Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 11.Phước vô vi thù thắng

 

 

CHÁNH VĂN:

11. PHƯỚC VÔ VI  THÙ THẮNG

- Này Tu Bồ Đề! Như số cát có trong sông Hằng, rồi số sông Hằng bằng với số cát như thế, ý ông nghĩ sao? Số cát của những sông Hằng đó có phải nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Chỉ những sông Hằng thôi, còn vô số, huống nữa số cát của những sông Hằng đó.

- Này Tu Bồ Đề! Nay ta nói thực cho ông rõ, nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ, đem bảy báu đầy cả thế giới Tam thiên đại thiên bằng số cát của những sông Hằng đó, dùng để bố thí, được phước nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

- Nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ, đối trong kinh này, cho đến thọ trì bốn câu kệ…, vì người khác mà nói, thì phước đức của người này hơn cả phước đức của người bố thí trước.

GIẢNG

Đây nói về phước vô vi, phước này thuộc về phước sống trở về với chính mình. Gọi là phước vô vi, là không có tạo tác, phước này nó thù thắng là sao? Trước là Phật gạn về cái phước bố thí bên ngoài, sau mới so sánh với cái phước vô vi vô tướng ở trong. Phật thí dụ như số cát có trong sông Hằng đó, rồi số sông Hằng bằng với số cát đó, Ngài hỏi Tu Bồ Đề nghĩ làm sao, số cát của những sông Hằng đó có phải nhiều chăng? Trước là giải về sông Hằng cho quý vị hiểu qua. Sông Hằng nói đủ là Hằng Hà, Hằng Ca, Trung Quốc dịch là “Thiên đường lai”, tức là sông này từ ở trên thiên đường mà xuống, bởi vì sao? bởi vì đây là một trong ba con sông lớn tại Ấn Độ. Do nó phát nguyên từ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn chảy xuống, tức từ trên cao chảy xuống, vốn là một con sông được dân chúng ở Ấn Độ coi rất là linh thiêng. Theo truyền thuyết của Ấn Độ, sông này trước kia vào thời xa xưa do có một vị tiên cầu nguyện với một vị ở trên trời, thì từ ở trên đầu bàn chân của vị thần Tỳ Thấp Noa, Thần Tỳ Thấp Noa này là vị thần Ấn Độ thờ, từ đó mới chảy ra, là từ trên trời chảy xuống, cho nên gọi là Thiên Đường Lai, đó là truyền thuyết. Bởi vậy, sông này người Ấn Độ cũng gọi là Phước thủy, hoặc Phước Đức Cát Hà, là con sông có những điềm lành tốt. Một số đông người cho nước sông Hằng này rất linh thiêng, dùng nước sông này để tắm thì có thể trừ được các tội cấu. Vì vậy có phong tục người ta đua nhau đến đây tắm để rửa sạch tội. Ai có làm tội gì không biết, tới đây tắm thì rửa sạch tội hết! Hiện giờ ở bên Ấn Độ vẫn còn cái tục đó. Sông này là một sông lớn của Ấn Độ, nên cát ở sông này rất nhiều và rất mịn, lại là con sông phổ thông mọi người đều biết, Phật thường thuyết pháp gần bờ sông Hằng này, do đó mỗi khi nói đến con số nhiều, Phật thường lấy cát của sông Hằng này ví dụ, người nghe biết liền. Sau này thành thói quen và các người học Phật cũng ảnh hưởng quen, nên khi nói về số nhiều chúng ta thường nói “Hằng hà sa số”. Hằng hà sa số là số cát của sông Hằng chứ gì, thành ra một từ chỉ số lượng luôn. Trong đoạn thí dụ này có mấy lớp:

Thứ nhất là số cát có trong một sông Hằng, lớp thứ hai là số sông Hằng bằng với số cát đó, lớp thứ ba, là tất cả số cát của bao nhiêu sông Hằng đó, thì quý vị tính thử coi chừng bao nhiêu? Phật mới hỏi:“Có nhiều không?” Ngài Tu Bồ Đề đáp: “Rất nhiều”, tính không hết rồi. Tức là, đứng trên tướng mà tính thì rất là nhiều, không thể tính hết. Phật mới so sánh, nhưng trước khi so sánh, quý vị chú ý! Phật nói: “Nay ta nói thực cho ông rõ”. Vì đây là điều không dễ tin, nên Ngài nhấn mạnh, xác định rõ ràng chứ không có dối. Phật thí dụ có người thiện nam thiện nữ đem bảy báu đầy cả thế giới tam thiên đại thiên mà bằng những số cát của những sông Hằng đó, thì quý vị hết tưởng tượng nổi, một thế giới tam thiên đại thiên tính bao nhiêu, rồi thế giới tam thiên đó bằng với tất cả số cát của tất cả các sông Hằng đó! Như vậy phước đức bố thí rất là nhiều phải không? Cho nên Ngài Tu Bồ Đề đáp:“Rất nhiều”. Song nếu chúng ta làm phước mà nghĩ rằng mình chỉ dừng ngang đó để hưởng thì sướng không? Hưởng chừng bao nhiêu đời mới hết? Phật nói: “- Nếu có người thiện nam, người thiện nữ đối với trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ, vì người khác mà nói thì cái phước này còn hơn cả phước đức của người bố thí trước nữa.” Vậy quý vị  thấy dễ tin chưa? Cho nên Phật biết trước, Ngài xác định kỹ, bởi phước trì kinh, phước diễn nói cho người nghe, đó là cái phước sống trở về với chính mình, phước đó gọi là phước vô vi, phước này mới thật lớn. Đây là lần thứ hai hiển bày phước thù thắng đó. Lần thứ nhất là bố thí bảy báu bằng cả thế giới tam thiên đại thiên, lần này thì tiến lên một từng nữa là đầy cả vô số thế giới tam thiên đại thiên, như vậy nó có ý nghĩa gì? Thấy dường như trùng lặp nhưng không phải, nó có ý nghĩa rất sâu; bởi vì ở trước là phá cái nghi chấp về thân tướng, tức là Như Lai nói: “Thân tướng mà chẳng phải thân tướng”, nên Phật mới thí dụ đó, để thấy công đức sống trở về pháp thân vô tướng nó cao quí hơn, khiến cho chúng ta quên cái thân tướng mà sống trở về với pháp thân vô tướng. Dùng ví dụ đó để cho chúng ta không chấp trên cái hữu tướng mà sống trở về với cái vô tướng, nên ví dụ một thế giới tam thiên đại thiên. Ở đây lên một từng nữa là phá cái nghi chấp về báo thân và cõi nước trang nghiêm, như đoạn trước vừa nói. Cái thân tướng mà bằng cả núi Tu Di, rồi cõi Phật trang nghiêm tốt đẹp, chỗ chấp này khó phá hơn ở trên. Thân tướng phá nó khó nhưng còn dễ; cái chấp về báo thân và cõi nước trang nghiêm mới là khó, bởi vì báo thân là từ bao nhiêu công đức tu hành mà được, về cõi nước trang nghiêm cũng vậy, mà bây giờ phá chấp vào nó thì không dễ gì, nhất là thấy mình tu hành được phước tướng công đức, công đức này do công phu tu hành nhọc nhằn của mình từ lâu. Vì vậy, đây ví dụ tiến lên một từng nữa, bố thí bảy báu cả vô số tam thiên đại thiên cũng không bằng người trì tụng và diễn nói bốn câu kệ kinh Kim Cang này, cho thấy cái phước vô vi sống trở về với chính mình nó rất sâu, khiến mọi người đầy đủ niềm tin sâu hơn, vững hơn. Nghe kỹ, chúng ta mới nhận ra có một ý nghĩa rất là vi diệu, đem bảy báu bằng vô số thế giới như vậy bố thí, mà chúng ta chỉ dừng ngang trên đó để hưởng, thì quý vị thấy nó sung sướng đến cỡ nào? Nếu dừng ngang đó hưởng thì quý vị thấy chúng ta hưởng cỡ chừng bao nhiêu kiếp mới hết? Tức sống dài dài trong vòng luân hồi này để mà hưởng cái phước đó, không biết bao nhiêu kiếp mới hết. Thấy được ý đó thì mới thấy ý sâu Phật ví dụ. Dù có phước mà ở trong vòng luân hồi thì có khổ, có vui trong đó, dù có sanh lên cõi trời vui hơn, nhưng khi vô thường đến, phước hết cũng khổ. Kinh nói khi các vị trời hết tuổi thọ thì nó hiện ra tướng ngũ suy, là hoa trên đầu héo, mồ hôi nách ra, áo quần nhơ, thân mất ánh sáng và tiết ra mùi hôi, chẳng thích ngồi tòa cũ, khi thấy hiện ra các tướng đó, thì các vị trời đó khổ lắm. Chúng ta ở đây thấy chết thường thường mà khi chết còn rất khổ, còn ở trên trời họ sống lâu, ít nghĩ tới cái chết, nên khi nó đến thì khổ vô cùng. Như vậy cái phước quá nhiều như trên, thì cứ sanh rồi chết, chết rồi sanh để hưởng cho hết cái phước này thì quý vị thấy khổ biết bao nhiêu! Giờ đây chúng ta sống trở về với pháp thân vô tướng, pháp thân vô trụ đó, là thường trụ bất sanh bất diệt, cho nên Phật nói là người trì, diễn kinh này thì phước hơn cái phước trước là vậy. Bởi vì sống trở về pháp thân chân thật của mình, là con đường tiến lên giải thoát giác ngộ, trái lại còn sanh, còn diệt, còn ở trong vòng luân hồi, thì cái nào hơn là quá rõ. Nó hơn là như vậy đó.

Phần này, Hòa Thượng có dẫn một câu chuyện rất hay, tức một cô công chúa nhân một hôm thấy trời mưa, nước mưa nhỏ xuống dưới thềm, rồi nó nổi lên những cái bong bóng nước, cô thấy đẹp quá, cô đòi phải xâu cho cô một xâu chuỗi đó cho cô đeo. Ai làm cho được? Không được cô về phòng đóng cửa khóc, rồi không ăn không uống. Vì thương con nên ông vua ra lệnh ai xâu được xâu chuỗi cho cô công chúa đó, ông sẽ thưởng tiền rất hậu. Có một ông già đến nhận xâu được xâu chuỗi đó. Ông vua nghe rất mừng gọi vào, ông đợi trời mưa xuống, rồi ông kêu cô công chúa ra, ông nói: Cô ra đây! Những cái bong bóng nước nổi lên rồi đó, tôi thì già rồi, mắt cũng mờ, thôi cô muốn cái nào vừa ý thì cô vớt lên đưa tôi, tôi xâu cho! Cô công chúa thật thà vớt lên thì nó tan, cô làm một lúc mệt mỏi, bèn chán thôi không thèm nữa. Đến chừng đó trình ông vua, vua mới lấy một xâu chuỗi thiệt đem cho. Để hợp lại ý trong này, giả sử đem chừng một tỷ các hạt ngọc bằng bong bóng nước so với hạt ngọc thiệt bằng hạt gạo thôi, thì cái nào quý hơn? Cũng vậy, bao nhiêu cái phước đức hữu vi thì cũng là phước vô thường sanh diệt? So với phước vô vi sống trở về chính mình là cái bất sanh bất diệt, tuy là diễn nói chừng bốn câu kệ thôi tức là bắt đầu sống trở về với chính mình, thì khi sống viên mãn giải thoát tức thành Phật, cái nào quý hơn? Dùng trí tuệ xét kỹ, mới thấy đầy đủ niềm tin, nếu không, chỉ bám vào cái phước hữu vi đó mà thiếu trí tuệ sống trở về với cái chân thật của mình, thì hưởng hết phước lăn lộn trong vòng luân hồi, rồi cũng tạo nghiệp nữa. Kinh nói, dù cho cái khổ đói khát, khổ bị đánh, bị đập, bị tù, bị tội, nó cũng không bằng cái khổ trong vòng luân hồi này, bởi vì tất cả cái khổ khác cũng từ cái khổ này mà ra, do luân hồi trong vòng này nên ở trong đó mới sanh ra các khổ khác, vì vậy cái khổ này gọi là “cái khổ truyền kiếp” từ đời này sang đời khác. Ở đây sống trở về pháp thân chân thật, là bắt đầu sống giải thoát cái khổ đó. Trong sử có câu chuyện:

Thiền sư Vô Trước khi chưa đạt đạo, nghe nói Ngũ Đài Sơn có Bồ tát Văn Thù thị hiện ở trong đó, nên Ngài đi lên tìm. Nhưng lên đó, chưa thấy Ngài Văn Thù ở đâu, lại gặp ông già dắt trâu, Ngài hỏi thăm: Ở đây là ở đâu? Ông biết hang Kim Cang ở đâu không? Ông già mời vào trong nhà nghỉ, uống nước, đối đáp qua lại, sau đó được ông già cho đồng tử tiễn Sư về và nói cho Sư một bài kệ, rồi ông biến mất, Ngài Vô Trước thấy hiện ở trên mây hình Bồ Tát Văn Thù cỡi sư tử lông vàng thì mới biết mình gặp Bồ tát Văn Thù. Bài kệ như sau:

Nhất niệm tịnh tâm thị Bồ Đề,

Thắng tạo hằng sa thất bảo tháp,

Bảo tháp cứu tận toái vi trần,

Nhất niệm tịnh tâm thành chánh giác.

***

Một niệm tịnh tâm ấy Bồ Đề,

Hơn tạo hằng sa tháp bảy báu,

Tháp báu cuối cùng nát thành bụi,

Một niệm tịnh tâm thành chánh giác.

Nghĩa là, một niệm mà tâm thanh tịnh chính là Bồ Đề, còn hơn tạo hằng sa cái tháp bảy báu; chúng ta tạo bao nhiêu cái tháp bảy báu đó, cũng thuộc về cái tạo tác hữu vi, nó là vô thường. Cho nên “tháp báu cuối cùng nát thành bụi”, dù nó trải qua thời gian dài, sau đó nó cũng vô thường, cũng sẽ nát thành bụi. Nhưng “Một niệm tịnh tâm sẽ thành chánh giác”. Nếu một niệm tâm thanh tịnh, đó là cái nhân Bồ Đề, cái nhân thành Phật. Vì vậy cái phước báu bên ngoài nó không làm cho chúng ta dứt hết lòng tham sân phiền não; còn một niệm tịnh tâm, nó có năng lực khiến mình dứt được phiền não, để giải thoát giác ngộ, cái đó mới là con đường chân thật, là chỗ nương tựa vĩnh viễn của mình. Bởi vậy có câu chuyện: vua Đảnh Sanh là một ông vua Chuyển luân thánh vương có phước đức rất lớn. Chuyển luân thánh vương có bốn hạng là: Thiết luân vương, Ngân luân vương, Đồng luân vương, Kim luân vương. Vị Chuyển luân thánh vương thuộc về Kim luân vương thì phước thật lớn, làm chủ bốn châu thiên hạ, khi ông vua này lên ngôi có những đội quân báu, ngựa báu, hiện đến, có ngọc nữ báu cũng hiện đến, đi đâu các nước đều quy phục, khi quy phục cả bốn châu thiên hạ rồi, ông thấy chưa đủ nữa, ông nghĩ rằng làm sao lên được cõi trời cho biết. Khi ông nghĩ như vậy, do phước báu ông cũng được lên cõi trời. Đế Thích mời ngồi cùng Ngài, khi được ngồi chung với trời Đế Thích, thì ông lại khởi niệm “sao mình không xô ông xuống mình chiếm cái tòa này luôn”. Khi ông vừa khởi niệm đó, ông mất phước rớt trở lại nhân gian, lâm bệnh, đến khi sắp chết ông gọi hết quần thần lại rồi dặn dò: “các người hãy nhớ theo cái gương của ta đây, do lòng tham không biết đủ cho nên hôm nay mới bị cái nạn khổ này, các người thấy đó để mà răn mình.” Như vậy quý vị thấy sao? Cái phước mà không có trí tuệ này, thì nó có dứt được lòng tham chăng? Có khi còn tạo nghiệp nữa. Bởi vì không có trí tuệ thấy rõ lẽ thật, lòng tham đâu có dứt được. Hiểu như vậy đó, quý vị thấy xây chùa, xây tháp bên ngoài, cái đó có phước không có chối cãi, nhưng cũng phải xây ngôi chùa, ngôi tháp ở nơi tự tâm của mình, thêm ngôi chùa đó mới là chỗ mình nương tựa lâu dài vững vàng. Bởi vì cái kia nó hết, mà ngôi chùa tự tâm còn, từ đó mình sẽ tạo phước thêm nữa, còn thiếu cái này thì những cái phước kia hết rồi, nó tuột xuống luôn. Để cho thấy, cái phước vô vi nó thù thắng, mỗi người ý thức được cái gốc quan trọng, để sống trở về với pháp thân chân thật, không phải bảo mình bác bỏ cái phước bên ngoài.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

366914
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3405
3888
18283
335955
65922
88584
366914