay tay ta xòe? Cái tay có nắm có xòe, nhưng tánh thấy của ông có nắm có xòe hay không? rồi khiến cho Ngài A Nan ở đây thấy thẳng lên các cung trời, Ngài mới bảo cái thấy đến cung trời xa xôi đó, như vậy cái thấy của ông nó có rút ngắn, kéo dài hay không? Để chỉ cho Ngài A Nan cũng như mình nhận ra tánh thấy, nó luôn luôn có mặt hiện hữu nơi mình. Thứ hai nữa là đánh thức tánh nghe, Phật bảo La Hầu La đánh chuông, thì tiếng chuông có khi có, có khi không, mà Phật muốn chỉ tánh nghe nó luôn luôn hiện hữu. Song người chỉ nhận ra được tánh thấy, tánh nghe mà cho đó đủ rồi, chân thật rồi, đó là chưa phải. Phật nói nó cũng như mặt trăng thứ hai, chưa phải là mặt trăng chính. Để cho thấy rõ, nếu chúng ta nhận được chút gì đó, rồi tự mãn thì cũng dễ lầm, mặc dù nhận được tánh thấy, nhận được tánh nghe nơi mình sẵn có, nhưng còn có tánh thấy, còn có tánh nghe tức là sao? tức là trong đó còn có sáu cái, tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm..v.v.., là còn một lớp cách biệt. Cho nên Ngài mới nói “quên sáu mất một kìa” thì mới đến được vào trong nhà chân thật; bởi vậy cuối cùng Phật nói, tánh thấy, tánh nghe đó, cũng còn là mặt trăng thứ hai, chưa phải là mặt trăng thật; phải  qua một lớp nữa, quên cả sáu cái đó để sống trọn vẹn trong cái chân thật thôi, không còn phân biệt cái thấy nghe gì nữa, tức còn đi sâu thêm một lớp. Bởi vậy, đừng vội vàng khi thấy được chút gì đó, rồi mình bám vào cho như vậy là đủ, thì không phải! Nhận được tánh thấy đó, là một lớp hay rồi, nhưng còn tánh thấy đối với tánh nghe, còn có tánh thấy, tánh nghe, là còn giới hạn, nên cuối cùng Phật dạy phải quên sáu mất một, lúc đó mới là thấy nghe không còn có hai, mới nói dùng tai vẫn thấy, dùng mắt vẫn nghe, diệu dụng trọn vẹn, đó mới là thể nhập vào chỗ chân thật. Tóm lại ở đây khiến cho chúng ta quên công phu sở đắc để thể nhập trọn vẹn pháp thân, phá cái thấy có báo thân ngoài pháp thân.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

423654
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
4924
2300
22347
387297
49189
73473
423654