Thứ Năm 18/4/2024 -- 10/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 18.Đồng quán một thể

 

 

CHÁNH VĂN:

18. ĐỒNG QUÁN MỘT THỂ

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao Như Lai có nhục nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có nhục nhãn.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có thiên nhãn.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có huệ nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có huệ nhãn.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có pháp nhãn.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có Phật nhãn.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như số cát có trong sông Hằng, Phật nói là cát chăng?

- Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai nói là  cát.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như số cát có trong một sông Hằng,  có những sông Hằng bằng với số cát như thế, rồi số cát có trong mọi sông Hằng đó, cõi Phật cũng như thế, phải là nhiều chăng?

- Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

Phật bảo: Tu Bồ Đề:

- Chúng sanh ở trong những cõi nước nhiều như thế, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết hết. Tại sao? Như lai nói các tâm là chẳng phải tâm, đó gọi là tâm. Vì cớ sao? Tu Bồ Đề! Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm  hiện tại chẳng  thể được, tâm vị lai chẳng thể được.

GIẢNG:

Đoạn này rất vi tế, đồng quán một thể, nghĩa là năm mắt đồng một thể thôi, rồi các tâm cũng đồng một thể, đây là phần hiển bày tri kiến Phật lìa tướng, không có một, không có khác, để thấy rõ ngay đó là như như. Trước hết là chỉ bày ra Phật đủ năm mắt. Năm mắt là: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Nhục nhãn là con mắt thịt do cha mẹ sinh ra này; nhưng trong con mắt thịt đó, có ngầm ẩn cái gì đó nó mới có thấy? Tức ngầm ẩn tánh thấy ở trong đó! Nhưng do nó dính chặt vào các căn nên nó thấy rất là giới hạn. Nghĩa là thấy trước mặt chứ không thấy sau lưng, cách một tấm giấy mỏng thôi cũng không thấy được, song trong đó vẫn ngầm có tánh thấy. Thứ hai thiên nhãn, là con mắt của cõi trời, con mắt này một do phước nghiệp mà được, ví như các cõi trời dục giới, do phước sanh lên đây thì họ có thiên nhãn; một do định lực mà được, như ở thế gian này, nếu có tu đắc những cái định cõi trời đó thì cũng có được thiên nhãn, là thấy suốt qua tường vách. Huệ nhãn, là mắt của các hàng Thanh văn, Duyên giác, thấy suốt được năm uẩn đều vô ngã, tức ở đây là quán về lý Không. Pháp nhãn, là mắt của Bồ tát, nghĩa là thấy các pháp vô ngã, từ vô ngã rõ sự sai biệt của các pháp; huệ thì thấy về lý, đây là thấy về sự, biết mọi căn cơ sai biệt để mà thuyết pháp khế hợp. Phật nhãn, thì trùm hết năm mắt, thấy tột tất cả. Nhưng năm mắt của Phật thì nhục nhãn của Phật vừa thanh tịnh, vừa thấy suốt các trần không ngăn ngại.  Thường nhục nhãn của chúng ta thì thấy đâu là dính đó, đừng nghĩ là Phật có nhục nhãn rồi Phật cũng dính như mình; tức là ngài cũng có nhục nhãn như mình, cũng thấy sắc này, sắc nọ, thấy đủ nhưng mà thấy không có chút gì ngăn ngại, thấy tất cả nhưng tánh giác vẫn hiện trọn vẹn, không dính vào các trần. Thiên nhãn của Phật thì thấy hằng sa cõi Phật, hằng sa thế giới; thiên nhãn của các vị Thanh văn hoặc của các cõi trời thì chỉ thấy một đại thiên thế giới, hoặc là vài đại thiên thôi. Huệ nhãn của Phật thì thấy suốt tột ngã không và pháp không, và thấy luôn cả lý không không nữa, chứ không phải thấy ngã không như các vị Thanh văn. Pháp nhãn của Phật thì thấy suốt tột mọi điều sở tri, tức mọi pháp sai biệt thấy suốt hết không còn có chút dấu vết ngăn ngại. Tuy nói Phật có năm mắt, nhưng đồng một thể thôi, do mê, giác mà có sai biệt. Nghĩa là chỉ có một thể đó thôi, nhưng chúng sanh mê thì chỉ thấy có con mắt thịt này thôi nên thấy ngăn ngại; nếu giác chút nữa, có một chút định thì thấy có được thiên nhãn, thấy suốt qua những chướng ngại; thêm chút nữa được huệ nhãn thì thấy suốt được lý vô ngã, suốt qua thân năm uẩn này, tiến lên nữa được pháp nhãn, thấy suốt những pháp sai biệt; như vậy chỉ một thể chân thật này mà tùy theo mức độ mê giác cạn sâu mà nó sai biệt chứ không phải nó thành ra có tướng năm con mắt, là lầm! Nghe nói Phật có năm mắt, rồi tưởng Phật vừa có hai cặp mắt thịt này, rồi thêm hai cặp mắt thiên nhãn nữa, thêm hai cặp mắt huệ nhãn, rồi hai cặp mắt pháp nhãn, hai cặp mắt của Phật. Hiểu kiểu đó là sai lầm, là mắc kẹt trên tướng. Đây muốn chỉ cho mê giác có cạn, có sâu nên cái thấy có cạn có sâu như vậy. Ngài Phó Đại Sĩ có bài tụng về năm mắt này:

Thiên nhãn thông phi ngại,

Nhục nhãn ngại phi thông.

Pháp nhãn duy quán tục,

Huệ nhãn trực duyên không

Phật nhãn như thiên nhật,

Chiếu dị, thể hoàn đồng.

Tức là “Thiên nhãn thông chẳng ngại, Nhục nhãn ngại chẳng thông”, thiên nhãn thì thấy suốt qua tường vách chẳng ngăn ngại, nhục nhãn thì cách một tờ giấy mỏng là không thấy được rồi. “Pháp nhãn chỉ quán tục”, tức pháp nhãn thì quán tục đế, quán các tướng sai biệt, nghĩa là mọi pháp sai biệt pháp nhãn quán rõ hết không có lầm; “Huệ nhãn thẳng duyên không”, huệ nhãn thấy về lý, pháp nhãn thấy về sự; “Phật nhãn như ngàn mặt trời; Soi khác, thể lại đồng”, nghĩa là trên cái dụng chiếu soi thì tạm chia ra có sai khác, tức là có Phật nhãn, huệ nhãn… nhưng nếu nhìn tột trong bản thể thì vốn không có hai, cũng là một mắt tâm này thôi, bởi vì đoạn này là tiếp đoạn trên đã nói rõ là không có cái thấy về độ sanh, cái thấy về trang nghiêm tịnh độ, không có cái thấy pháp thật là Bồ tát, tất cả pháp đều là vô ngã; khi nói như vậy rồi, e có người sẽ nghi “như vậy thành Phật rồi cuối cùng sẽ thế nào?” Cuối cùng không thấy biết gì hết hay sao? Cho nên tới đoạn này mới chỉ ra, Phật có đủ năm mắt, chứ không phải thành Phật rồi là mù hết, mà chính chỗ này người mới tu chưa có kinh nghiệm nhiều cũng dễ mắc kẹt, dễ sanh sợ. Tu thì bảo phải lặng hết vọng tưởng, tức những niệm lăng xăng, những niệm lao xao này phải lặng hết, lìa những cái tâm phân biệt kia đây, như vậy đến lúc đó thì sao? Có vọng tưởng thì có tướng này, tướng nọ, rồi phân biệt, cũng giống xem màn hình vidéo có tướng này tướng kia còn vui vui, tắt đi rồi thì đâu có tướng gì phải không? Như vậy, khi có vọng tưởng thì có tướng này tướng kia, từng đợt từng đợt  mình thấy rõ ràng cho nên mình thấy vui, còn không có những tướng đó thì thấy gì đây? Thành ra, giống tê liệt, giống như cây đá hay sao? Người mới tu nghe tới chỗ này rất là sợ! Nhưng đâu có ngờ, những cái thấy, những cái biết trong vọng tưởng đó là cái biết từng phần thôi, nó bị chia chẻ có giới hạn; bởi chia chẻ có giới hạn nên mình thấy nó có từng đợt, nó nghĩ cái này, nó nghĩ cái kia, nó biết tướng này, nó biết tướng nọ, chia từng khoảng mình dễ thấy, còn hết vọng tưởng rồi thì một màu trong lặng; nghĩa là toàn thể nó biết hết, chứ đâu có từng phần, đâu có giới hạn gì! Tuy không khởi mà vẫn biết, không khởi biết mà vẫn tự biết luôn, bởi vì nó trùm khắp rồi đâu cần phải khởi nữa; còn cái kia có khởi tức có từng phần từng đợt; đây thì nó luôn luôn vẫn sáng ngời như vậy, có một chút gì thoáng qua thì nó hiện rõ trong đó liền, đâu cần khởi phân biệt nữa! Đó mới là cái biết tròn đầy trọn vẹn. Chúng ta sống quen cái biết từng chặp rồi, cho nên khi lặng cái đó thì thấy chới với không có chỗ bám. Bởi vậy sống trở về chính mình thì hơi cô đơn, mình đối diện với chính mình thì đâu có bạn bè gì; còn sống với bạn bè nhiều thì phân biệt cái này phân biệt cái kia thấy vui vui! Vì vậy, những người thường thì khi ngồi không chơi ít chịu nỗi, thấy buồn bã cô đơn, thành ra phải kiếm cái gì đó để đọc, kiếm tờ báo, hay quyển sách xem cho vui hoặc là mở ti vi cho đỡ buồn, hay tìm vài ba người nói chuyện chứ ngồi không thì buồn! Đó là chúng ta luôn luôn trốn tránh mình, không chịu đối diện với mình. Trái lại ở đây là dạy chúng ta sống thẳng trở về với chính mình thì mới rõ suốt được cái thể biết trọn vẹn, chính cái đó mới là cái biết chân thật. Bởi vậy ngài Huyền Giác từng nói “biết mà không có phân biệt”, tuy không phân biệt mà nó luôn luôn hằng sáng, cho nên cái gì có hiện ra thì nó biết ngay cần gì thêm chi nữa? Như vậy cho thấy, khi đã sạch hết tình chấp rồi  thì cái thấy nó viên mãn trọn vẹn, suốt tất cả không có gì ngăn ngại, chứ không phải đến đó rồi không còn thấy biết gì. Do đó đến đây mới chỉ ra, Phật có đủ năm mắt, nhưng mình cần chú ý, mỗi câu hỏi về một con mắt thì ngài Tu Bồ Đề đáp sao? Hỏi Phật có nhục nhãn không? Ngài đáp: Đúng thế, có. Hỏi: Có thiên nhãn không? Ngài đáp: Đúng thế, có. Mỗi câu đều đáp có hết, tức là muốn chỉ Phật không chấp chỉ có một cái thấy của Phật thôi. Người bình thường dễ lầm Phật chỉ có Phật nhãn thôi, còn mấy cái kia không có; vì cho rằng Phật mà có nhục nhãn nữa sao? Có cái thấy giống chúng sanh nữa sao? Nếu chấp chỉ có một Phật nhãn thôi thì thêm một cái lầm nữa! Ở đây nói Phật có đủ hết, Phật nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn cũng có đầy đủ, tức là không bỏ sót một cái nào, như vậy mới trùm hết, mới phá cái ngã kiến, tức cái thấy của riêng mình, đó mới là thông đạt pháp vô ngã. Nếu chỉ thấy có Phật nhãn thôi thì có thông đạt pháp vô ngã không? Vậy là Phật nhãn cố định là Phật nhãn, thì cái thấy đó chưa phải là viên mãn. Đây thì đủ năm mắt hết mà không có tướng của năm mắt, đó mới thật cái thấy lìa tướng. Như vậy chúng sanh có đủ năm mắt đó không? Chúng sanh vẫn có đủ năm mắt đó, chứ đừng nghĩ là riêng Phật mới có thôi; nếu chỉ riêng Phật có thôi thì chúng ta cũng hết tu luôn. Chính chúng sanh vẫn có đủ năm mắt đó, nhưng vì mê vọng chấp trước cho nên bị che lấp đi. Bởi mê vọng nó lăng xăng gắn chặt những cái lầm lẫn nên không hiện được, khi mê vọng hết thì cũng đồng như chư Phật thôi, chứ không phải khi mê vọng hết thì ở đâu bên ngoài chạy tới. Để rõ năm mắt đó là ngay nơi mình cũng đồng với Phật, nghĩa là cái thể thì không hai, mà cái dụng thì chưa được, bị còn mê. Song đây là nói về năm mắt theo cái nhìn thông thường, nếu đứng trên lý tánh mà nói về năm mắt thì, nhục nhãn là cái thấy tất cả sắc mà tự tánh luôn luôn nó ngầm hiện trong đó, nó không có ngại; còn thiên nhãn là tự tâm thấy rõ suốt qua mọi vật, rõ luôn cả tự tâm mình nó hiện trong đó, gọi là “kiến sắc minh tâm”, thấy sắc sáng được tâm, chứ không bị sắc đó nó ngăn thì đó gọi là thiên nhãn; còn huệ nhãn là thấy tột năm uẩn này, tâm thể hiện tiền ở trong đó chứ không mắc kẹt trên năm uẩn; pháp nhãn thì thấy suốt tất cả pháp sai biệt, tức tất cả mọi pháp sai biệt đều thấy hết mà không rời tự tánh của mình, nghĩa là tự tánh luôn hiện bày khắp tất cả hết; Phật nhãn thì thấy tất cả mà không chỗ thấy, nghĩa là bặt hết tất cả mọi đối đãi, đồng một thể không hai, thì có ai thiếu không? Ai ai cũng đều đủ mắt đó hết đâu có thiếu, nhưng chỗ này ai biết được? Trong Chứng đạo ca, ngài Huyền Giác có nói về năm mắt này như sau:

Tịnh ngũ nhãn, đắc ngũ lực

Duy chứng nãi tri nan khả trắc.

Kính lý khán hình kiến bất nan,

Thuỷ trung tróc nguyệt tranh niêm đắc.

***

Tịnh năm mắt, được năm lực,

Chỉ chứng mới hay khó lường được,

Trong gương xem bóng dễ thấy hình,

Đáy nước mò trăng nhọc công chắc.

Nghĩa là, khi mình tịnh được năm mắt, tức là năm mắt này mà được thanh tịnh rồi thì được năm lực, tức là năm sức mạnh: Tín, tấn, niệm, định, huệ, năm sức mạnh đó khiến cho mình vươn lên, mà những điều đó ai biết được đây? Chỉ chứng mới biết được, mới rõ được, chứ chỗ này không phải là chỗ lý luận, dù cho nói cách mấy đi nữa thì năm mắt đó cũng giống như là của ai, chứ mình chưa mò tới, phải kinh nghiệm sống được trong đó mới cảm nhận. “Trong gương xem bóng dễ thấy hình”, là soi trở lại mới dễ thấy; còn “Đáy nước mò trăng nhọc công chắc”, tức chạy đuổi theo bên ngoài, theo bắt bóng thì không bao giờ nắm được. Vậy năm mắt đó, nơi mình đầy đủ hết, song phải soi lại nơi mình chứ còn theo cái tướng bên ngoài, rồi cứ cầu tìm, dù lên cõi trời cũng không kiếm được năm mắt ở trên đó. Đó là nói về năm mắt của Phật, mà cũng để nói lên cái thấy của Phật nó trùm hết, nó trọn vẹn.

Kế là nói “cái biết cũng suốt tất cả.” Ở đoạn trên nói về năm mắt, tới đây thì nói về cái biết, trước hỏi về “như số cát sông Hằng đó, vậy Phật có nói là cát chăng?” Nếu mới học Bát nhã sơ sơ thì nói Phật không nói cát, bởi vì Bát nhã thấy tất cả đều không; nhưng đến đây là qua một lớp đó rồi, cát Phật nói là cát, tức là cát vẫn là cát, không thêm không bớt, không có niệm gì riêng khác trong đó, trả về cái thấy như thật. Nghĩa là không có cái niệm khác, không có thấy khác, tức Như Lai cũng không có cái thấy biết khác; chúng sanh gọi là cát, Phật cũng gọi là cát,  nhưng chúng sanh thấy là cát mà chấp cát thật, còn Phật cũng nói là cát mà không có lầm chấp như chúng sanh. Chúng sanh thấy cát lầm chấp cát là thật, rồi theo đó phân biệt quên mất chính mình; còn ngài nói là cát mà ngài biết rõ chính mình tỏ suốt chứ không mê lầm. Như thấy con trâu, Phật cũng nói con trâu, nhưng không có lầm trong đó, đó mới chính là cái thấy như thị, nó như vậy là như vậy, không có thêm bớt. Đây ngài nói thêm: “như số cát trong sông Hằng đó, rồi bao nhiêu sông Hằng đồng với số cát đó..v.v..” trong đây lớp thứ nhất là số cát có trong sông Hằng, lớp thứ hai là số sông Hằng bằng số cát đó, lớp thứ ba là số cát có trong tất cả mọi sông Hằng,vậy là chừng bao nhiêu? Số cát trong một sông Hằng đã nhiều rồi, lại bao nhiêu sông Hằng đồng với số cát của một sông Hằng đó, rồi cộng tất cả số cát của hết thảy sông Hằng, ngài nói cõi Phật cũng nhiều như số cát đó, như vậy là bất khả thuyết, hết chỗ nói, không thể tính kể. Phật nói: có tất cả bao nhiêu chúng sanh trong đó, có bao nhiêu thứ tâm, một chúng sanh mình từ sáng đến chiều có bao nhiêu tâm cũng tính không hết rồi, mà chúng sanh ở trong mọi thế giới cả đời, rồi cộng hết bao nhiêu chúng sanh đó nữa thì ngoài sức tưởng tượng, ngoài sức nghĩ bàn của mình! Song nếu người nhạy bén một chút thì ngay đó đủ rồi, khỏi nói thêm. Nhưng chúng ta thì phải nói nhiều một chút, đó là muốn nói cái gì? nghĩa là bao nhiêu chúng sanh, bao nhiêu thứ tâm của chúng sanh có trong tất cả mọi cõi Phật như vậy đó, mà Như Lai thảy đều biết hết, đây là muốn nói: thứ nhất là tâm chúng sanh vô lượng vô biên không thể tính kể được, nhưng mà mọi thứ tâm đó Như Lai biết hết không có sót gì, làm sao tin nỗi? Mình với tâm mình thôi chứ không nói đến tâm người khác, có lúc tỉnh thì còn biết, lúc mê chạy mất cũng không biết nỗi, mà bao nhiêu tâm đó Như Lai đều biết hết, thì làm sao tin nỗi? Bởi vậy, đây nói, “Phật bảo” một cách trịnh trọng, cho mọi người chú ý. Ngài thố lộ rõ ràng: “Như Lai nói các tâm là không phải tâm”, bao nhiêu đó là đủ hiểu rồi, dù có hàng tỷ tỷ thứ tâm đi nữa nhưng điều là tâm hư vọng, “chẳng phải tâm”, đều chẳng phải bản tâm; tức là bao nhiêu thứ sai biệt đó, biết tất cả đều chẳng phải bản tâm thì có cái nào bỏ sót? Dù cho khởi lên cái gì nữa, cũng biết chẳng phải bản tâm rồi; bởi vì bản tâm thì đâu có nhiều thứ, mà có nhiều thứ thì không phải nó rồi! Trong đây hai cái còn không có, huống nữa là nhiều; vừa thấy có hai là không phải rồi, huống nữa hàng tỷ tỷ thì không phải chính bản tâm. Do đó, dù cho chúng sanh có bao thứ tâm đi nữa, thì Như Lai đều biết hết không có sót. Phật mới giải thích thêm, vì sao mà các thứ tâm đó chẳng phải tâm? Bởi “tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được”, chẳng thể được là sao? là không thật có, không thật có là không thể nắm bắt. Như vậy chính câu này hiểu qua thì hiểu ý của Phật rồi! Tại sao các tâm chẳng phải tâm? Vì tâm ba thời chẳng thể được, chính câu này ngài Đức Sơn bị bà già bán bánh hỏi trả lời không được. Sư là một vị giảng kinh Kim Cang nổi tiếng, mà khi nghe tới thiền, Sư cũng không hiểu nổi, cho nên muốn quảy gói đi về phương nam để phá dẹp. Giữa đường gặp bà già bán bánh hỏi mua bánh điểm tâm; bà già thấy Sư mang một cái túi lớn bà mới hỏi: - Thầy mang cái gì đó? Sư nói là: - Bộ Thanh long sớ sao. Tức là bộ sớ giải về kinh Kim Cang. Bà hỏi: - Vậy chắc thầy giảng kinh Kim Cang rồi. Sư nói: - Phải. Bà nói: - Thầy cho tôi hỏi một câu, nếu thầy đáp được thì tôi cúng dường luôn không lấy tiền, nếu đáp không được thì xin đi chỗ khác. Sư là giảng sư kinh Kim Cang, bà già bán bánh hỏi thì có gì đâu đáng kể, bèn nói: - Bà cứ hỏi đi! Bà dẫn trong kinh Kim Cang: Trong kinh nói là: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được”, như vậy thầy điểm tâm là điểm tâm nào? Tâm ba thời không có chỗ nào được hết, thì lấy cái gì điểm đây? Ngay đó Sư bí không trả lời được. Như vậy rõ ràng Sư giảng cũng là học hiểu thôi, của người khác, mình học hiểu rồi nói lại thôi, chứ chưa thật của mình phát ra. Chính chỗ đó bị bà già bà gạt mà không hay! Khi hỏi điểm tâm nào, là cái bẩy rồi, mình lo tìm cái tâm nào đó để điểm, thì tâm nào đó là tìm tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai, tức quên mất cái nghĩa “không thể được”. Đó là đuổi theo cái bóng để tìm, mà quên mất cái “biết đang trong sáng hiện tiền đây”. Bởi vì bất cứ cái tâm nào, hễ vừa khởi lên là rơi vào ba thời; vừa khởi lên thì hoặc là nghĩ về quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, không thế nào chạy khỏi hết. Nhưng quá khứ qua rồi làm sao tìm, vị lai thì chưa đến, còn hiện tại thì nó luôn luôn trôi chảy không dừng, mình vừa nghĩ hiện tại thì nó thành quá khứ rồi, vậy là ba thời cũng không thể bám, làm sao nắm bắt được. Bởi vậy, tâm mà vừa khởi lên là có tướng là có bị biết, nó thuộc về đối tượng, đó là tâm hư vọng, thì có ngàn muôn sai khác đi nữa cũng biết rõ ràng là đồng một thể thôi, tức “thể không”, rất đơn giản không cần suy nghĩ cũng biết, có suy nghĩ là có thêm một cái tướng nữa rồi, còn cái này rõ ràng như vậy. Nhưng trong đây có thêm một điểm nữa, tâm có trăm ngàn muôn thứ lăng xăng rối rắm không cùng thì đâu có dễ gì nhận biết rõ ràng hết, vậy ở đây đức Phật y nơi đâu mà ngài nói, ngài biết rõ hết? Phải thấy được chỗ đó thì mới nhận được chỗ biết hết, chứ không phải đơn giản. Hãy chú ý! Ngài nói: “Như Lai” đều biết hết, chính chỗ đó là thố lộ rồi! Trước đã nói “Như Lai là nghĩa như của các pháp”, thì ở đây cứ y theo “nghĩa như” đó mà biết thôi, chứ có gì khác! Nghĩa là, vừa khởi lên động niệm là trái với nghĩa như rồi, thì biết là không phải, y theo nghĩa như đó thì rõ biết tất cả không có lầm, vừa động niệm là biết trái với nghĩa như rồi. Nếu dùng cái thấy biết sai biệt để biết cái sai biệt, thì  làm sao biết được? Ngài Lâm Tế có nói: “- Hiện tại đây như có Văn Thù, Phổ Hiền xuất hiện ngay trước mắt, mỗi vị hiện một thân để nói pháp, vừa nói: “- Thưa Hòa thượng!”thì tôi biết rồi. Lão tăng ngồi yên, lại có hàng đạo lưu nào đến gặp nhau, tôi cũng trọn hiểu rành. Chỉ vì chỗ thấy của tôi khác, ngoài chẳng nhận phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt chẳng còn nghi lầm!” Ngài nói rằng Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền đồng một thời xuất hiện hỏi pháp, mà vừa mở miệng “thưa Hòa thượng”, là ngài biết rõ, là sao? Mở miệng là có niệm rồi! Có niệm là biết không phải. Thành ra, nghe nói chúng ta tưởng ngài có thần thông gì ghê gớm, mà thực chỉ y nghĩa Như đó thôi. Ông vừa mở miệng là có niệm rồi, tức biết trái Nó. “Lão tăng ngồi yên, lại có hàng đạo lưu nào đến gặp nhau thì tôi cũng trọn hiểu rành”, là hiểu sao? Nếu không có việc gì, đến đây làm gì? Vừa đến, là trong lòng có việc gì rồi, mà có việc tức là bỏ mất cái hiện tiền, đang đi tìm cái gì khác, đó là quên mất chính ông, cho nên vừa đến là biết rồi! Bởi vậy Đức Sơn có một buổi tham thiền tối, Sư bảo:

- Tối hôm nay chẳng được thưa hỏi, ai thưa hỏi sẽ ăn ba mươi gậy.

Có ông tăng ra lễ bái, Sư liền đánh cho một gậy, ông tăng thưa:

- Bạch Hòa thượng, con chưa hỏi gì hết sao ngài đánh?

Sư hỏi:

- Ông quê ở đâu?

- Con quê ở Tân La.

(Tân La là ở bên Triều Tiên, còn ngài Đức Sơn ở Trung Hoa)

Sư bảo:

- Ông chưa bước chân xuống thuyền là đáng ăn gậy rồi!

Tức là đi tìm, là bỏ chính mình chạy đi chỗ khác, cho nên vừa xuống thuyền là đáng gậy rồi. Đây cũng vậy, ông vừa đến là tôi hiểu rồi! Làm sao ngài biết được chỗ đó? Đây ngài nói: “- Bởi vì tôi ngoài chẳng nhận phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản”, chính chỗ đó là chỗ mà ngài biết hết. Nghĩa là không kẹt trong ngoài, tức y theo nghĩa “Như” như vậy, thì cái gì đến là biết ngay thôi, ngay đó thấy suốt tất cả không có nghi lầm, không có gì gạt được. Tóm lại, trong con mắt của Phật thì không nhận bất cứ cái gì, cho nên vừa có cái gì ngài liền biết, không có một niệm nào qua mắt được Phật. Đó là chỗ, vừa động niệm tức là chẳng phải bản tâm rồi, mình nhớ rõ như vậy là biết hết. Song trước giờ chỉ nói là thấy biết tất cả hết, giờ đây ngược lại, cái mà “tất cả chẳng thể thấy biết” là sao? là cái gì? Thấy biết tất cả, là thấy biết cái bên ngoài thôi, còn “cái” tất cả chẳng thể thấy biết nó, đó là cái mà mình phải sống trở lại chỗ đó, chứ không phải nghe nói như vậy rồi cứ theo đó mà phân biệt, cứ phải hiểu biết hết tất cả, đó cũng là theo ngôn ngữ. Đây là, nhơn cái đó, phải thấy trở lại chỗ mà tất cả không thể thấy biết, sống được cái đó là mình trở về gặp Phật! Như ngài Thạch Sương đến hỏi ngài Thạch Đầu: - Khi khởi tâm động niệm chẳng dừng thì sao? (đó là chỗ mà ai  cũng thắc mắc), ngài Thạch Đầu chỉ bảo: - Dốt, là ai khởi tâm động niệm? Ngay đó Thạch Sương ngộ liền. Bởi vì mình cứ theo động niệm, rồi cứ chấp cái đó là thật, mà bám theo cái tướng đó phân biệt, cho nên không biết làm sao dừng, mà càng cố ngăn cho nó dừng thì càng động thêm nữa; bởi vì chấp nó là thật rồi. Trái lại thấy rõ nó không tự thể thì tự yên. Cho nên nhận cái tâm động niệm đó, tức nhận tướng sanh diệt, mà nhận tướng sanh diệt tức là rơi vào trong ba thời; còn đây là phải khéo thấy lại nguồn tâm trước khi động niệm thì đâu có tướng gì? có thời nào? Trước khi động niệm thì nó đâu có quá khứ hay vị lai? Ý Tổ nằm ngay trong đó, đó là chỗ mình phải sống trở về. Vì vậy trong đoạn này, Phật muốn nói đến năm con mắt này là đồng trở về một con mắt thôi, cũng như là bao nhiêu thứ tâm cũng về một tâm thôi; một con mắt đó là con mắt tâm thấy suốt cả năm mắt, năm mắt cũng đồng một mắt tâm chứ đâu có gì khác; rồi bao nhiêu cái tâm đó cũng đồng một tâm thể thôi, một tâm thể gồm suốt mỗi tâm chứ có gì đâu! Vậy thấu suốt được tâm thể thì chúng ta suốt được mọi thứ tâm, cũng như mở sáng được mắt tâm thì rõ sáng được năm mắt kia, chứ không phải chạy tìm theo tướng phân biệt thì không bao giờ thấy được. Đoạn này hiểu như vậy, mới thấy khi chúng ta tu hết vọng tưởng rồi thì năm mắt đầy đủ, biết khắp tất cả không có thiếu thốn gì hết.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

418791
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
61
2300
17484
387297
44326
73473
418791