Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 13.Đúng như pháp thọ trì

 

 

CHÁNH VĂN:

13. ĐÚNG NHƯ PHÁP THỌ TRÌ

Bấy giờ Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Phải gọi kinh này tên gì? Chúng con làm sao phụng trì?

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Kinh này tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Do tên gọi đó, ông nên phụng trì. Vì cớ sao? Này Tu Bồ Đề! Phật nói Bát Nhã Ba La Mật tức chẳng phải Bát Nhã Ba La Mật, (đó gọi là Bát Nhã Ba La Mật).

(Trong bản xưa thì không có câu sau, bản phổ thông  thông thường thì sau này bổ túc thêm vào, còn ý nghĩa thì sau này sẽ giải thích rõ, không có câu đó thì ý sâu hơn).

- Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp để nói chăng?

Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, Như Lai không có gì để nói.

- Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Thế giới Tam thiên đại thiên có những hạt bụi, bụi đó nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

- Này Tu Bồ Đề! Những hạt bụi, Như Lai nói chẳng phải hạt bụi, đó gọi là hạt bụi. Như Lai nói thế giới, chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Tại sao? Như Lai nói ba mươi hai tướng, tức chẳng phải tướng, đó gọi là ba mươi hai tướng.

- Này Tu Bồ Đề! Nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ đem thân mạng như số cát sông Hằng… ra bố thí; nếu lại có người đối trong kinh này, cho đến thọ trì bốn câu kệ…, vì người khác mà nói, phước đó rất nhiều.

GIẢNG:

Trong đây có mấy điểm, thứ  nhất là hỏi đáp về tên kinh và phụng trì. Phụng trì là vâng giữ, y theo đó mà làm, mà gìn giữ. Trước tiên ngài Tu Bồ Đề bạch Phật thưa hỏi về tên kinh, ngài nói: “- Bạch Thế tôn, phải gọi kinh này tên là gì? Chúng con làm sao mà gìn giữ?” Phật nói tên là “Kinh Kim Cang bát nhã ba la mật, do tên gọi đó ông phải phụng trì”. Kế đó Phật nói: “- Cớ sao? Này Tu Bồ Đề! Bát nhã ba la mật đa, tức chẳng phải bát nhã ba la mật đa”. Đoạn này có hai ý:

Một là, tiếp ở phần trên, Phật đã khen ngợi kinh này rất là sâu xa, rất là quý trọng, cho nên kinh này ở đâu thì có đức Phật và các đệ tử lớn tôn quý của Phật ở đó, nhưng cũng chưa nói kinh này là gì, chỉ nói ở đâu có kinh này thì có Phật và các đệ tử lớn ở đó, như vậy kinh gì vẫn chưa biết tên. Nếu với người lanh lợi trực nhận thì dễ rồi khỏi nói, nghe nói kinh này thì biết là “kinh gì” rồi, nhưng bây giờ muốn giữ gìn nó để lưu thông, để dạy cho người thì sao? Nói kinh này mà không biết là kinh gì làm sao chỉ dạy cho người đây? Làm sao để lưu thông? Chẳng lẽ nhận được rồi im lặng hoài sao? Nên ở đây ngài Tu Bồ Đề mới hỏi tên kinh, để cho thấy, tuy chỗ kinh chân thật đó không có tên, mà phương tiện mở bày cái tên để dẫn dắt cho người, nhân cái tên đó đạt được lý ngoài tên, vì vậy “không hoại giả danh mà bày thật tướng”, mình không phá hoại hết những cái giả danh đó, nhưng không kẹt trên cái giả danh, thấu suốt qua cái giả danh đó thấy được cái lý thật thì đó là người khéo léo, chứ còn gạt bỏ hết nó thì mình không biết lấy gì để học.

Hai là, từ trước đến đây đã lý giải ý nghĩa hàng phục và an trụ rõ ràng, tức là trước đã phá bên ngoài không có cõi nước để mình bám lấy trang nghiêm, mà trang nghiêm tự tâm, tức không có pháp để được; cho đến trong thân mình cũng không có cái thân tướng thật để nương tựa; ngoài không có gì bám, trong không có chỗ nương, tất cả không có chỗ nào để mình khởi niệm được hết, vậy thì ý nghĩa hàng phục tâm và an trụ tâm quá rõ! Cho nên đến đây hỏi tên kinh để tổng kết lại, và khiến cho mình nhảy qua một cái nhảy nữa, đi sâu thêm để vâng giữ phụng trì, sống liên tục không gián đoạn, mình thể nghiệm ngay thật nơi chính mình. Đây cũng là một ý, mình sạch hết những cái nghi chấp thì bát nhã  hiện ra cụ thể. Cho nên sau phần này, ngài Tu Bồ Đề mới cảm ngộ sâu, ngài rơi lệ khóc lóc, tán thán là hy hữu. Ở đây Phật đáp tên kinh là Kim Cang Bát nhã ba la mật đa, quý vị nghe tên kinh rồi có cảm được điều gì không? Đúng ra, sau khi nghe tên kinh đó, nếu hiểu sâu thì giống như một lưỡi dao nó cắt đứt tất cả mọi cái dây dưa của mình. Kim Cang Bát nhã ba la mật đa, là trí tuệ rốt ráo tột cùng, trí tuệ đó nó đã rốt ráo tột cùng, mà còn bén chắc như kim cương nữa, thì có gì đụng đến nó được? Ngay một tên kinh là nó cắt dứt tất cả mọi thứ để mình rủ sạch hết, không có chỗ nào để bám vào. Trước có dẫn câu chuyện của ngài Tào Sơn nói về cây kiếm không mũi đó, ngài nói rằng, đối với cây kiếm này người gặp cũng đứt đầu mà người không gặp cũng chết, không có chỗ nào để đụng được. Để chỉ trí tuệ này là trí tuệ Kim Cang bén sắc, không có chỗ để cho mình suy nghĩ, mình duyên đến được. Khi sạch hết những tình chấp đó, mới thật là bát nhã hiện tiền. Nhưng ở đây Phật lại bảo: “do tên đó mà phụng trì gìn giữ”. “Tên đó” có ý nghĩa gì? Giữ gìn cái tên Bát nhã ba la mật là sao? Nó có ý nghĩa rất là sâu xa, bởi vậy Phật nói tên đó rồi, ngài sợ mọi người sẽ kẹt trên cái tên đó, cho nên ngài nói ngay: “Bát nhã ba la mật, tức chẳng phải Bát nhã ba la mật”, vừa nói tên xong là ngài phủ nhận ngay. Muốn chỉ cảnh giới của chư Phật là cảnh giới tự chứng của mỗi người, không phải là chỗ để cho tình thức chen vào đến được, mà muốn đến được cảnh giới này phải đến bằng trực giác, không phải bằng suy nghĩ phân biệt. Đó là ngài muốn đánh thức mọi người phải đạt được ý ngoài lời, cho nên nói bát nhã ba la mật, ngài liền nói “bát nhã ba la mật tức chẳng phải bát nhã ba la mật” Nếu nghe cái tên đó, rồi bám vào tên đó thì quả tang là “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Nghe nói bát nhã ba la mật rồi bám vào tên đó, đọc tới đọc lui hoài, nói “tôi phụng trì đó!”, oan cho Phật quá! Phương tiện mà ngài lập tên này thôi, chứ ý của ngài là muốn cho mình nhận được, đạt được cái gì ngoài tên đó, chứ không phải nằm ở cái tên, “ý sâu” là đó. Hiểu được chỗ đó, mới thấy chỗ mình phụng trì, là phụng trì chỗ đó, chứ không phải nắm cái tên rồi đọc tới đọc lui, mà chính “chỗ đó” mới là chỗ sống của bát nhã; nếu nói phụng trì bát nhã là đọc tên bát nhã ba la mật đa gọi là phụng trì, thì đó là bát nhã chết. Nếu ai cũng nói tôi đọc Bát nhã là tôi phụng trì, thì làm sao thấy được Bát nhã chân thật này? Nhảy qua được chỗ đó, mới thấy được chỗ Bát nhã chân thật và chính chỗ đó mới là Bát nhã sống. Bởi quyển kinh Bát nhã này, đến một thời gọi là đại tam tai, là kiếp hoả, thì kiếp hỏa đó cháy tiêu hết cả thế giới này, lúc đó quyển kinh này còn không? Lấy chỗ nào phụng trì? Rõ ràng chỗ phụng trì là chỗ chơn thật nhảy ngoài tên đó, hiểu như vậy mới hiểu được chỗ sống của Bát nhã, dù cho thế giới này tan hoại, bao nhiêu bộ kinh bằng giấy bằng mực này cháy tiêu hết, nhưng “cái kia” vẫn còn, mình sống chỗ này rồi, mình đi chỗ khác vẫn ứng dụng ra, thì Bát nhã luôn luôn không gián đoạn, phụng trì như vậy đó, mới thật phụng trì Kim Cang Bát nhã. Hiểu rõ chỗ này mới cảm thông trong nhà thiền, có lúc các ngài nói, mình mới nghe qua thấy rất nghịch lý, như nói rằng: “Trương Công uống rượu mà Lý Công say”, tức là ông Trương uống rượu mà ông Lý say, hay “trâu đất Hoài ăn cỏ mà trâu đất Ích no bụng”, nếu nghe với tâm hồn luận lý lô gích thì không thể nào chấp nhận được. Ông Trương uống rượu mà ông Lý say, cũng như giờ “tôi ăn cơm mà quý vị no” chịu nỗi không? hay như bây giờ “trâu Đức Trọng ăn cỏ mà trâu Đồng Nai no” nói như vậy là ý sao? Với thế gian theo nếp suy tư quen, thì luận lý đâu đó rõ ràng, một nói một, hai nói hai, có lô gích đàng hoàng, nói kiểu này không thể chấp nhận được; nhưng với người hiểu đạo, với người tu thiền thấu suốt càng cảm sâu ý nghĩa vi diệu trong đó: nói đây mà ý kia, nói Bát nhã mà chẳng phải Bát nhã, phải thấy ngoài lời, như vậy mới thật sự là hiểu sâu và khi cảm sâu được lẽ thật đó rồi, mới thấy rõ mọi ngôn ngữ ở thế gian, mọi văn tự đều không thực, không có gì cố định. Có vậy chúng ta không có chết trên chữ nghĩa, trên ngôn ngữ, mà từ trong chữ nghĩa ngôn ngữ đó mình sống dậy vươn lên; còn nói gì mà chấp chặt vào đó, là tự đóng khung mình trên chữ nghĩa. Ở đây phá không cho bám chặc trên chữ nghĩa. Lục Tổ có một đoạn ngài nói rằng: “- Hoặc người đại thừa, hoặc người Tối thượng thừa nghe nói kinh Kim Cang, vì tâm tỏ ngộ nên biết bản tánh tự có trí Bát nhã; vì tự dùng trí tuệ thường quán chiếu nên chẳng nhờ nơi văn tự”, tức là người đại thừa hoặc người tối thượng thừa nghe nói kinh Kim Cang tâm liền tỏ sáng, biết được, nhận được rõ ràng trí Bát nhã này có sẵn nơi bản tánh của mình, vì tự có trí Bát nhã từ nơi bản tánh của mình đó, cho nên từ đó mình ứng dụng ra, thường quán chiếu luôn luôn thì đâu có nhờ bên ngoài, đó là vượt qua văn tự, sống ngay với Bát nhã của tự tánh mình. Một đoạn khác ngài nói rằng: “- Tôi ở chỗ Hòa thượng Nhẫn một phen nghe liền ngay lời nói  mà tỏ ngộ, chóng thấy bản tánh chân như.” Một phen nghe Ngũ Tổ nói, liền tỏ ngộ thấy được tự tánh chân như của mình, chứ không dính trên chữ nghĩa. Quý vị nghe có nhảy qua được chữ nghĩa chưa? Hiểu được như vậy, mới thấy được “Bát nhã tức chẳng phải Bát nhã” nghĩa là khiến cho mình ngay nơi đó nhảy qua, để sống thẳng nơi chính mình, không dính trên chữ nghĩa. Bởi vậy, Bát nhã bỏ lại đằng sau mọi lý luận, bất chấp mọi lý luận, mặc cho người ta nói lý luận phải chặt chẽ thế này, thế kia, nhưng các ngài sống được cái này rồi, các ngài bất chấp. Thiền sư Ba Tiêu có lần thượng đường nói rằng: “- Các ông có cây gậy ta cho các ông cây gậy, còn các ông không có cây gậy thì ta đoạt cây gậy của các ông”. Nói vậy nghe có lý luận như thế gian không? Có gậy rồi còn cho chi nữa? Còn không có gậy thì  giựt cái gì? Nhưng ngài nói được như vậy, mà chính người thấm sâu được thiền thì thấy ý nghĩa thật là sâu xa. Có cây gậy thì cho ông nhận được liền, nếu hoàn toàn không có thì cho ông cũng không có xài gì được, chính ông có mới cho; còn không có thì lấy; bởi vì sao? Nếu không có, mà lấy thì ông không có gì để cầu nữa, nếu còn có chỗ để cầu bên ngoài được nữa thì dư, khiến người quên ý niệm Được – Mất, cho nên nói là phi lý mà hợp lý, còn mình quen theo suy nghĩ hợp lý thường tình thì nó là phi lý. Bởi vậy trong nhà thiền có câu chuyện: Có một vị hoạ sĩ người Nhật bản, ông này có tài vẽ trúc rất là xuất thần, rất tuyệt kỹ; một hôm có một người đặt ông vẽ một tấm bình phong bằng rừng trúc, ông đem hết tuyệt kỹ của mình vẽ một bức tranh rừng trúc tuyệt vời, nhưng ông vẽ toàn màu đỏ. Khi khách hàng tới nhận, trầm trồ khen ngợi hết lời cám ơn, nhưng sau đó vị ấy cũng thắc mắc hỏi: Xin lỗi ngài, trúc mà sao nó lại màu đỏ như vậy? Ông hoạ sĩ hỏi: - Vậy chứ theo ông thì màu gì? Ông khách nói: Hẳn là màu đen. Ông hoạ sĩ nói bâng quơ: Có ai thấy lá trúc màu đen bao giờ không ạ? Đây là câu chuyện có ý đánh phá cái nhìn theo nếp cố hữu của mình lâu nay, lâu nay mình theo thế gian là vẽ trúc màu đen, ai vẽ màu đỏ bao giờ? Cho nên hợp lý là phải vẽ màu đen, nhưng sự thật lá trúc có bao giờ màu đen đâu? Ở Đà Lạt thì thấy trúc huyền, thân cây màu đen nhưng lá trúc vẫn màu xanh, đâu có đen? Nhưng do nếp suy nghĩ quen của mỗi người, vẽ bằng mực đen thì màu đen nó hợp lý, còn vẽ lá trúc đỏ thì thấy nó lạ đời, không hợp lý; Ở đây đánh tan tư tưởng bám chặt theo suy nghĩ thường tình đó, thì mới thấy được cái lẽ thật lá trúc nó không phải đen hay đỏ, như vậy chính cái nghịch lý đó mà mình thấu qua được thì nó hợp lý; còn mình cho là hợp lý theo thường tình thì nó lại là nghịch lý, cho thấy nó không cố định, mà tuỳ theo cái chấp, cái quan niệm thành kiến của mình mà nó thành, lâu nay mọi người đều nhìn như vậy, rồi mình cũng nhìn theo đó, cho nên thấy ai nói khác đi thì mình cãi, tưởng đâu như là đúng mà sự thật có đúng đâu? Do đó Phật đánh thức cho mình phải vượt qua những chữ nghĩa đó, mới thấy được lẽ thật, sống được lẽ thật, mới thấy được Bát nhã chẳng phải là Bát nhã. Đó là một đọan.

Qua đoạn thứ hai, gạn hỏi về pháp để nói, Phật bảo là:“Tu Bồ Đề! Như Lai có pháp để nói chăng? Ngài Tu Bồ Đề thưa: “- Bạch Thế tôn! Như Lai không có gì để nói.” Như vậy là sao? Vừa nói tên kinh xong, Phật cũng sợ mình chấp, hỏi tên kinh, Phật bảo là “Kinh Bát nhã ba la mật”, vậy đã có tên, tức mọi người liền đinh ninh là Phật có pháp để nói, nên mới đặt tên, tức chấp “có pháp để nói”, nên ngay đây ngài gạn lại liền: “- Như Lai có pháp để nói chăng?” để phá chỗ đó, hoặc có người lại chấp chính đây là cảnh giới riêng của chư Phật, Bát nhã là thuộc về Phật, chỉ một mình Ngài được thôi, cho nên khó nói. Do đó Phật gạn lại để cho thấy đây chính là chỗ chung chứng của tất cả mười phương chư Phật, chứ không phải của riêng Ngài, cũng là chỗ sẵn có của chúng sanh chứ không phải của riêng ai, hoặc của chư  Phật còn mình chẳng có, mà ai cũng có đầy đủ vậy thì có gì để nói? Ở trước đã dẫn rõ, tất cả mười phương chư Phật cũng như pháp Vô Thượng bồ đề của chư Phật cũng từ kinh này mà ra, vậy kinh này không riêng của ai, nên Ngài không có pháp gì riêng để nói. Bởi vậy trong kinh Pháp Hoa có câu: “- Chư pháp tùng bản lai, Thường tự tịch diệt tướng”, nghĩa là các pháp từ xưa đến nay, thường ở nơi tướng của nó là tịch diệt lặng lẽ, mọi pháp xưa nay vốn là lặng lẽ thường trụ, không sanh diệt, sở dĩ nó có sanh diệt, có sai biệt là do “cái đầu này” mà thành ra sai biệt, chứ bản tánh của nó vốn là lặng lẽ! Ở đây cũng để nói lên, pháp này vốn lìa ngoài ngôn ngữ, ngôn ngữ không thể nói đến được; lìa ngoài tướng tâm duyên, không suy nghĩ đến được, nó xưa nay lặng lẽ như vậy thôi, không có gì để nói, chứ không phải hoàn toàn không có. Chính đây là pháp mỗi người phải tự thể nghiệm lấy, tự thầm nhận thôi, chứ không suy nghĩ đến được, cũng không phải dùng ngôn ngữ mà diễn tả được. Đó là ngài đưa vào “nghĩa phụng trì” cho mình rồi, phụng trì là như vậy đó, tức là phải vượt thấu qua dấu vết của ngôn ngữ, chữ nghĩa, cũng như phải vượt qua dấu vết của chư Tổ. Nghĩa là, đức Phật muốn đưa mình vượt qua dấu vết của các Ngài, để cho mình tự sống dậy, không bị trói buộc bởi những khuôn khổ ngôn ngữ chết. Ngài đã không có gì để nói, thì mình bám vào đâu mà chấp? Đó là Phật đã trãi hết lòng với mình không còn giấu diếm gì nữa! Nói như vậy là hết tình rồi, còn chúng ta chỉ “phụng trì” nữa thôi! Đây dẫn thêm đoạn nhân duyên của ngài Huệ Minh sau khi đuổi theo Lục Tổ, được Lục Tổ ra khai thị câu:

- Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?

Ông liền tỏ ngộ, sau khi tỏ ngộ, ông hỏi thêm:

- Ngoài mật ý mật nghĩa từ trước đến nay, còn có mật ý gì nữa chăng?

Ông ngộ rồi, nhưng vẫn còn nghi từ trước đến giờ Phật, Tổ nói, ngoài cái mật đó, còn có mật gì nữa không? Lục Tổ bảo:

- Khi đã nói cho ông rồi thì không phải mật. Bây giờ ông hãy chiếu soi trở lại thì mật ở bên ông.

Rõ ràng như vậy, đã nói hết, có giấu diếm gì nữa mà nói là mật? Nhưng “mật” đó, chính ông phải soi trở lại, ông sẽ thấy cái mật ở ngay nơi ông! Ý nghĩa rất là thực tế, mọi người tưởng Phật Tổ có gì đó bí mật không nói hết, nên cứ nghi hoài, có khi hiểu được rồi mà vẫn còn nghi: “còn có cái gì nữa”, Ở đây Tổ nói rõ ràng, không có cái gì mật hết, mật là chính ở nơi mình, chính mình chưa có sáng được, chưa có tỏ ngộ, còn tưởng tượng nhiều, cho nên thành ra mật, nếu sáng tỏ rồi thì không có gì là mật, chính sẵn nơi mình đầy đủ hết. Hiểu như vậy, còn cái gì cho mình nghĩ, mình tưởng đến nữa? Có một cái gì để mình nghĩ, mình tưởng đến, thì còn có chỗ để cho mình duyên; mà còn có chỗ để duyên là trái với cái lý thật rồi. Vì vậy nói “không có gì để được”, để phá sạch hết, sống ngay với cái thật của mình thôi. Trong nhà thiền có dẫn một câu chuyện: Khi Thế tôn sắp nhập Niết bàn, ngài Văn Thù mới thỉnh Phật tái chuyển pháp luân, Phật liền quở: “- Ta trụ thế 49 năm chưa từng nói một chữ, mà bây giờ ông thỉnh ta tái chuyển pháp luân, thành ra ta đã từng chuyển pháp luân hay sao?”. Vậy Phật có chuyển hay không? Đây là đánh thức cho tất cả, phải thấu suốt qua ngôn ngữ, chữ nghĩa đó; Phật nói bao nhiêu năm đó, cũng cốt đánh thức cho người sống trở về với cái thực đó chứ không có gì thật bên ngoài để ngài nói hết. Ngài xác định rõ để chúng ta không có chấp cái gì bên ngoài, mà nhân những cái đó để thấy lại nơi mình thì mới thấy được bản ý của Phật, thấy được cái ý sống đó. Người khéo léo thì ngay đó nhận ra “cái ngoài chữ nghĩa”, khi nhận như vậy rồi thì nó không thuộc về chữ nghĩa gì hết, nên gọi nó là cái gì cũng được, muốn gọi nó là “Bát nhã” cũng được, “pháp thân” cũng được, gọi là “bản lai diện mục” cũng được. Bởi vì, Bát nhã không phải là Bát nhã thì đâu có cố định nơi một danh từ, nhưng cốt là thấy được “cái thật” đó, chứ đừng có bám trên cái tên, đừng có kẹt trên cái tên. Do đó mà ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ nói lên ý này:

Danh trung vô hữu nghĩa,

Nghĩa thượng phục vô danh,

Trí nhân tâm tự giác

Ngu giả ngoại cầu thanh.

 

Tức là, “Trong tên không có nghĩa, Trên nghĩa lại không tên”, tên là tiếng gọi, như ngón tay chỉ trăng, không phải nghĩa, còn cái nghĩa vượt ngoài tên, phải thấy được cái nghĩa ở bên ngoài đó. “Người trí tâm tự giác, Kẻ ngu đuổi theo tiếng”, người trí thì ngay nơi tâm mình tự giác, tự biết tâm mình đầy đủ, còn người ngu mê thì cứ đuổi theo tiếng bên ngoài đó, rồi phân biệt, suy tư thế này thế nọ, mà không thấy được nghĩa chân thật. Như Lai không có pháp để nói là như vậy, vừa nói xong liền phá ngay.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo Tu Bồ Đề: - Ý ông nghĩ sao, thế giới tam thiên đại thiên có những hạt bụi, thì bụi đó có nhiều chăng? Ngài Tu Bồ Đề đáp: Rất là nhiều. Phật bảo: Những hạt bụi đó Như Lai nói chẳng phải hạt bụi, đó gọi là hạt bụi; Như Lai nói thế giới, chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới.

GIẢNG:

Như vậy là sao? Ở trước đã nêu rõ về giáo nghĩa không thể chấp thủ, không có pháp để nói; ở đây nói thẳng cảnh giới cũng không luôn. Trước Ngài gạn hỏi về vi trần, tức là “trong thế giới tam thiên đó, có những hạt bụi, những hạt bụi đó có nhiều chăng?” Trên tướng, theo cái hiểu thông thường thì rất là nhiều, không thể phủ nhận! Như vậy, thế giới mà lâu nay chúng ta cho là có đó, là từ đâu mà có? cái gì là thế giới? làm sao chỉ ra đây? chỉ bầu trời là thế giới được không? Thế giới có chút vậy thôi sao? Cho nên nói thế giới, đâu có gì khác, chính là do những hạt bụi nhỏ nó tụ lại thành thôi. Đây nói trong thế giới có những hạt bụi, bụi đó tụ lại thành có một tướng lớn, là một thế giới. Theo khoa học bây giờ thì do những đám mây kết tụ lại thành, những quả núi to cũng do những hạt bụi kết tụ lại, chứ không có quả núi nguyên vẹn. Như vậy, thế giới là những hạt bụi kết tụ lại thì nó đâu có thật tướng cố định của nó, đâu có sẵn tự bao giờ! Ngay đây nhìn những hạt bụi dưới con mắt Bát nhã thì những hạt bụi đó cũng không thật luôn; thế giới từ những hạt bụi kết hợp lại không thật, ngay hạt bụi cũng không thật, cũng là tướng duyên hợp thôi, do những điện tử xoắn quanh, rồi chuyển động không dừng, vậy thì cũng đâu có tự tánh cố định. Từ cái nhỏ là hạt bụi, cái lớn là thế giới cũng không có thật tánh gì hết. Nếu nhìn trên tướng thì tất cả đều hiện bày đầy đủ, cho nên hạt bụi vô số; nhưng trên tánh mà thấy thì không một tướng thật gì, đó là phá ý niệm chấp trên cảnh giới, trên tướng. Nhìn trên tướng thì tất cả hiện bày đầy đủ, nhưng trên tánh thì không một tướng thật, vậy còn cái gì để cho mình chấp là có, là không? Bởi vậy ngài Từ Đạo Hạnh của Việt Nam có bài kệ nói về có, không:

Tác hữu trần sa hữu, Là có, bụi bụi có,

Vi không nhất thiết không. Là không, tất cả không.

Hữu không như thủy nguyệt, Có không trăng đáy nước,

Vật trước hữu không không. Chớ dính Có Không, Không.

Tức là, nói có thì tất cả đều có, bụi bụi đều có hết, mỗi hạt bụi đều có đủ, còn nói không thì tất cả đều không; cho nên “có không” như trăng đáy nước, chớ có mắc kẹt chớ có dính mắc có và không, cũng như cái “không không” cũng qua luôn, như vậy mới thật sự mở con mắt Bát nhã, dứt bặt được cái thấy về có không, không có dính vào cái niệm phân biệt là có là không, thì đâu đâu cũng là đạo, đâu đâu cũng là Bát nhã hiện tiền, chỗ nào cũng là chỗ mình sáng ngời đâu có mê! Vừa mắc kẹt có không liền có mê. Cổ đức có câu: “Thanh thanh thuý trúc tổng thị chân như, uất uất hoàng hoa vô phi Bát nhã”, nghĩa là trúc biếc xanh xanh thảy là chân như, hoa vàng rỡ rỡ đều là Bát nhã, như vậy có chỗ nào để cho mình mê? Thành ra cảnh giới bên ngoài không phải là cái cảnh để cho mình mê, mà chính tại trong cái “đầu này”, nếu mình thấy cái hoa vàng mà không có khởi niệm phân biệt có không, phải quấy, hơn thua, tốt xấu gì hết, thì ngay đó là Bát nhã hiện tiền, đâu có mê. Chính vì cái niệm phân biệt trong đầu mà nó che mờ, thành mê, rồi mình đổ thừa cảnh này, cảnh kia nó làm chướng ngại tu không được, làm mình mê. Đó là một lối để mình trốn trách nhiệm, cứ đổ lỗi cái này cái kia, mà quên đổ lỗi mình! Nếu thấy lại mình thì hết đổ lỗi. Như vậy, khi chúng ta quên được tướng có không, bặt ý niệm có không, thì thấy cái gì cũng là Bát nhã thấy, không có gì ngoài ánh sáng Bát nhã, vậy có chỗ nào không phải là chỗ để cho mình ngộ đạo? Cho nên thấy hoa đào ngộ đạo, thấy bầy le le sáng được việc lớn, chuyện đó dĩ nhiên thôi, có gì phải nghi ngờ! Đó là một điểm, điểm thứ hai nữa, đoạn này còn phá cái “thấy về lớn nhỏ”, tức là tiến lên thêm một bước, cả thế giới to tát cũng không thật, rồi hạt bụi nhỏ cũng không thật, là dứt bặt niệm lớn nhỏ, lớn nhỏ không còn chỗ cho mình phân biệt nữa. Thấu suốt được chỗ này, khi dọc sách thiền hết nghi ngờ những chỗ nói quá sức tưởng tượng của mình bây giờ. Như nói “Tu di nhét trong hạt cải”, núi Tu di to tát như vậy mà ở trong hạt cải thì làm sao hiểu nỗi? Nhưng chúng ta tin không nỗi là tại sao? Tại trong đầu mình còn có tướng lớn nhỏ nó rõ ràng, làm sao chấp nhận được? Còn bây giờ dứt bặt được niệm lớn nhỏ rồi, thì núi Tu di lớn cũng không thật, hạt bụi nhỏ cũng không thật, hai cái cũng không thật hết, thì nhét vào nhau có gì ngại đâu. Hoặc trong kinh nói “ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân”, nếu hiểu như vậy thì chỗ nào chẳng chuyển pháp luân, đâu phải ngồi pháp toà cao mới chuyển pháp luân, mỗi một hạt bụi cũng để cho mình sáng tỏ việc đó. Nói theo thế gian, hồi xưa thì hơi khó hiểu, chứ bây giờ cũng không khó hiểu, cả một đại tạng kinh mà gom vào cái dĩa nhỏ, trong một cái mạch nhỏ mà chứa bao nhiêu dữ kiện trong đó, thì lớn nhỏ đâu còn cố định gì nữa, nhưng cố định là do cái chấp của mình. Hiểu vậy thì thấy trên thế gian người ta cãi nhau mình chỉ cười, có gì cố định đâu! Trong Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán có một đoạn cũng nói về lớn nhỏ này: “Cực tiểu đồng đại, Ngôn tuyệt cảnh giới, Cực đại đồng tiểu, Bất kiến biên biểu”, tức là, “Rất nhỏ đồng lớn, quên bặt cảnh giới”, cái nhỏ mà đồng với lớn thì nó mất cái tướng nhỏ, không còn cảnh giới cho mình nghĩ. “Rất lớn đồng nhỏ, Chẳng thấy mé bờ”, nó lớn mà đồng nhỏ thì mất tướng lớn luôn, đâu còn thấy mé bờ gì nữa! Như vậy quên được niệm lớn nhỏ, qua được kiến chấp về cái lớn, cái nhỏ đó, thì mới thấy rõ tâm mình nó thênh thang rộng lớn, không còn mé bờ. Cho nên không còn có cảnh giới cho mình tưởng tượng phân biệt, không còn có bờ mé gì để cho mình suy nghĩ, để cho mình duyên theo, ngay đó tâm mình thênh thang hết ranh giới gì nữa. Như vậy mới gọi là “Bát nhã vô tri mà vô sở bất tri”, Bát nhã không biết mà không có gì chẳng biết; mới nghe thì thấy không sao hiểu nỗi, không biết thì không biết thôi, mà đây không biết nhưng không có gì chẳng biết, thì có nghịch đời không? Nhưng khi hiểu được chỗ này thì nó đâu còn cảnh giới, đâu còn bờ mé gì nữa, cho nên không biết là vì không còn một tướng gì để biết nữa, song nó lại biết khắp hết tất cả, không có chỗ nào thiếu sót, chính cái không biết tất cả đó, mình mới biết tất cả; còn bây giờ biết nhiều quá, cho nên bị che, bị ngăn. Như vậy, nó không chỗ nào chẳng biết thì không có chỗ nào còn mê. Ở đây quý vị soi trở lại, khi mình còn thấy có một hạt bụi thật tức là còn một niệm mê, một niệm mê nên mới thấy hạt bụi thật, chính ngay chỗ đó là chỗ mình mê; còn nếu không thấy có hạt bụi nào thật thì còn có chỗ nào để mình mê, chỗ chỗ đều là giác hết. Khi chúng ta mê là thấy nó thật, thì chính một điểm thật đó là một điểm mê nó che mình; khi có một cái điểm thật rồi thì cái nhỏ, cái lớn nó che liền. Bởi khi thấy một hạt bụi thật thì nó có tướng nhỏ rồi, có tướng nhỏ thì nó đối với tướng lớn, hai tướng lớn nhỏ sanh thì đó là mê. Đây dẫn thêm một đoạn của Lục Tổ để quý vị hiểu rõ thêm, ngài nói: “- Tâm lượng rộng lớn giống như hư không, không có bờ mé, cũng không có vuông tròn, lớn nhỏ, không xanh vàng đỏ trắng, diệu tánh của người đời nó vốn là không, không có một pháp gì để được”. Cái diệu tánh đó nó vốn rỗng rang không có một pháp gì để được, nhưng chúng ta còn kiếm nhiều cái được quá, nên không thấy được nó; nếu cam đảm buông sạch hết thì ngay nơi mình đầy đủ không thiếu gì. Chính vì vậy, khi Lục Tổ được Ngũ Tổ kêu vào trong thất để giảng kinh Kim Cang cho ngài, ngài tỏ ngộ la lên: “- Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, Đâu ngờ tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh, Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt …” Thấy được như vậy, mới thấy suốt qua tất cả những tướng, cảnh giới, không bị cảnh giới nó che, nếu mình không thấy tướng lớn nhỏ, đó là mình đứng trên cái gì mà thấy? Đó là mình đứng trên tâm thể mà thấy, chứ không phải nói như vậy, là phá hết tất cả các tướng, không phải nói vậy là không còn tướng lớn nhỏ gì, sự thật thì vi trần cũng là vi trần, thế giới nó cũng là thế giới, cái nào đứng vững nguyên ở vị trí của nó, nhưng người sống trở về với tự tánh, ở trên tự tánh mình, trên tâm thể đó thì mình quên bặt những tướng phân biệt bên ngoài, nên không khởi niệm lớn nhỏ, chứ không phải nói như vậy rồi san bằng hết tất cả tướng. Bởi vậy, Thiền sư Huệ Minh gạn hỏi Thượng tọa Minh Nhan:

- Nói nhiều cách đạo càng xa, nay có việc xin hỏi: Từ trước các bậc Tiên đức có ngộ hay không?

Minh Nhan đáp:

- Đã là các bậc Hiền Thánh Tiên đức thì ai không ngộ!

Sư gạn lại:

- “Một người trở về nguồn chơn thì mười phương thế giới thảy đều tiêu mất”, nay ngọn núi Thiên Thai trước mắt hãy còn nguyên sao nói tiêu mất được?

Xưa giờ biết bao nhiêu Tổ, bao vị thiền sư đã ngộ đạo, sống trở về nguồn, vậy thì ngọn núi trước mặt mình sao cũng còn nguyên đó? Đây nói tiêu mất không phải là phá hoại các tuớng đó, mà là dứt bặt những niệm chấp trước, không còn thấy có một tướng gì thật, nghĩa là sống được trở về nguồn rồi thì trước mắt không còn một tướng gì thật che đậy, gọi là tiêu mất, là tiêu mất với nguời giác ngộ, chứ không phải tiêu mất là tiêu diệt hết các tướng ở bên ngoài. Hiểu như vậy thì không có phá hoại tuớng thế gian, rõ ngay nơi tướng sanh diệt tức phi sanh diệt, ngay sanh diệt tức vô sanh. Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

“Nhất thiết pháp bất sanh,

Nhất thiết pháp bất diệt,

Nhược nhơn như thị giải,

Chư Phật thường hiện tiền.”

 

Tức là, “Tất cả pháp chẳng sanh, Tất cả pháp chẳng diệt, Nếu người hiểu như thế, Chư Phật thường hiện tiền.” Hiện chúng ta thấy tất cả pháp nó sanh diệt rõ ràng đây, làm sao nói tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt được? Tức ngay nơi mọi tướng này bặt được niệm sanh diệt, thì thấy các pháp như nó là nó, không sanh diệt gì trong đó, đó là cái thấy giác ngộ, chính cái thấy giác ngộ là Phật tâm của mình, Phật hiện tiền là như vậy. Đây là một đoạn phá về vi trần thế giới, một đoạn nữa là phá về 32 tướng. Phật gạn thêm một lần nữa:

CHÁNH VĂN:

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: - Bạch Thế Tôn chẳng được, chẳng thể lấy ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Tại sao? Vì Như Lai nói ba mươi hai tướng, tức chẳng phải tướng, đó gọi là 32 tướng.

GIẢNG:

Ở đây là tiếp qua đoạn trên, đoạn trên là khiến chúng ta quên bặt cảnh giới bên ngoài, đến đây khiến mình quên bặt ngay thân tướng hiển hiện đây mà sống trở về với pháp thân vô tướng, vô trụ. Bởi ở trước nói tướng vi trần, tướng thế giới đều là không thật, dứt bặt hết không cho mình bám; bây giờ ngay đây nhìn ngược trở lại, ngay nơi thân ba mươi hai tướng của Phật có phải là Phật thật chưa? Nếu chỉ dừng ở đó thì cũng bị tướng nó che mờ! Ở phần trước thì nói chung chung là thân tướng thôi, ở đây nói thẳng “ba mươi hai tướng”, nghĩa là ngay nơi thân ba mươi hai tướng tốt đẹp của Phật đó, cũng không phải là thân tướng thật, chính thân tướng tốt đẹp đó cũng từ nơi pháp thân mà hiện ra; nếu chúng ta chỉ bám vào trong đó thì cũng mắc kẹt trên tướng, nếu khởi niệm duyên theo ba mươi hai tướng đó là tự mình che mờ pháp thân. Song ba mươi hai tướng cũng từ pháp thân mà ra, vậy muốn thấy được pháp thân cũng phải nhơn cái đó mà thấy suốt qua, thấu qua cái vô tướng, chứ bám vào 32 tướng thì cũng che mờ đi thân chân thật, như vậy làm sao phụng trì được Bát nhã? Hiểu như vậy, mới thấy được nghĩa phụng trì là cũng phải vượt ngoài thân tướng đó. Trong kinh Tiểu phẩm Bát nhã, đức Phật có dạy một đoạn rằng: “- Này thiện nam tử, ta thường trụ trong pháp vô niệm nên được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thường phóng hào quang sáng lớn soi khắp cả hư không vô lượng thế giới, công đức khó có thể nghĩ bàn được.” Bao nhiêu công đức khó nghĩ bàn cũng từ trong “pháp vô niệm” đó mà ra; mà pháp vô niệm đó có hình tướng gì? Cho nên ngay nơi tâm thể vô niệm của mình đó, khéo nhận trở lại thì mới thấy được Phật thật, còn chỉ nhìn trên thân tướng, dù ba mươi hai tướng tốt đó, cũng không thấy được Phật thật. Song nói như vậy, Phật sợ người nghe liền chấp vào đoạn diệt, bác bỏ ba mươi hai tướng không thật thì không có gì thật hết, vậy ba mươi hai tướng đó hiện ra để làm gì? Nên Phật nói tiếp: “ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, đó gọi là 32 tướng.” Lẽ thật thì pháp thân là không có hình tướng rồi, cho nên không thể nhìn bằng ba mươi hai tướng là không chối cãi, nhưng không thể rời ba mươi hai tướng này mà có pháp thân. Bởi pháp thân không có hình tướng, vì muốn hoá độ chúng sanh nên Phật phải hiện ra ba mươi hai tướng, khi hiện ra ba mươi hai tướng đó nhưng bản ý của Phật là muốn cho mọi người nhơn cái tướng đó, mà phát tâm trở về thấy suốt được pháp thân thật kia, chớ không phải để cho mình dừng ở trên ba mươi hai tướng đó. Như vậy, nói ba mươi hai tướng tức chẳng phải ba mươi hai tướng, nhưng phương tiện thì Phật cũng hiện ra ba mươi hai tướng chứ không phải nói như vậy rồi bác bỏ hoàn toàn. Trong nhà thiền, Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ tham thiền, hôm đó ngài nghe người làm rơi bó củi liền ngộ đạo, ngài làm bài kệ:

Phóc lạc phi tha vật,

Tung hoành bất thị trần.

Sơn hà cập đại địa,

Toàn lộ pháp vương thân.

***

Đánh rơi không vật khác,

Dọc ngang chẳng phải trần.

Núi sông cùng quả đất,

Toàn lộ pháp vương thân.

Khi tỏ ngộ được pháp thân rồi, liền thấy rõ nó hiện khắp nơi không có chỗ nào thiếu, nhưng nó không thuộc một tướng nào, một trần nào, không là một vật gì cả. Cho nên khi đánh rơi cũng chỉ là nó, nhận ra thì không vật gì khác, chính là nó thôi, dù dọc dù ngang cũng không phải là trần gì, cũng không có tướng gì, nó vẫn là nó thôi. Nhưng không phải như vậy là rời thế giới này riêng có nó, mà khắp nơi đâu đâu cũng riêng bày đủ hết, chỉ có một điều là nó không phải tất cả những tướng đó; vì vậy núi sông cùng quả đất đều lộ bày thân pháp vương. Khi mình sống được cái này rồi, thì thấy đâu đâu cũng đều có pháp thân hiện bày, đâu đâu cũng là ánh sáng Bát nhã, thấy cái gì cũng từ ánh sáng Bát nhã này phát ra, thì cái gì cũng hiển bày rõ ràng trong cái gương đó, đó là một điểm.

Điểm thứ hai, đoạn này đánh thức cho chúng ta phải dứt bặt niệm về nhiễm và tịnh. Ở trước, phá về tướng vi trần tức là phá về nhiễm, trần là bụi, bụi là nhiễm; ở đây quên luôn cả ba mươi hai tướng tốt, tức là quên cả tướng tịnh, cái nhiễm cái tịnh đều quên, thì lòng mình mới thật  thanh tịnh; còn niệm nhiễm, niệm tịnh tức là còn chỗ chưa ổn. Đến đây thì trong lòng mình không còn lưu lại một tướng gì, tướng nhiễm tướng tịnh cũng không để dấu, cũng không để dành một chữ gì, “Bát nhã, chẳng phải là Bát nhã” thì có gì giữ lại trong này nữa? Không lưu một tướng gì, một chữ gì, tức lòng mình nó thênh thang, không phải phụng trì Kim Cang Bát nhã là gì? Phụng trì Kim Cang Bát nhã là như vậy đó, chứ không phải đọc tên đó mỗi ngày, hoặc tụng tới tụng lui mỗi ngày nói là phụng trì. Phụng trì như vậy mới đích thực là Phật tử, tức con Phật, Phật nói sao làm đúng vậy. Đó là ý nghĩa về phá ba mươi hai tướng tốt.

Thêm một đoạn nữa, nói về bố thí thân mạng và trì kinh. Tức là, Phật bảo: “Nếu người thiện nam, thiện nữ đem thân mạng như số cát sông Hằng ra bố thí, rồi có người đối trong kinh này cho đến bốn câu kệ vì người khác mà nói thì phước này cũng rất nhiều”. Đến đoạn này lại lên một tầng khó hơn. Hãy xét kỹ, ở trước bao nhiêu lần so sánh về phước bố thí với phước trì kinh rồi, nhưng đến đây có gì đặc biệt? Ở trước chỉ nói về bố thí ngoại tài thôi, bố thí bảy báu mà đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, vô số tam thiên đại thiên thế giới cũng là bố thí bảy báu ở bên ngoài, đây là ngay thân mạng mình, tức ngay nơi nội tài này mới khó. Vì vậy nói là lên từng sâu hơn, ngay thân mạng mình cũng đem ra bố thí nữa, đó là chuyện khó làm; nhưng không phải chỉ một thân thôi mà là nhiều thân nữa, nhiều thân mạng như số cát sông hằng mà bố thí, quý vị dám nghĩ tới đó không? Một thân mạng bố thí còn khó, huống nữa nhiều thân mạng, vậy còn chỗ nào để cho chúng ta bám vào? Song Phật nói như vậy mà cũng không bằng người trì kinh này, như vậy là muốn nói lên ý gì? Đây là ngầm chỉ, người muốn vào kinh này, sống được với kinh này, thì phải dám buông xả quên cái thân này, dám buông bỏ cái thân này thì mới sống trọn vẹn với kinh này, hay tánh Kim Cang Bát nhã, nếu còn hơi luyến cái thân này, dù có sống cũng chỉ được một phần nhỏ vậy thôi, chứ chưa sống được thực sự trong tánh Kim Cang này; tức phải quên cái ngã yêu quý này thì mới sống được với kinh này, chứ còn chưa dám buông thì làm sao mà vào sâu được? Cho nên trong Chứng đạo ca ngài Huyền Giác có dạy rằng:

Phóng tứ đại mạc bả tróc

Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác

Chư hạnh vô thường nhất thiết không

Tức thị Như Lai đại viên giác.

***

Buông bốn đại đừng nắm bắt

Trong tánh lặng lẽ tuỳ ăn uống

Các hạnh vô thường hết thảy không,

(tất cả những cái tạo tác vô thường, những pháp hữu vi trên thế gian này là rỗng không, không có thật gì hết)

Đấy tức Như Lai đại viên giác.

Nghĩa là, chúng ta dám buông bốn đại này, buông thân xác này thì mới có thể sống tự tại trong tánh Niết bàn, ở trong tánh tịch diệt đó mà tuỳ duyên khởi dụng, tuỳ ăn uống, không mắc kẹt nữa. Bao nhiêu pháp hữu vi vô thường này, không đắm mắc vào đó, tất cả đều là rỗng không thôi, không có gì thật, ngay đó tự mình khế hợp với tánh viên giác. Ở đây nói chúng ta bố thí thân mạng nhiều như số cát sông Hằng đó cũng là những cái thân sanh diệt thôi, bố thí những cái thân sanh diệt này thì có phước, sống lâu, sanh về cõi trời sống cả ngàn kiếp, nhưng có thật vui chưa? Sống lâu trong sanh tử cũng có vui gì? Còn sống trở về với tánh Kim Cang này, đó là sống trở về với cái không sanh không diệt thì, bao nhiêu cái thân sanh diệt kia sánh với cái không sanh không diệt này làm sao bì kịp! Tuy nhiên trước khi nói như vậy, Phật rất là khéo, quý vị thấy khéo ở chỗ nào? Ngài đem thân ba mươi hai tướng của ngài ra nói trước, thật khéo không? Nếu nói ngay thân mình thì mình chưa chịu đâu, ngài đem ngay thân ba mươi hai tướng tốt đẹp, do tu hành nhiều kiếp đó, mà còn nói rằng thân ba mươi hai tướng chẳng phải tướng, cũng không thật nữa, huống là thân mình đây, thân nghiệp báo xấu xa này, có gì đáng để cho mình bám, mình luyến? Quá khéo phải không? Để rõ thêm về ý này, tức là chúng ta bố thí những thân mạng này tuy khó, nhưng cũng là thân sanh diệt, thì được cái phước là được sanh cõi trời sống lâu; song đem so với cái sống trở về với thân chân thật thì cũng không bằng. Ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ nêu rõ về ý này:

Thí mạng như sa số,

Nhân thiên nghiệp chuyển thâm,

Ký yểm bồ đề tướng,

Năng chướng Niết bàn tâm .

***

Thí mạng như số cát,

Nghiệp trời người sâu thêm,

Đã che tướng bồ đề,

Tâm Niết bàn bị lấp.

Thí mạng như số cát sông Hằng, đó là mình được phước sanh về cõi trời, sống lâu, tức càng sâu nghiệp trời người hơn nữa, chứ không sướng gì; vì ở trong sanh tử làm sao vui sướng? Được thân tướng trời người sống lâu, thân tốt đẹp thì chấp ngã càng cao, cho nên che tướng bồ đề; đã che tướng bồ đề thì tâm Niết bàn cũng bị lấp luôn, vì mắc kẹt trong thân tướng này! Như vậy có thật vui sướng chưa? Vì vậy câu chuyện Bồ tát Thường Đề trong kinh Đại Bát Nhã, ngài đi cầu học Bát nhã ba la mật, dám bán thân, chẻ tuỷ để mua đồ cúng dường vị pháp sư mà học kinh Bát nhã. Người nghe giống như làm chuyện vô lý, đã nói móc tim, chẻ tủy thì còn đâu để học? Đây là ngầm nói lên tâm thiết tha cầu pháp, là phải quên thân này, sẵn sàng buông bỏ nó thì mới thấm sâu, học sâu được Bát nhã. Do đó, trong Chứng đạo ca, ở đoạn cuối ngài Huyền Giác có hai câu:

Phấn cốt toái thân vị túc thù,

Nhất cú liễu nhiên siêu bách ức.

Nghĩa là, “Tan xương nát thịt chưa đủ đền, Một câu rõ suốt vượt trăm ức.” Khi người thực sự chứng ngộ, sống được trong đó rồi, mới thấy cái quý của Bát nhã, Nếu chỉ nghe tán thán suông thôi mà chưa sống được thì có khi còn nghi. Sống được rồi, mới thấy từ vô lượng kiếp đến giờ, chúng ta lăn lộn trong dòng sanh tử này biết bao nhiêu lâu, đức Phật có thí dụ là, ở trong cõi này bất cứ mình đứng ở chỗ nào, mình lấy cái cây cắm xuống cũng là chỗ mình đã bỏ thân! Mới thấy dòng luân hồi của chúng ta dài không tính kể mà hôm nay nhận ra được, thấy được, sống được với cái bất sanh bất diệt này, còn gì quý hơn. Cho nên nói, dù có nát thân nát xương cũng chưa đủ đền được cái ân chỉ cho mình thấy được, sống được với lẽ thật này; ngay nơi một câu mình thấu suốt được cái lý thật đó, thì mình vượt xa được biết bao nhiêu đời mê lầm! Như vậy còn có cái gì để cho chúng ta quý tiếc, chúng ta bám víu, vấn vương vào cái thân tạm bợ này? Thấy như vậy đó, thì mới dám quên thân; dám quên thân như vậy thì mới sống được trong pháp thân thật đó. Đây dẫn câu chuyện cô cung nữ của vua A Dục cho mọi người thấm sâu thêm:

Ông vua A- dục thường mời các vị cao tăng vào cung để thuyết pháp, ông là một ông vua ban đầu rất hung ác, sau khi tỏ ngộ Phật pháp rồi, ông rất quý mến hộ trì Tam Bảo, thường mời các vị cao tăng vào cung giảng. Có một lần ông mời vị cao tăng vào triều giảng, giữa giảng đường ông cho che một tấm màn, pháp sư thì ngồi giảng ở ngoài, còn những cung nữ thì ngồi ở bên trong tấm màn che ngang; giảng thì người giảng ngó tấm màn thôi, ở trong kia hiểu hay không hiểu cũng không biết. Hôm đó vị pháp sư giảng về bố thí trì giới. Khi bố thí trì giới thì được quả báo sanh cõi trời tốt đẹp. Trong đó có một cung nữ, khi nghe như vậy, cô không hiểu, mà thời gian nghe pháp sắp hết, không biết làm sao, cô mới tung cái rèm chạy ra quỳ sụp xuống trước pháp sư, đây là luật cấm của ông vua rất nghiêm nghặt, cung nữ không được phép đi ra trực tiếp như vậy, phạm luật đó là bị chém đầu chứ không phải thường, nhưng cô cung nữ này bất kể, cô hỏi:

- Bạch thầy, trước đây Phật ngồi tại gốc Bồ Đề Ngài giác ngộ thành đạo, cái mà Ngài giác ngộ đó đâu hẳn là pháp bố thí trì giới, vậy còn cái gì nữa phải không?

Vị pháp sư trả lời:

- Phật còn nhận thức được lý Tứ đế, tức Ngài thấy rõ bản tánh của tất cả muôn loài vật trên thế gian đều khổ, mà cội nguồn của cái khổ đó là do nghiệp tập, gọi là tập đế, do tu Bát chánh đạo trừ được cái nghiệp khổ đó thì liền được giải thoát khỏi sanh tử…”

Ngài giải đơn giản, qua những lời giải đó, cô cung nữ này sáng tỏ được đạo lý Tứ đế chứng được quả Tu Đà Hoàn. Ngay đó, cô biết mình phạm vào lệnh cấm của vua cho nên cô liền cầm thanh kiếm để trước cổ, đến quỳ trước ông vua, rồi cô thưa:

- Muôn tâu bệ hạ, thiếp đã phạm cái tội lớn là không tuân lệnh cấm của bệ hạ, thiếp xin chịu tội.

Vua hỏi lại:

- Phạm tội gì?

Cô cung nữ thưa:

- Hôm nay nghe pháp sư giảng, thiếp không nhớ gì hết, liều chạy ra trước mặt pháp sư, cũng như con trâu khát nước thì nó cứ nhảy xuống ao nó uống, chứ không kể đến nguy hiểm. Thiếp cũng vậy, điều mà thần thiếp khao khát lúc đó, là Phật pháp, cho nên thần thiếp quên cả lệnh của bệ hạ.

Vua mới gạn hỏi:

- Vậy chứ  nàng đã nhận được cái gì?

Lúc đó, cô mới trình bày cái hiểu của cô, vua A Dục không bắt tội mà còn vui mừng vì trong cung có được một cung nữ đã thấu hiểu được Phật pháp như vậy; sau đó ông bỏ lệnh cấm, cho cung nữ  tự do nghe pháp. Đây cho thấy, với cái tâm vì pháp, thấy được pháp thì không nhớ cả thân mạng. Nếu lúc đó vừa vén rèm mà nhớ tới lệnh cấm của vua, thụt đầu lại thì sao? Có chứng được Tu Đà Hoàn chưa? Hiểu được điều đó thì hiểu được ý nghĩa phụng trì kinh Kim Cang.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

366807
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3298
3888
18176
335955
65815
88584
366807