Thứ Sáu 19/4/2024 -- 11/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 15.Công đức trì kinh

 

 

CHÁNH VĂN:

15. CÔNG ĐỨC TRÌ KINH

Này Tu Bồ Đề! Nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ, buổi sáng đem thân nhiều như cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa đem thân nhiều như số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều đem thân nhiều như số cát sông Hằng ra bố thí, như thế đem thân ra bố thí trong vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp. Nếu lại có người nghe kinh điển này, lòng tin chẳng nghịch, phước của người này hơn người bố thí kia; huống nữa biên chép, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà nói. Tu Bồ Đề! Nói tóm lại, kinh này có công đức chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể cân lường, không có bờ mé, Như Lai vì người phát Đại thừa mà nói, vì người phát Tối thượng thừa mà nói. Nếu có người hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người mà nói, Như Lai biết hết người đó, thấy hết người đó đều được thành tựu công đức chẳng thể lường, chẳng thể cân, không có bờ mé, chẳng thể nghĩ bàn. Những người như thế ắt là gánh vác Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai. Tại sao? Này Tu Bồ Đề! Nếu người ưa pháp nhỏ, dính kẹt ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến ắt đối  với kinh này chẳng thể nghe nhận, đọc tụng, vì người mà giải nói. Tu Bồ Đề! Ở bất cứ nơi nào, nếu có kinh này thì tất cả trời, người, a tu la trong thế gian đều nên cúng dường. Phải biết, chỗ đó chính là ngôi tháp, đều nên cung kính, làm lễ đi quanh, dùng các thứ hương hoa rải lên nơi ấy.

GIẢNG:

Đây nói về phần công đức trì kinh.

Thứ nhất, Phật so sánh về phước thí mạng vô số với thời gian lâu xa, đem phước đó so với phước trì kinh mà được lòng tin chẳng nghịch. Trong phần bố thí thân mạng này có mấy điểm: Một là, một ngày ba thời bố thí sáng, trưa, chiều. Hai, mỗi một thời bố thí thân mạng nhiều như số cát sông Hằng. Ba, không phải một ngày, mà trải qua vô lượng trăm nghìn kiếp như vậy, ai có thể tưởng tượng nổi không? Một ngày ba thời, một thời bố thí thân mạng nhiều như số cát sông Hằng, mà vô lượng kiếp như vậy chứ không phải một ngày hai ngày thôi, vậy ai làm được? có nghi không? Ở đây chữ kiếp thuộc về tiếng Phạn, gọi đủ là kiếp ba, chỉ thời gian lâu dài. Trong nhà Phật có chia tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp, chứ không phải chữ kiếp hiểu thông thường là một đời người. Thường một tiểu kiếp thời gian rất là dài, nếu nói một đại kiếp thời tính đến hàng triệu năm. Vậy chữ kiếp là tính thời gian rất là lâu dài. Ở phần trước chỉ nói đến bố thí thân mạng nhiều như số cát sông Hằng, còn ở đây lên một tầng cao hơn, là bố thí nhiều thân mạng lại trải qua vô lượng trăm nghìn ức kiếp nữa, ai nghĩ thử thân mạng ở đâu mà đem bố thí nhiều vậy? Chỉ cần một buổi sáng thôi mà bố thí vô số thân mạng như vậy, thân mạng ở đâu mà đem bố thí như vậy. Đó là thí dụ, nên văn kinh nói “giả sử” chứ sự thật ai mà có nhiều thân mạng đem bố thí. Đó là điểm cho ta thấy ngoài sức tưởng tượng của con người. Thứ hai, muốn nói đến thân mạng không có thiệt, bao nhiêu thân mạng nhiều như số cát đi nữa, đều giả dối không thiệt, không cố bám chấp vào thân mạng, không còn chút gì để chấp về thân này, thấy thân không ra gì, thật giống như hạt bụi vậy thôi. Nếu còn thấy một thân mạng là thật, thì không dễ dàng gì hiểu được tới chỗ này. Một thân mạng thấy thật đã khó bỏ rồi, huống là nhiều cái trong ba buổi. Đây là ngầm ý thấy thân mạng không ra gì hết, không có chỗ nào cho mình bám, mới đi sâu vào Bát Nhã, và mới thật sự luôn luôn miên mật; nghĩa là tin chắc pháp thân thường trụ, còn thân mạng này không đáng, không để một niệm nào lui lại thân này. Cho nên trong đây ba thời mà vô số kiếp như vậy, có thân mạng đều bố thí không để giành lại cái thân mạng nào, cho thấy không có một niệm nào để cho mình lui lại cái thân mạng này, buông xả hết không dính dáng gì đến cái ngã này, mới thật sự sống trong Bát nhã. Nếu ngay lúc này vừa có một niệm nghĩ lui về thân mạng này, tức ngay đó Bát nhã liền khuất. Đó là ý nghĩa sâu xa.

Một ý nghĩa quan trọng nữa, là khiến mình bặt mọi suy tưởng! Nói như vậy, là không ai còn tưởng tượng được nữa, bởi tưởng tượng thì làm sao đến được chỗ đó! Thân mạng nhiều như số cát, kiếp cũng vô số không còn biết tính bao nhiêu thời gian, hết tưởng tượng được! Đây là nói theo kinh, nếu theo thiền thì các thiền sư không phải nói dài dòng, cho cái đạp, hét một tiếng là hết suy nghĩ. Theo kinh là nói thí dụ như vậy, khiến mọi người theo đó suy tưởng, suy tưởng đến mức hết suy tưởng, ngay đó vào Bát nhã! Trong nhà thiền có Ngài Thủy Lạo đến hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là Ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?

Mã Tổ bảo:

- Ông hãy lễ bái đi!

Ngài Thủy Lạo vừa mới lễ bái, Mã Tổ liền nhằm ngay ngực đạp cho một cái té nhào. Thủy Lạo liền đại ngộ. Tống như vậy thì có suy nghĩ kịp không? Mới lễ bái, đạp cho một đạp bất ngờ hết kịp nhớ tới thân, ngay đó đại ngộ, Ngài đứng dậy vỗ tay cười lớn, nói:

- Cũng rất lạ, cũng rất la trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa chỉ nhằm trên đầu một sợi lông mà biết rõ cội nguồn.

Nghĩa là bao nhiêu tam muội, bao nhiêu nghĩa vi diệu chỉ cần trên đầu sợi lông mà biết hết cội nguồn, không tìm đâu xa, tức là chỉ ngay một niệm thôi. Ngay một niệm hiện tiền đây phá vỡ, thấu suốt liền nhận được. Chính lúc mình bặt hết suy tưởng, nghĩ ngợi thì ngay đó chân thật hiện, các thiền sư thường khéo nói như vậy mà không giải thích, thí dụ nhiều như ở trong kinh. Nếu người nghe được thấu như vậy, đó là lòng tin chẳng nghịch. Thêm nữa là biên chép, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói nữa thì sao? Chỉ người có lòng tin chẳng nghịch thôi, phước này đã hơn người bố thí kia rồi. Tức là, nghe kinh này được lòng tin chẳng nghịch, là phước đó hơn người bố thí thân mạng nhiều như số cát sông Hằng kia, tin chẳng nghịch, đây là thuận kinh Bát Nhã, đã nhảy vào Bát nhã, tức đã sống trở về chân thật;  còn thân mạng tuy thuộc về nội tài, bản thân mình, nhưng cũng thuộc về bên ngoài hình tướng giả dối; trái lại sống về cái chân thật thì không có ngôn ngữ nào diễn tả, không thể so sánh, nên đây dùng thí dụ so sánh tạm để cho thấy không gì sánh được. Chỉ lòng tin như vậy đó, đã là vô lượng rồi, huống nữa là biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải nói, công đức còn lớn chừng nào nữa. Bởi vì biên chép, thọ trì, đọc tụng là sống trong đó rồi; vì người mà nói là dùng phương tiện chỉ bày, khơi dậy cho người khác thấy được chỗ đó nữa, vậy công đức này làm sao dùng tâm suy nghĩ mà hiểu đến được? Phải sống trong đó mới hiểu được thôi. Ngôn ngữ diễn tả chỉ là diễn tả bên ngoài, làm sao diễn tả đến chỗ đó, mà muốn đến chỗ đó, phải quên thân mạng này. Còn bám chặt thân giả ngã này thì không sao đến được, nên trước đó đem thí dụ để so sánh về xả thân, hiểu như vậy thì mới thấy thí dụ có ý nghĩa. Đây dẫn một đoạn này để hiểu sâu thêm: kinh Niết Bàn có nói về đức Phật lúc đang còn ở trong nhân địa tu hành tức lúc còn làm Bồ Tát hạnh, Ngài làm vị tiên nhân đang tu trong động, lòng thiết tha cầu kinh Đại thừa, trời đế Thích thấy vậy mới đến thử  xem. Đế Thích hiện ra hình một con quỷ La Sát là quỷ ăn thịt người, đầu tóc rối bù, đầu to, bụng nhỏ, đang đói khát, đứng bên ngoài đọc hai câu kệ: “- Chư hành vô thường, Thị sanh diệt pháp” tức mọi pháp thuộc về tạo tác đều vô thường, đều thuộc về sinh diệt, vị tiên nhân nghe hai câu kệ đó như cảm được điều gì, mới đi ra coi ai nói hai câu kệ đó, thì thấy quỷ La sát đó với dáng ghê sợ, nhưng do lòng khao khát Phật pháp, Ngài mới hỏi: - Phải ông vừa mới nói hai câu kệ đó không? La sát nói: - Phải. Vị tiên nhân nói: -  Xin nói hết cho tôi được nghe. Quỷ La Sát mới nói: - Tôi đang đói, nên không thể nói được nữa, muốn tôi nói phải cho tôi ăn no mới nói được. Hỏi: - Thức ăn của ông là gì? Đáp: - Tôi chỉ dùng thịt sống, uống máu tươi. Vị tiên nhân nghĩ nếu hy sinh thân mạng thì làm sao nghe được hai câu sau, mới suy nghĩ nói: “- Thôi bây giờ tôi leo lên cây cao, ông chép hai câu kệ đó ở trên tảng đá gần đó, vừa chép, tôi ở trên kia nhìn thấy hai câu kệ đó xong, liền gieo mình xuống để ông được ăn, mà tôi cũng được hai câu kệ.” Vị tiên nhân liền leo lên cây, ở dưới này quỷ La Sát viết hai câu kệ hai tiếp: “Sanh diệt diệt dĩ, Tịch diệt hiện tiền”, nghĩa là sanh diệt mà hết rồi, thì tịch diệt hiện tiền; tịch diệt là bất sanh bất diệt hiện tiền. Ngay lúc đó vị tiên nhân từ trên kia gieo mình xuống, quỉ La Sát hiện nguyên hình Trời Đế Thích đỡ lấy ngài, và tán thán: - Công đức tu hành của Ngài chắc chắn thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mà xin ngài khi thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi thì đừng quên tôi. Nghe câu chuyện ai thấy được ý nghĩa sâu xa gì không? Tại sao chỉ nói hai câu kệ trước thôi: “- Tất cả các hành đều vô thường, là pháp sanh diệt”? Tức chúng ta phải buông xả thân này, buông xả chấp trước những cái sanh diệt vô thường đó, thì mới có thể nghe được, nhận được chỗ “tịch diệt hiện tiền”. Cho nên nói hai câu đó mà bảo phải hy sinh thân mạng, là buông không bám vào thân, không chấp vào cái ngã này thì mới nghe được hai câu sau “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền” Cũng như đây, thí xả vô số thân mạng rồi, mà không bằng người có lòng tin chẳng nghịch, tức là thuận vào trí Bát nhã, nhảy vào sống trong Bát nhã! Đó là muốn nhắc chúng ta phải quên cái giả thì mới sống được cái thật, còn bám vào cái giả này thì trái với cái thật. Đoạn kế, Đức Phật nói: “Kinh này có công đức không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không bờ mé, Như Lai vì người phát Đại Thừa mà nói, vì người phát tối thượng thừa mà nói; nếu có người thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà nói, thì Như Lai thấy hết người đó, biết hết người đó đều được thành tựu công đức chẳng thể nghĩ lường, chẳng có bờ mé, không thể nghĩ bàn, và những người như thế ắt gánh vác Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai.” Đây là một đoạn nói thẳng công đức chẳng thể nghĩ bàn, cân lường, bờ mé thì làm sao hiểu? Bởi công đức này là công đức tự tánh, phải sống trở về tự tánh mới cảm nhận được, lời lẽ không bao giờ diễn tả tới, dùng tâm phàm phu này suy nghĩ cũng không thể suy nghĩ tới, không thể cân lường nạng nhẹ, không bờ mé trước sau, chỉ tự thầm nhận. Phật nhấn mạnh, đây là vì người phát đại thừa, vì người phát tối thượng thừa mà nói. Như vậy muốn thật sự nghe được kinh này, dùng tâm nhỏ hẹp mà nghe được không? Tức phải mở tâm rộng lớn, chớ không thể dùng tâm nhỏ hẹp mà nghe được; đó là nhắc nhở phải quán sát cho kỹ thân này để bớt chấp, hiểu rõ thân này là giả để tin nhận mình có pháp thân chân thật, pháp thân đó thênh thang rộng lớn không có ngằn mé. Phát tâm đại thừa là tin nhận mình có Phật tánh đầy đủ, ai ai cũng đủ, chứ không riêng người nào, một hạng người nào. Nếu chúng ta thấy một số nào đó có Phật tánh thôi, còn số khác không có, thì tâm đó còn giới hạn nhỏ hẹp. Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất  Khinh Bồ Tát, nói đức Phật Thích Ca khi còn làm vị Bồ Tát tên là Bồ Tát Thường Bất Khinh, Ngài đi tới đâu thấy ai cũng xá nói: “Tôi không dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật” Gặp người tâm chưa thuần thục, tưởng Ngài nói móc, nói ngoéo gì đó, vì vậy họ lấy đá, gạch ném lại Ngài, thì Ngài chạy xa xa cũng vẫn xá xá: “tôi không dám khinh quý Ngài vì quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Sau công đức đầy đủ, Ngài thành Phật. Đây là cho thấy rõ tất cả đều có Phật tánh, gieo vào trong lòng họ hạt giống giác ngộ, họ chưa tin đó nhưng gieo vào, họ cũng có hạt mầm, gặp nhân duyên sẽ nảy nở. Họ có nghe là đã lọt vào trong tàng thức, khi đủ duyên cũng nở, không nên mặc cảm! Có thể họ không tin lắm, bởi vì họ gieo hạt giống chưa sâu, cũng như  chúng ta lúc ban đầu chưa được ai gieo thì cũng khó tin, rồi gieo lần lần hôm nay nghe mà tin được như vầy, đó cũng là nhiều đời rồi! Trong kinh Kim Cang đoạn trước Phật có nói ai nghe được kinh này, tin nhận là đã nhiều đời cúng dường chư Phật, với tâm đại thừa là phải tin nhận thấy rõ Phật tánh đầy đủ tất cả nơi mọi người như thế. Còn phát tâm tối thượng thừa là sao? Là thẳng vào trong bí tạng của Như Lai, tin nhận nơi tự tánh mình vốn tự đầy đủ công đức, không phải tìm cầu bên ngoài, đó là mở tâm tối thượng thừa. Bởi vậy Ngài Hoàng Bá có dạy: “- Khi làm chúng sanh tâm này cũng không giảm, khi làm Phật tâm này cũng không thêm, cho đến lục độ vạn hạnh, công đức như hà sa tự sẵn trong tâm này đầy đủ hết, chẳng nhờ tu mà thêm, gặp duyên thì liền thi thố, duyên dứt liền vắng lặng. Nếu người không quyết định tin tâm này là Phật, mà chấp tướng tu hành cầu được công dụng đều là vọng tưởng, cùng đạo trái nhau. Tâm này là Phật, không Phật nào khác, cũng không có tâm nào khác.” Tin nhận như vậy, đó là tin nhận được đại thừa, là mở tâm tối thượng thừa; nghe như vậy chắc quý vị cũng còn nghi, vì tin tâm mình đầy đủ công đức thì tu hành làm chi? Nhưng nói tâm mình đầy đủ là, bao nhiêu công đức sở dĩ được thành tựu là từ nơi tâm này có, xa lìa tâm này mà cầu thì không bao giờ có? Chúng ta muốn giác ngộ cũng ngay tự tâm này, muốn tu hành cũng ngay tự tâm này, lìa tự tâm này mà tu thì tu cái gì? Thì tu bên ngoài, tu với những cái vọng tưởng; phải ngộ nơi tự tâm chân thật, từ nơi tự tâm này ứng dụng ra, thì làm cái gì cũng chân thật, đó là công đức đầy đủ, chứ không phải nói tự tâm đầy đủ công đức rồi ngộ được nó là xong, không còn cần làm gì hết. Như vậy tin được tâm này, dùng tâm này để nghe Bát nhã thì cảm được sâu công đức không thể nghĩ bàn. Cho nên, đây nói vì người phát đại thừa, vì người phát tối thượng thừa mà nói, để nhắc người muốn nghe được kinh này, cũng phải mở tâm đại thừa, mở tâm tối thượng thừa, chứ không phải dùng tâm hẹp hòi phàm phu này mà nghe được. Cho thấy, Phật hết lời tán thán người hay thọ trì kinh này thì công đức không thể nói hết; Ngài lại nói rõ thêm “người mà thọ trì đọc tụng như vậy thì Như Lai thấy hết, biết hết, công đức của người đó đều được thành tựu, không thể lường chẳng thể cân, không bờ mé, và những người như thế thế ắt gánh Vô Thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai”, đây là lần thứ mấy Phật nói về công đức?

Lần thứ nhất, Phật nói nếu một người mà sanh được lòng tin thanh tịnh thì Như Lai thảy thấy hết chúng sanh đó đều được vô lượng phước đức. Lần thứ hai, Ngài nói Bồ Tát chẳng trụ nơi pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt sáng, mặt trời soi tỏ mọi vật đều thấy hết, nếu ở đời sau có ai đó thọ trì đọc tụng kinh này thì Như Lai dùng trí tuệ Phật biết người ấy, thấy người ấy đều thành tựu công đức vô lượng vô biên.

Đến lần này, thì Phật nói rõ hơn, thành tựu công đức chẳng thể lường, chẳng thể cân, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến gánh vác Vô Thượng chánh đẳng chánh giác. Nói rõ là công đức tự tâm, tự tâm thể nhận vốn không thể nghĩ bàn tán thán cho hết, dù Phật có cố gượng nói cũng chỉ nói được công đức chẳng thể nghĩ bàn. Không dùng lời nói mà nói hết được, nhưng khi người cảm nhận được chỗ này ắt sẽ gánh vác Vô Thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai. Câu này tức muốn nói đến kiến tánh thành Phật, đó là một lời thọ ký, đó là người nối tiếp ngọn đèn Phật pháp thắp sáng cho thế gian để không đoạn dứt. Đọc tụng thọ trì là tự lợi, vì người nói là lợi tha; tự lợi, lợi tha đầy đủ, đó là tâm đại thừa, tâm Bồ Tát. Tức tự mình sống được trong đó, còn khơi lại cho người khác nữa, đó là tâm Phật thênh thang, không còn bám vào tâm nhỏ hẹp nữa, như vậy là đã thầm hợp với tâm Phật, nên Phật đã biết hết, thấy hết, hai bên thầm hợp nhau, một lần nữa Phật thọ ký! Đây Phật còn giải thích nói thêm lý do tại sao lại được công đức không thể nghĩ bàn như vậy.

CHÁNH VĂN:

Tại sao? Này Tu Bồ Đề! Nếu người ưa pháp nhỏ, dính kẹt ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến ắt đối với kinh này chẳng thể nghe nhận, đọc tụng, vì người mà giải nói. Tu Bồ Đề! Ở bất cứ nơi nào, nếu có kinh này thì tất cả trời, người, a tu la trong thế gian đều nên cúng dường. Phải biết, chỗ đó chính là ngôi tháp, đều nên cung kính, làm lễ đi quanh, dùng các thứ hương hoa rải lên nơi ấy

GIẢNG:

Đây Phật nói, sở dĩ nói công đức không thể nghĩ bàn, là vì không phải người ưa pháp nhỏ; không dính kẹt trong ngã kiến, nhân kiến, nghĩa là không dính kẹt trong bốn kiến. Ưa pháp nhỏ là gì? Tức tâm còn nhỏ hẹp, nghiêng về phần tự lợi, chỉ làm lợi cho riêng mình thôi, thấy có pháp riêng mình chứng đắc; mà thấy có pháp riêng mình chứng đắc thì người khác không có; còn thấy mình được mà người khác chưa được thì đó là tâm nhỏ hẹp, chưa thấy tất cả mọi người đều đầy đủ; rồi tu hành mong hưởng ở đời sau, như vậy là nhỏ hẹp, còn nghĩ đến cái TA để hưởng. Còn ở đây mở rộng hết, biết rõ thân không thật, mọi pháp thế gian đều không thật, còn mong gì khác nữa, người đó không còn dính mắc bốn kiến, tức là bốn kiến chấp. Ở trước nói về bốn tướng, đây nói về bốn kiến, là bởi vì sao? Để cho mọi người thấy rõ, nơi đây người này qua được không còn chấp vào những pháp nhỏ, sở đắc riêng, tức không còn thấy cái ta được riêng. Như vậy, Bồ Tát phải thấy suốt tất cả chúng sanh đều có đầy đủ tánh giác, hoặc người nhận sớm, hoặc người chưa nhận; người nhận sớm gọi là người đạt đạo, rồi chỉ lại cho người chưa chứ không có gì để được. Bởi cái đó là cái sẵn có, một khi nhớ là đầy đủ hết, là quên sở đắc, quên ngã. Trái lại người còn thấy có chỗ chứng đắc riêng của mình, là tự mình cách biệt với người. Trong kinh Viên Giác có một đoạn Phật dạy rằng: “Vì tất cả thật tướng, tánh nó thanh tịnh, nên một thân thanh tịnh vì một thân thanh tịnh nên nhiều thân thanh tịnh; vì nhiều thân thanh tịnh nên cả đến chúng sanh khắp mười phương đều là viên giác thanh tịnh”. Ban đầu thì ngay nơi một thân thanh tịnh, rồi ngay nơi một thân thanh tịnh thì thấy suốt nhiều thân thanh tịnh, tức là những thân của chúng sanh khác đều thanh tịnh hết, rồi vì tất cả nhiều thân thanh tịnh cho nên thấy chúng sanh trong khắp thế giới đều là viên giác thanh tịnh, tới đó đã ngoài sức tưởng tượng, nếu cái thấy của mình mà triệt ngộ thì thấy như vậy đó mới triệt. Bởi vì nếu còn thấy trước mắt mình có một chúng sanh chưa thanh tịnh thì sao? Tức là cái giác chưa được trọn vẹn, chưa trùm khắp, là còn thấy có một chúng sanh thật, mà còn thấy có một chúng sanh thật thì chính cái chúng sanh thật đó nó che cái giác của mình, là bị ngăn ngại. Còn khi thấy triệt, suốt rồi, thì thấy tất cả đều thanh tịnh hết, đều đầy đủ giác thể; khi thực sự cái thấy thanh tịnh thì nhìn cái gì cũng thanh tịnh. Nói rõ hơn, hễ còn thấy có một chúng sanh chưa thanh tịnh, là còn có một chúng sanh thật trong này, mà còn có một niệm như vậy là còn ngã kiến. Nên trước là phá về bốn tướng, tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; còn đây nói thẳng đến kiến, tức ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, đó là cái chấp vi tế trong khi tu tập, người mà ưa pháp nhỏ thấy mình có chứng ngộ, thấy mình lìa bốn tướng, tức là còn có bốn tướng thật để mình lìa. Cho nên ở đây là phá ngay trong tâm niệm, mà cái này khó trừ phải dùng trí Kim Cang Bát Nhã mới trừ được. Bởi vậy trong Vô Thượng chánh đẳng chánh giác nó không có ranh giới, bặt mọi thấy biết, còn có một chút gì đó là còn có chỗ để cho tình kiến đến được. Ở đây thì không ranh giới, bặt mọi thấy biết, chỗ đó mắt Phật cũng không thấy được, thì “ngã” bám vào chỗ nào? Còn có chỗ thấy được, là còn có chỗ cho “ngã” chen vào, đó là ý nghĩa sâu xa! Nên đến đây là phá ngay cái chấp vi tế trong tâm niệm, qua đoạn đó Phật mới nói kinh này ở đâu thì ngôi tháp ở đó, nghĩa là bất cứ nơi nào có kinh này thì trời người đều nên cung kính cúng dường. Ở đoạn trước thì Phật chỉ nói kinh này ở chỗ nào thôi, còn ở đây nói thẳng là “ở bất cứ” chỗ nào, như vậy chúng ta ngồi đây, kinh này cũng có ngay đây nữa; nghĩa là chúng ta ngồi ngay đây mà thấy được kinh này, thì cũng phải cung kính cúng dường. Vậy có ai ngồi đây, đã thấy kinh này chưa? Đó là một ý nghĩa sâu xa, tức muốn chỉ pháp thân thường trụ nó có khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ, không chỗ nào thiếu sót, chỗ nào thấy kinh này là thấy pháp thân ở đó, tức chính chỗ đó là ngôi tháp, phải cung kính cúng dường. Thấy pháp thân tức phải cung kính tôn trọng, còn thấy mà bỏ qua thì tự mình lầm qua! “Làm lễ đi quanh” là nói tâm cung kính, “rải hương cúng dường” là tín tâm thanh tịnh, thấy được như vậy là cung kính và sống ngay trong đó không thể bỏ qua; nghĩa là nơi nào thấy được, cảm nhận được, là pháp thân sẵn ở nơi đó, tức phải tin nhận sống trong đó. Nếu còn khởi một niệm nghi ngờ, là tự mình che mình. Song muốn thấy được kinh này để cung kính cúng dường thì phải thế  nào? có dễ không? Cũng không phải dễ, như kinh Pháp Hoa trong phẩm Bồ Tát Dược Vương Bổn sự có kể một đoạn: Lúc Ngài làm Bồ Tát tên là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, gặp Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức nhập Niết Bàn, Bồ Tát Chúng Sanh Hỷ Kiến bèn xây tháp xá lợi, rồi cúng dường trãi qua bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu kiếp, Ngài cũng thấy chưa đủ nữa, cuối cùng Ngài đốt cánh tay để cúng dường. Sau những người trong hội thấy Ngài mất cánh tay đều buồn than, Ngài mới phát nguyện, sau đó  cánh tay hoàn lại như cũ, ngay trong hội đó làm cho bao nhiêu người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trụ trong chánh định tên là Hiện Nhất Thiết Sắc Thân, tức là hiện tất cả mọi sắc thân trong chánh định. Chánh định đó chỉ cho pháp thân, từ pháp thân hiện ra tất cả sắc thân, thì sắc thân là bóng từ nơi pháp thân hiện, pháp thân mới là chân thật; như vậy xả cái chấp về xác thân này, mới thấy được pháp thân để cúng dường. Nên muốn thấy được kinh này để cúng dường cũng vậy, cũng phải xả cái chấp về xác thân này mới thấy được, tức là quên cái niệm về ngã mới thấy được cái kia để cúng dường. Đây là một đoạn rất nhiều ý nghĩa sâu xa, để tán thán công đức của kinh này nó ngoài sức nghĩ bàn, ngoài sức ngôn ngữ có thể nói đến. Ai cảm nhận được công đức này, là Phật ngầm thọ ký cho “sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, nên nói “ắt gánh vác Vô thượng bồ đề của Phật”. Tóm lại, chúng ta phải luôn luôn sống với pháp thân, nên ở đâu, nơi nào thấy được kinh này, phải cung kính cúng dường, lễ bái; thấy rõ đâu đâu cũng đủ không thiếu chỗ nào, đó là công đức chẳng thể nghĩ bàn.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

419353
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
623
2300
18046
387297
44888
73473
419353