Thứ Năm 18/4/2024 -- 10/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 16.Hay sạch nghiệp chướng

 

 

CHÁNH VĂN:

16. HAY SẠCH NGHIỆP CHƯỚNG

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Hoặc người thiện nam, kẻ thiện nữ thọ trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh tiện, thì người ấy vì tội nghiệp đời trước lẽ ra đọa vào ác đạo, do đời nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề! Ta nhớ vô lượng, vô số kiếp về quá khứ, trước Phật Nhiên Đăng đã gặp được tám trăm bốn ngàn muôn ức na do tha chư Phật, thảy đều cúng dường, kính thờ không lơi lỏng; nếu lại có người ở đời sau hay thọ trì, đọc tụng kinh này, thì công đức có được, đối với công đức do ta cúng dường chư Phật, nhiều gấp trăm phần, ngàn muôn ức phần, cho đến tính đếm, thí dụ đều chẳng thể kịp. Tu Bồ Đề! Nếu người thiện nam, kẻ thiện nữ ở đời sau, có ai thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức có được, nếu ta nói đầy đủ, hoặc sẽ có người nghe đến, tâm liền cuồng loạn, nghi ngờ chẳng tin. Tu Bồ Đề! Phải biết nghĩa kinh này chẳng thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn.

GIẢNG:

Đoạn này rất quan trọng, học đoạn này chúng ta mới không nghi ngờ, chứ nhiều khi tụng kinh Kim Cang mà cũng còn sợ. Trong đây có mấy điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, Phật nói từ trước tới giờ là, người thọ trì kinh này thì công đức không thể nghĩ bàn, không thể tán thán hết; Người trì kinh đã được công đức như vậy đó, thì hẳn là được người cung kính chứ, sao lại bị người khinh tiện? Đó là điểm lưu ý! Khinh tiện ở đây là gồm có ganh ghét, chê bai, đánh mắng, đủ thứ, tức những nghịch cảnh lẽ ra không có, vì công đức đã vô lượng rồi, tại sao lại còn có những cái đó? Cho nên mọi người sợ tụng kinh Kim Cang đổ nghiệp! Nhưng ở đây, là chỉ rõ đầu mối của những nghiệp nặng nó lộ ra cho mình thấy. Vì tuy rằng đời nay chúng ta biết đạo, tu hành, được những chủng duyên gặp kinh đại thừa Bát Nhã cao quý; nhưng vô lượng kiếp lăn lộn trong cõi này tạo ra biết bao nghiệp, nghiệp ác có, nghiệp lành có, đủ thứ hết; hôm nay sống trở về chân thật, những nghiệp dữ, lành bao đời trước có, đến lúc chín tới thì nó càng lộ ra chừng nào là càng nhẹ chừng ấy, có gì phải sợ! Ở đây phải thấy rõ những đầu mối nghiệp nặng đó, nhờ chúng ta tụng kinh này, nhờ thấy được, sống được trong ánh sáng Bát nhã, cho nên dùng trí Bát nhã đó mình mới thấy rõ nơi đây, có đủ lòng tin thanh tịnh, thì bao nhiêu những tội nghiệp đó cũng từ tâm mà sanh thôi. Những tội nghiệp, ác chướng nếu tâm không chỗ sanh thì sao? Thì tội nghiệp bám vào đâu mà khởi được? Nên dùng trí Bát nhã mới thấy rõ được, tội nghiệp từ nhiều đời, nhiều kiếp, hôm nay nó có lộ ra, nhưng mình vẫn thấy rõ bao nhiêu tội chướng đó đều tự tâm hiện, nghĩa là, do tâm mê mà tạo ra chứ  những nghiệp này đâu phải sẵn có. Do mê tâm vọng tạo, giờ đây sống với Bát nhã thì được lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng, tâm thanh tịnh là tâm không sanh, vậy bao tội chướng trụ ở chỗ nào? Đó tức là vô sanh sám hối! Bởi nếu không nhờ Bát nhã khiến dừng vọng niệm sanh khởi, thì nghiệp này tạo thêm nghiệp nữa đâu có hết. Ví như những tội chướng đến, mà không có trí Bát nhã để vọng niệm khởi, chúng ta lại sanh buồn khổ, chán nản, có lúc còn chửi trời đất, nghĩa là tôi tụng kinh tu hành sao lại có những cái này? Rồi sanh những phiền não, tạo thêm nghiệp, nghiệp cũ không hết lại còn tạo thêm nghiệp mới nữa. Còn ở đây, nhờ Bát nhã mới thấy được những tội chướng đó nó không thật, từ tâm mê hiện ra; tuy thấy nó nhưng vẫn sống trong ánh sáng Bát nhã, sẽ không buồn, không khổ, không kêu ca chưởi bới thì nó mới tan, mới hết. Vậy nhờ sống trong Bát nhã, tội chướng mới hết; như vậy nó đâu có chướng! Sở dĩ thấy nó chướng, là bởi do mê lầm, thấy theo vọng niệm nên thấy nó thật, thật mới chướng; bởi chướng nên có thối tâm, sợ tụng kinh đổ nghiệp nên không tụng nữa, vậy là nó chướng mình. Đã sống trong Bát nhã luôn luôn sáng ngời, thì nó hiện ra rồi nó sẽ hết, mình sẽ nhẹ nhàng tức sớm thành Vô Thượng chánh đẳng chánh giác, đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai nữa, người mà nghiệp nặng, mê mờ, nghe đến công đức kinh này nghĩa lý thù thắng khó nghĩ bàn thì khó tin. Còn đây chúng ta nghe được, tin nhận, đó là đã gieo trồng căn lành Bát nhã sâu, đã biết như vậy và tin chắc thì không lý do gì chút nghiệp chướng làm trở ngại, thối tâm, đó là điểm làm mình càng vững tâm thêm, không thối chuyển.

Điểm thứ ba nữa, là chúng ta trì kinh này, tức sống trong ánh sáng Bát nhã, là rõ suốt bốn tướng không thật, thì phiền não không sanh, ngay đó phiền não dứt là qua được phiền não chướng. Đây nói nghiệp ác tiêu diệt, là nghiệp chướng tiêu trừ; rồi chẳng đọa đường ác, tức báo chướng tiêu trừ; ba chướng: nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng được trừ thì đầy đủ ba đức, đó là đức Bát nhã, đức pháp thân, đức giải thoát. Như vậy trong đây nói: “sẽ được Vô Thượng chánh đẳng chánh giác”, đó là chuyện dễ tin. Kinh nói rõ, người thọ trì kinh này bị người khinh tiện là do đời trước lẽ ra bị đọa ác đạo, cho nên bây giờ bị khinh tiện ắt được tiêu diệt hết, sẽ đặng Vô Thượng chánh đẳng chánh giác. Đây phải hiểu thêm, không phải tu hành rồi gặp gì cũng tốt hết, người ta nghĩ tu hành là làm việc lành, việc tốt, thì phải gặp việc tốt, nếu gặp việc xấu liền chán nản, liền nghĩ nhân quả không đúng. Nhưng đây không phải vậy, tuy rằng làm lành, nhưng trong nhiều đời trước mình có gieo những việc không lành, ngay trong đời này cũng không phải làm lành hoàn toàn, từ nhỏ đến giờ cũng chưa trọn lành hết, trong đó có lành có dữ; biết vậy nên lâu lâu cũng có cảnh nghịch để đáp lại việc làm không lành trước, đó là công bằng. Chứ không phải nói tôi tu hành rồi, những việc kia dẹp qua hết, đó là trốn nợ, phải hiểu như vậy. Thứ hai nữa, khi gặp những chướng duyên nghịch cảnh thì, đừng nghĩ đó là chướng duyên nghịch cảnh, mà chính những cái đó làm thành tựu công phu sâu dày, công lực mạnh thêm cho mình. Có những nghịch cảnh đó thử thách như vậy, mới biết đạo lực mình tới đâu! Cho nên, càng có những nghịch cảnh đó, thay vì thấy đó là nghịch cảnh, thì mình phải chuyển lại lấy những cái đó làm “sức bật” để mình nhảy lên, vươn lên. Mỗi một lần gặp nghịch cảnh, là mỗi lần lớn mạnh lên thêm, thì không có gì chướng cho mình hết, còn nghĩ đó là cái chướng của mình, thì dễ thối tâm. Hãy xem, ngay đức Phật Ngài thành Phật rồi, mà có được hoàn toàn như ý không? Đã thành Phật rồi, mà gặp Đề Bà Đạt Đa đi theo, phá đủ thứ chuyện. Ngài còn kể, trong những đời làm Bồ Tát hạnh, cũng luôn gặp Đề Bà Đạt Đa đi theo, mà luôn luôn làm những cái nghịch, chính những cái nghịch đó đưa Ngài đi lên, chứ không phải những cái nghịch đưa Ngài đi xuống. Bởi vậy trong kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa sau này cũng sẽ thành Phật. Như vậy Đề Bà Đạt Đa thuộc hạng người nào? Không phải là hạng thường. Thường, người phá Phật, phá Bồ Tát, thì nghiệp rất nặng, phải đọa địa ngục không biết bao nhiêu kiếp. Nếu chỉ phá một lần thôi, là đã bị đọa lâu dài rồi, vậy vì sao Đề Bà Đạt Đa cứ theo Phật hoài, thời gian đâu mà theo hoài vậy? Đó là một vị đặc biệt theo để thử thách, để đưa Ngài đi lên thôi. Hiểu được như vậy đó, khi tu hành cũng có những thử thách, gặp những cái nghịch đến là để luyện ý chí mạnh lên thêm, đạo lực càng vững để càng ngày càng tiến lên, chứ không phải nghĩ đó là những cái chướng, nghĩ chướng thì dễ thối tâm. Như câu chuyện Luận Sư Giới Hiền, lúc Ngài Huyền Trang qua Ấn Độ, Ngài đến chùa Na Lan Đà gặp Luận Sư Giới Hiền lúc đó đã trên trăm tuổi. Khi gặp Luận Sư Giới Hiền, Luận Sư bảo trong chúng sắp tòa cao mời Huyền Trang ngồi, rồi hợp chúng lại, hỏi thăm Ngài Huyền Trang từ đâu tới? Ngài Huyền Trang thưa: Từ xứ China tức Trung Quốc đi đến đây, muốn nương theo thầy để học về bộ luận Du Già Sư Địa. Vừa nghe xong như vậy, Ngài Giới Hiền liền khóc, và gọi vị đệ tử tên Giác Hiền cũng trên bảy mươi tuổi đến bảo bây giờ ông thuật lại cho trong chúng này nghe về nhân duyên bệnh khổ của ta. Giác Hiền cũng vừa khóc, vừa thuật lại: “Trước kia Hòa thượng bị bệnh phong thấp rất nặng, cứ lâu lâu bị phát bệnh không chịu được, chân tay như bị ngàn dao đâm, gần hơn hai mươi năm. Cách đây ba năm, Hòa Thượng chịu hết nổi, chán ghét cái thân này quá, cho nên Ngài muốn nhịn ăn cho chết đi. Trong đêm, Hòa thượng mộng thấy có ba vị trời, ăn mặc rất đẹp đẽ, một vị sắc vàng chói, một vị sắc như lưu ly, một vị như màu bạc, đến bảo: “- Ông muốn bỏ thân này ư? Trong kinh nói, có mang thân này là khổ, nhưng không nói nhàm chán lìa bỏ nó, phải mượn nó để tu hành. Ông ở quá khứ từng làm vị quốc vương, giết không biết bao nhiêu sinh mạng, đáng lý phải bị đọa, nhưng hôm nay nhờ tu hành đạo cao đức trọng, cho nên bị chút bệnh này thì nó chuyển nghiệp. Ông phải rán, không nên vì chút nghiệp đó mà phải buồn, chết, hãy rán sám hối, siêng năng tu hành, giảng dạy chánh pháp, khiến bệnh khổ tiêu hết. Còn bây giờ ông có chán bỏ thân này đi nữa, thì cái khổ này cũng không hết, chán bỏ nó mà nghiệp chưa hết đời sau còn chịu nữa.” Hòa Thượng nghe xong liền lễ bái. Vị có mang màu sắc vàng chói mới chỉ vị có màu sắc lưu ly mà nói với Hòa Thượng: - Ông biết vị này chăng? Đây là Bồ Tát Quán Tự Tại. Rồi chỉ vị có màu sắc bạc nói: - Đây là Bồ Tát Từ Thị (tức là Bồ Tát Di Lặc) Ngay đó Hòa thượng lễ bái Bồ Tát Từ Thị, và hỏi: - Giới Hiền con thường nguyện sanh lên chỗ của Ngài, chẳng biết có được chăng? Bồ Tát Từ Thị bảo: - Ông hãy lo rộng truyền chánh pháp đi, rồi sẽ được sanh lên đó! Sau đó vị trời có màu sắc vàng chói mới nói: Ta là Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi (tức Bồ tát Văn Thù) Chúng ta thấy ông luống bỏ thân này chẳng có lợi ích gì, nên đến đây để răn ông, ông hãy theo lời ta mà tuyên bày giảng dạy chánh pháp để cho khắp đến mọi người, những người chưa nghe sẽ được nghe, dần dần bệnh ông sẽ lành. Rồi đây sẽ có một vị tăng ở Chi Na đến, vị này thông suốt về pháp đại thừa đến đây để học ông, ông hãy đợi vị ấy!  Hòa thượng nghe xong lễ bái vâng nhận, bỏ niệm tự vẫn, từ đó về sau bệnh hòa thuợng giảm dần, nên hôm nay gặp thầy Huyền Trang đây, Ngài mới cảm động rơi nước mắt!” Luận sư Giới Hiền này, là một bậc tu hành nổi tiếng bậc nhất trong thời đó, đáng lẽ không có những bệnh khổ như vậy, nhưng có những bệnh khổ đó, là do nghiệp từ trước mà có. Như vậy không phải lấy đó làm thối tâm, mà biết đó do nghiệp cũ hiện ra, an nhẫn mà chịu, rồi mượn những chướng duyên đó để tiến lên, nhờ những bệnh khổ mới thấy rõ thân này giả dối không thật, không bám vào nó, cái thân này bệnh lên bệnh xuống nên chán, ít quý mến nó, còn thân khỏe mạnh tốt thì hay quý mến, ai đụng tới thì khó chịu. Mượn cái nghịch làm cái thuận để vươn lên, còn không khéo buồn khổ chán nản, tu hành ngày càng thối. Bởi tu hành không có thuận hoàn toàn, có nhiều vị ở ngoài khỏe mạnh lắm, nhưng vào tu rồi bệnh tới bệnh lui hoài, thấy chán; có vị bệnh như vậy đó nhưng về nhà lại hết bệnh. Như vậy để thấy rõ, những cái nghịch, cái chướng đó, không phải là cái chướng; khéo chuyển đổi, đó là những bước tiến tu. Nhớ như vậy và xem đó cũng là cái duyên để bào mòn bớt bản ngã, nếu tu hành lúc nào cũng êm suông, dễ dàng, dễ sanh kiêu. Đại khái, nếu tụng kinh Kim Cang Bát Nhã gặp những chướng như vậy, đó là triệu chứng tốt, chứ đừng nghĩ đổ nghiệp, bỏ tụng, đó là rất uổng phí vô cùng! Ngài Bạch Ẩn là một vị thiền sư đạt đạo rồi, vậy mà một hôm có chuyện oan ức, là cô gái có tư tình với anh nọ bị cha gạn hỏi, đổ cho Ngài, rồi sanh con đem giao cho Ngài, Ngài chỉ bảo: “- Thế à!”. Sau thấy trong tâm ray rứt chịu không nổi, cuối cùng cô thú thiệt với người cha không phải là con Ngài mà là con của anh chàng ngoài chợ. Cha cô hoảng hốt vội đến tạ lỗi và xin lãnh đứa bé về, lúc đó Ngài cũng: “- Thế à!” vậy thôi. Là thiền sư nổi tiếng mà cũng bị như vậy, chúng ta lâu lâu bị một hai cái nghịch cũng là thường. Hiểu như vậy thì luôn luôn tiến, chứ không lùi, đó là nói qua để mọi người có niềm tin thêm.

Ở đây Phật lại tự so sánh cái phước mà Ngài thờ phụng Chư Phật từ vô lượng vô số kiếp về quá khứ, ở trước Phật Nhiên Đăng, “Ngài đã gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na do tha chư Phật thảy đều cúng dường, kính thờ không lơi lỏng, nhưng nếu có người ở đời sau hay thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức có được, đối với công đức ta đã cúng dường Chư Phật là nhiều gấp trăm phần ngàn phần.” Đoạn này để củng cố niềm tin mạnh thêm, Phật dẫn ngay việc của Ngài. Từ trước Ngài đã dẫn phải bố thí thân mạng mình, bố thí của cải, đây Ngài dẫn chính Ngài từ xưa đã phụng thờ bao nhiêu đức Phật, công đức này so với công đức sống với Bát nhã đây vẫn không bằng. Theo như trong kinh luận ghi, thì lúc Đức Thích Ca còn trong nhân địa tu hành, Ngài phải trãi qua ba vô số kiếp. Khi tu hành mãn vô số kiếp thứ nhất, Ngài gặp Đức Phật Bảo Kế Như Lai, rồi qua mãn vô số kiếp thứ hai Ngài gặp Phật Nhiên Đăng Như Lai, mãn vô số kiếp thứ ba Ngài gặp Đức Thắng Quán Như Lai. Ở đây Ngài nhắc lại trước Phật Nhiên Đăng, là ở vô số kiếp thứ hai, trước vô số kiếp thứ hai là vô số kiếp thứ nhất, vậy có hai cái vô số kiếp, mà đây Ngài nói vô lượng vô số kiếp về quá khứ là sao? Cái số gọi vô số ở đây là số rất lớn, vô số rồi vô số trong cái vô số đó, tức là vô lượng. Đây nói vô lượng cái vô số nữa, như vậy làm sao hiểu nổi, có mâu thuẫn không? Để cho thấy nghĩa vô số đó tức không phải là một con số nhất định, cố định mà chỉ cho thời gian không cố định. Chúng ta tu hành có khi nhanh, có khi chậm, có khi lùi, có lúc tiến, tiến thì đi nhanh, giải đãi thì chậm lại, như vậy đâu tính thời gian nhất định được. Bởi vậy tu hành một vô số kiếp đó để chỉ trong thời gian này tùy theo người, tùy theo căn cơ trình độ, nếu tinh tiến thì đi nhanh, nếu không tinh tiến thì đi chậm, thời gian không cố định, nên nói vô số đó là khiến mình quên niệm thời gian. Gặp Phật cũng quá nhiều, tám trăm bốn ngàn Na Do Tha Đức Phật, Ngài nói như vậy làm sao mà biết được? Như vậy Ngài nói chỉ Ngài biết thôi, chứ mình cũng không biết, đó là để chỉ cái gì? Ở trong kinh Pháp Hoa có đoạn Phật nói rằng: Ta nói về Phật Nhiên Đăng.v.v... lại nói vào Niết Bàn, như thế đó là phương tiện phân biệt, phải khéo thấy ý của Phật. Đây muốn nhắc chúng ta phải xoay về tự tâm, chứ không mắc kẹt trên thời gian, không mắc kẹt trên những Phật bên ngoài. Phải sống trở về với Phật nơi chính mình là trên hết, còn hướng ra ngoài thì không hiểu nổi, càng hướng ra ngoài càng rắc rối thêm, còn hướng trở về mình thì rất đơn giản. Dù cho Phật có cúng dường bao nhiêu Đức Phật bên ngoài đi nữa, mà Ngài không trở về với Phật chính Ngài, thì Ngài có thành tựu viên mãn quả Phật của mình không? Cúng dường bao nhiêu Phật bên ngoài, nhưng cuối cùng phải trở về với ông Phật chính Ngài, mới thành tựu quả Phật viên mãn. Cho nên công đức sống trở về tự tâm mình, đó là không thể nói bằng lời, nên diễn tả những cái ngoài sức tưởng tượng, chỉ có một điều tâm chứng. Đó là thêm một lần nữa, cho mọi người thấy lý Bát nhã rất là sâu xa, ngoài sức tưởng tượng, nhưng cái sâu xa đó ở đâu? Ngay chính mình thôi, đó mới là điều an ủi; chớ nó sâu xa quá ở đâu đâu thì coi như mình vô phần, học cũng không để làm gì. Đây là điều an ủi bậc nhất! Khéo thấy như vậy đó, mới thấy hết được ý sâu xa kinh muốn nói, chứ cứ suy theo cái bên ngoài thì không sao hiểu nổi.

Phật tổng kết lại: “Nếu người thiện nam, người thiện nữ ở đời sau ai mà thọ trì đọc tụng kinh này, nếu ta nói đầy đủ công đức đó, người nghe phải cuồng loạn nghi ngờ, không tin nổi, bởi nghĩa của kinh này không thể nghĩ bàn.” Đó là muốn nhắn gởi cho người nghe không thể nghe theo lời, hiểu theo lời; nếu nghe, hiểu theo lời thì dễ sanh nghi ngờ, dễ sanh cuồng loạn, mà chỉ nghe nơi mình, thấy được ý ngoài lời tức mới thấy được chỗ sâu xa kia. Cho nên theo nghĩa: gặp chư Phật bên ngoài đó, bây giờ xoay lại nơi mình thì, một niệm giác là một vị Phật, trăm ngàn niệm giác là trăm ngàn Đức Phật, vậy chúng ta gặp được nhiều Phật rồi, nhưng chỗ đó cũng chưa hay. Nếu chỉ nhớ trăm ngàn niệm giác đó, sao bằng mình ngộ ngay cái thể giác hiện tiền đây, cứ lo nhớ trăm ngàn niệm giác đó, thì trăm ngàn niệm giác đó đã qua rồi, chỉ ngộ thẳng ngay một niệm giác hiện tiền đây không hay hơn sao? Cho nên cúng dường trăm ngàn muôn Đức Phật đó, không bằng người thọ trì kinh này. Như vậy là chúng ta xoay trở về, không chạy theo Phật bên ngoài, hiểu như vậy là rất đơn giản, mà chúng ta có thể làm được; còn hiểu theo kia thì không biết bao giờ chúng ta mới thấy được bao nhiêu Đức Phật đó. Chính thấy được như vậy, đó là nhân địa thành Phật, ngộ được thể giác rồi thì sẽ đạt được quả báo cứu cánh, nên Phật nhấn mạnh kinh này nghĩa lý chẳng thể nghĩ bàn, quả báo chẳng thể nghĩ bàn, không thể nói được. Ngài Phó Đại Sĩ có bài tụng nói lên ý nghĩa này:

Tiên thân hữu báo chướng,

Kim nhật thọ trì kinh,

Tạm bị nhân khinh tiện,

Chuyển trọng phục hoàn khinh,

Nhược liễu y tha khởi,

Năng trừ biến kế tình,

Thường y Bát nhã quán,

Hà lự bất viên thành.

***

Thân trước có báo chướng,

Ngày nay thọ trì kinh,

Tạm bị người khinh tiện,

Chuyển nặng nhẹ cho mình,

Nếu rõ y tha khởi,

Biến kế chẳng còn sinh,

Thường y Bát nhã quán,

Lo gì chẳng viên thành?

Đây có nhiều từ hơi khó hiểu, trong Duy thức học có nói đến biến kế chấp, rồi y tha khởi, viên thành thật. Biến kế chấp là cái lầm chấp của mình, do vô minh nên lầm chấp ngã này thật, thế giới thật, tức ngã thật, pháp thật, tất cả đều thật, đó là biến kế chấp. Y tha khởi, là nhờ Phật, Bồ tát, những vị thiện tri thức chỉ cho mới rõ được cái chấp đó là mê chấp lầm lẫn, không thật nên không còn những chấp đó mà sống trở về lẽ thật, dần dần hết những lầm chấp, tâm an ổn thành tựu được viên thành.

Người xưa có ví dụ giống như sợi dây luộc bỏ giữa đường, ban đêm mình đi thấy mập mờ tưởng như rắn, chấp là con rắn thì sợ hãi run rẩy; có ai đó đốt đèn lên thấy rõ là sợi dây, thì sợi dây mà thấy là con rắn, đó là biến kế chấp, tức thấy không thật do lầm lẫn thôi. Bây giờ nhờ đèn sáng, thấy rõ, đó là y tha khởi; rồi nhìn kỹ lại thấy sợi dây cũng không thật, do những sợi gai nhỏ bện lại thành tướng sợi dây thôi, liền đó thì tâm sáng suốt an ổn, bình tỉnh, đó là viên thành thật. Ở đây nghiệm rõ lại cũng vậy, bao nhiêu những tội chướng cũng từ vọng niệm vô minh mà khởi thôi, do vọng niệm lầm chấp mà nó khởi, từ vọng niệm lầm chấp đó rồi tạo nghiệp, mới thành chướng. Giờ đây thấy rõ, dùng trí tuệ Bát nhã mà nhìn thì thấy nó cũng không thật, không có tự tánh, chợt có chợt không, vọng niệm là cái sanh diệt chập chờn vậy thôi; khi giác nó, nhìn vào bản chất thật của nó thì nó liền yên, tâm lặng lẽ thanh tịnh; tâm thanh tịnh lặng lẽ thì tội chướng nương vào đâu? Thành ra tội chướng hết chỗ bám. Chướng là do vọng niệm nên thấy chướng, không vọng niệm thì không thấy chướng, chướng không thành thì Bát nhã hiện tiền, là viên thành thật. Ngộ được như thế là qua được chướng, qua hết khổ, hết phiền não. Như vậy ở đây nói chướng, là do người vọng tưởng chấp thôi, nếu giác ngộ rõ ràng thì dù có những nạn chướng đó, nhưng với người giác thì đâu thành chướng? Như câu chuyện ngài Tăng Triệu, ngài bị tội tử hình nhốt trong ngục, ngài xin cho hoãn lại bảy ngày để ngài viết xong bộ “Luận Bảo Tạng”. Quý vị thấy, bị tội tử hình rồi thì còn tâm tưởng đâu mà viết luận? Nhưng với Ngài thấy chuyện chết như trò chơi thôi, không thành vấn đề. Viết xong bộ luận, trước khi chết ngài còn đọc lên bài kệ:

Ngũ ấm nguyên phi hữu,

Tứ đại bổn lai không.

Tương đầu lâm bạch nhẫn,

Nhứt tự trảm xuân phong.

Nghĩa là “Năm ấm chẳng phải có; Bốn đại xưa nay không. Đem đầu đến dao bén; Giống như chém gió xuân” Với Ngài thấy trong đây không có ai bị chém cả thì có gì mà chướng? Sở dĩ chúng ta thấy có chướng là vì còn thấy thân này thật, thấy thân này thật nên có cái ta bị chém, chém chết cái Ta này thì khổ, khổ là chướng. Nay đây thấy rõ thân này không thật thì không có gì chướng hết; vậy là ngay khi gặp nạn, gặp nghịch cảnh, nghịch duyên đó mà không thấy chướng, thì trí Bát nhã vẫn sáng ngời. Trái lại, đối với chúng ta ngay khi đó là hoảng hốt, khổ sở, thì nó thành chướng. Để cho thấy rõ lẽ thật đó, khi cái khổ đến mà vẫn giữ được sáng suốt, không mất trí tuệ thì có gì chướng. Ở đây, với tinh thần Bát nhã, thọ trì Bát nhã và sống với Bát nhã, là luôn dùng trí tuệ Bát nhã soi thấy tất cả chướng duyên nghịch cảnh đều là cái không thật, không phải là sẵn có tự bao giờ, do những vô minh vọng niệm lầm chấp rồi tạo tác, tạo tác rồi theo đó chịu khổ; khi giác rồi thì những cái đó không thành vấn đề. Nói như vậy để cho chúng ta quán sâu, quán kỹ, chứ đến được chỗ đó không phải dễ! Nhưng nói để cho thấy lẽ thật phải đến được như vậy, mới đến được chỗ tột, chưa đạt được đến chỗ tột thì phải cố gắng thêm lên, chứ không phải hiểu được chút ít là ngang đó tự đủ rồi!

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

418929
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
199
2300
17622
387297
44464
73473
418929