Thứ Năm 18/4/2024 -- 10/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 9.Một tướng vô tướng

 

 

CHÁNH VĂN:

9. MỘT TƯỚNG VÔ TƯỚNG

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Tu Đà Hoàn có hay khởi niệm thế này: “Ta được quả Tu Đà Hoàn” chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Tại sao? Tu Đà Hoàn gọi là “vào dòng”, mà thật không có chỗ vào: chẳng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Tu Đà Hoàn.

- Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Tư Đà hàm có hay khởi niệm thế này: “Ta được quả Tư Đà Hàm” chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Tại sao? Tư Đà Hàm gọi là “một lần qua lại”, mà thật không có qua lại, đó gọi là Tư Đà Hàm.

- Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? A Na Hàm có hay khởi niệm thế này: “Ta được quả A Na Hàm” chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Tại sao? A Na Hàm gọi là: “chẳng lại”, mà thật không có chẳng lại, thế nên gọi là A Na Hàm.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? A La Hán có hay khởi nghĩ thế này: “Ta được đạo A La Hán” chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Tại sao? Thật không có pháp gọi là A La Hán. Thế Tôn! Nếu A La Hán khởi niệm thế này: “Ta được đạo A La Hán”, tức là dính Ngã Nhân Chúng sanh Thọ giả. Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam muội, ở trong người rất là bực nhất, là vị A La Hán Ly dục bậc nhất. Thế Tôn! Con chẳng khởi niệm thế này: “Ta là bậc A La Hán Ly dục”. Thế Tôn! Nếu con khởi niệm “Ta được đạo A La Hán”, Thế Tôn ắt chẳng nói “Tu Bồ Đề là người thích hạnh A lan na”. Do Tu Bồ Đề thật không có chỗ hành, mà gọi là Tu Bồ Đề thích hạnh A lan na

GIẢNG:

Đây là đoạn nói về bốn quả thanh văn, tức là Tu đà hoàn – Tư đà hàm – A na hàm – A la hán. Trước đã nói là Vô thượng bồ đề không thật có được, ở đây nói tứ quả thanh văn lìa tướng để cho thấy, không có chỗ cho mình trụ vào trong cái quả, là ngầm đưa về thật tướng vô tướng đó. Nhưng ở đây cũng có ý giải thích cái nghi “Phật pháp chẳng phải Phật pháp”.

Ở đoạn trên Phật nói Phật pháp chẳng phải Phật pháp thì có cái nghi, “như vậy từ trước Phật nói về Tứ đế, Tứ quả là sao? Nên ở đây giải cái nghi đó.

Thứ nhất Phật nói về Tu Đà Hoàn, Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “- Ý ông nghĩ sao? Tu Đà Hoàn có hay khởi niệm thế này: “ta đã được quả Tu Đà Hoàn” chăng? Ngài Tu Bồ Đề thưa: - Chẳng được. Vì sao? Bởi vì Tu Đà Hoàn là nhập lưu, nghĩa là vào dòng mà thật không có chỗ vào; không chỗ vào đó là chẳng vào sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp đó gọi là Tu Đà Hoàn.” Mới nghe thật khó hiểu. Bởi Tu Đà Hoàn là quả đầu tiên của tứ quả Thanh Văn, chữ Hán gọi là nhập lưu, hoặc dự lưu, là vào dòng Thánh, hay dự vào dòng thánh. Vị này đã đoạn được kiến hoặc, là kiến chấp sai lầm, tức dứt được cái thấy sai lầm về dục giới, cho nên vị này đoạn được ba kết: một thân kiến, hai là nghi, ba là giới cấm thủ. Tức là không còn có kiến chấp về thân, không thấy có thân này là ngã, là thật; không còn có cái nghi ngờ về pháp, như pháp Tứ Đế, đó là lý chân thật; không còn giữ những giới cấm sai lầm, chẳng hạn như xưa ở bên Ấn Độ có những đạo giữ các giới, như giới chó, là sống như chó, rồi những giới đứng một  chân, họ nói suốt ngày đứng như vậy khiến cái thân khổ hạnh, thì sau đó được giải thoát, đó là những giới cấm thủ. Ở đây những vị này đã dứt được những cái kiến chấp sai lầm, tức không còn có những cái thấy sai lầm nữa. Tóm lại dứt được ba cái kết, tức không chấp về thân, không còn nghi ngờ về pháp như là pháp Tứ Đế, không còn có những cái chấp về các giới cấm sai lầm. Vị này lìa được không còn sanh vào trong các loài thú địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, chỉ còn bảy lần sanh lên trời và vào cõi nhân gian thì qua sanh tử. Ở đây tuy là còn bảy lần sanh tử, nhưng mà đã có hạn mức bảy lần nữa là hết, là qua, nên chứng được Tu Đà Hoàn là ngược dòng phàm vào dòng thánh, không còn thối lui vào các dòng ác nữa. Nhưng ở đây nhiều vị nghe nói Tu Đà Hoàn vào dòng thánh, lại nghĩ có chỗ để vào, hoặc là ngay khi chứng được quả Tu Đà Hoàn có khởi niệm được hay không; do đó để chứng minh, Ngài Tu Bồ Đề đáp: “chẳng được”, tức là không có khởi niệm ta được quả Tu Đà Hoàn. Bởi vì sao? Bởi nếu đã thật được quả Tu Đà Hoàn thì còn khởi niệm được gì nữa? Nếu còn khởi niệm được, tức là chưa sống được trong đó, là không phải Tu Đà Hoàn rồi, nên mới khởi niệm được. Trái lại đã sống thực trong đó thì còn khởi niệm chi nữa. Để thấy rõ, còn có khởi niệm  được là chưa được. Ở đây cho thấy, Tu Đà Hoàn vốn lìa tướng, mà khởi niệm là dính tướng liền, cho nên không khởi niệm.

Thứ hai là trừ chấp vào dòng thánh, nghe vậy cho là có chỗ vào, cũng là lầm theo chữ nghĩa. Nghe nói vào mà còn thấy “chỗ vào”, tức còn đứng ngoài cửa. Nếu đã vào trong đó rồi thì còn vào gì nữa. Nói vào đây, là ngược dòng sáu trần chứ không gì hết, chẳng dính vào sáu trần thì tạm gọi vào dòng thánh, nên nói không vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu vào sáu trần thì trôi theo dòng phàm, còn không vào sáu trần thì ngược dòng phàm vào thánh, đó là tạm gọi danh từ “vào” đấy thôi, chứ đâu có chỗ vào. Như vậy ngay sơ quả Tu Đà Hoàn là đã thấy ánh sáng Bát Nhã trong đó. Tức là đưa sơ quả trở về Bát Nhã, từ sơ quả thuộc tiểu thừa trở về đại thừa. Thứ hai là quả Tư Đà Hàm, nghĩa là nhất lai, còn một lần qua lại, tức một lần sanh lên cõi trời xuống nhân gian. Bước qua quả vị nhất lai này là phần tu đạo, phần đoạn tư hoặc. Tu Đà Hoàn thì đoạn dứt kiến hoặc, tức cái thấy sai lầm đối với lý, mà cái thấy sai lầm thì chuyển một cái là giải quyết được, nhưng cái tư hoặc, hay cái tư dục ở trong nội tâm mình thì rất là khó, không phải thấy là xong, là hết. Bởi vậy trong kinh luận có nói, trong dục giới có chín phẩm tư hoặc, tư hoặc tức mê lầm thuộc về nội tâm, chín phẩm đó gồm có thượng, trung, hạ, rồi trong cái thượng gồm có thượng thượng, thượng trung, thượng hạ. Trung thì có trung thượng, trung trung, trung hạ. Hạ thì có hạ thượng, hạ trung, hạ hạ, đó gọi là chín phẩm, Tư Đà Hàm này đã đoạn được sáu phẩm, còn sót lại ba phẩm chưa đoạn nên phải còn một phen sanh lên trời, xuống nhân gian thì mới đoạn hết. Bởi cái tư hoặc không phải đoạn một lần là xong liền, không phải dễ. Về cái thấy sai lầm thì mình thấy đúng, liền trừ được cái sai lầm, còn cái nghiệp huân tập, cái dục trong nội tâm mình, cái đó rất khó không phải dễ dàng nên gọi là nghiệp tập vi tế. Bởi vậy phải công phu dài, ai có kinh nghiệm công phu thì thấy rõ, mình dù cho hiểu đạo, biết thân này là huyễn không thật có ngã, là giả dối thôi, nói qua là hiểu dễ dàng, song ai nói động đến nó thì sao? Nói qua là hiểu liền, nhưng động đến thì ở trong nó cũng phừng phừng lên. Đọc sử các vị thiền sư, thấy rõ ngộ trong tích tắc nhưng mà sống để cho sạch những tập khí đó không phải một sớm một chiều, một phút hai phút hay một ngày hai ngày. Ở đây qua phần tu đạo này thì có Tư  Đà Hàm, A Na Hàm, qua A Na Hàm tới A La Hán, mới qua hết đoạn này. Còn phần kiến đạo thì có Tư Đà Hoàn thôi. Cho nên thấy được lý phải sống trong đó cho được đầy đủ trọn vẹn thì mình mới làm chủ lấy mình, chủ phiền não, sanh tử, chớ đừng vội thấy liền cho đó là xong thì không phải. Đó là nói về ý nghĩa kiến đạo buớc qua phần tu đạo để dứt sạch những nghiệp tập vi tế còn ở trong nội tâm của mình, thuộc về tư hoặc tức cái mê lầm thuộc về tâm. Tiến lên một bước nữa, Lục Tổ giải Tư Đà Hàm theo tinh thần của đại thừa để hướng về sống với nội tâm mình. Ở trên nói về đoạn trừ những tư hoặc gồm có chín phẩm đó là theo pháp số danh từ, còn Lục Tổ ngài chỉ thẳng ngay nơi tâm niệm mình là: “Mắt xem các cảnh, tâm có một phen sanh diệt mà không có cái sanh diệt thứ hai nên gọi một lần qua lại. Niệm trước khởi vọng, niệm sau liền dừng; niệm trước có dính mắc, niệm sau liền lìa, nên thật không có qua lại.” Nghĩa là niệm trước khởi vọng, niệm sau liền dừng, không có tiếp tục nên nói một phen qua lại mà thật không có qua lại gì hết. Chúng ta nghe nói một phen qua lại, rồi mắc kẹt, tưởng đến một lần qua lại; nếu thấy có tướng một lần qua lại thì bị mắc kẹt trong đó. Ở đây ngài giải thích ngay khi niệm khởi mình liền giác, giác thì dừng đâu có tiếp tục, tức không có niệm sanh diệt thứ hai. Gọi là chỉ có một lần qua lại thôi; lỡ bất giác bây giờ giác thì dừng, đó là sống ngay nơi nội tâm mình, ngay nơi niệm đang hiện tiền đây, chứ không giải thích xa xôi. Đó là không chấp trong tướng sanh diệt, chỉ cho mình trở về nơi nội tâm, nơi niệm hiện tiền đó, lỡ có bất giác thì giác trở lại dừng ngay, lỡ có một phen qua lại liền dừng không tiếp tục nữa, coi như mình đang sống trong Tư Đà Hàm.

Thứ ba là A na hàm dịch là bất lai, nghĩa là chẳng còn trở lại. Tới A na hàm là đoạn hết chín phẩm tư hoặc, đoạn sạch hết chín phẩm thuộc về dục giới đó nên không còn sanh về dục giới. Vị A na hàm khi bỏ thân này thì sanh lên cõi trời Ngũ na hàm, ở đó vào niết bàn luôn không sanh trở lại nữa, cho nên gọi là bất lai. Ở đây cho thấy, vị này đã đoạn được tư hoặc thì tâm đâu còn động, còn nhiễm về những suy nghĩ sai lầm, mà trong tâm không còn động còn nhiễm thì đâu trở lại; vì còn động còn nhiễm nên mới trở lại; khởi niệm động, khởi niệm nhiễm nên mới quay trở lại, còn không nhiễm thì quay lại đâu? Nên còn thấy một “tướng ngã” để trở lại thì sao? Nghe nói bất lai rồi tưởng có một “cái ngã” không trở lại, tức là trở lại rồi! Vừa thấy có cái ngã chẳng trở lại liền trở lại! Do đó nói bất lai nhưng chẳng có bất lai, tạm gọi danh từ chẳng trở lại là bất lai vậy thôi, đó là danh từ tạm đặt không nên bám vào đó để chấp theo danh từ, nghe nói chẳng trở lại rồi chấp có một cái chẳng trở lại, thì đã trở lại. Nói cho gần hơn là, trong tâm mình không có niệm thứ hai, luôn luôn một niệm hiện tiền sáng suốt đây, không có niệm thứ hai chen vào thì ngay đó chẳng có trở lại đâu hết, tạm cho cái tên A na hàm để mình sống ngay nơi niệm giác đây, thấy nghe biết tất cả nhưng không để có niệm thứ hai chen vào, còn có một niệm thứ hai chen vào là bắt đầu trở lại sáu trần.

Thứ tư là A La Hán. A La Hán này có nhiều nghĩa: thứ nhất là dứt sạch mọi phiền não; thứ hai nghĩa là ứng cúng, đáng được cho Trời người cúng dường, tức bậc này là bậc đã được giải thoát, được trời người cúng dường; thứ ba là vô sanh, tức dứt mầm sanh tử không còn sanh trở lại, ở đây nhắm nghĩa thứ ba này tức là vô sanh.

CHÁNH VĂN:

Đức Phật hỏi Tu Bồ Đề:

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? A La Hán có hay khởi nghĩ thế này: “Ta được đạo A La Hán” chăng?

GIẢNG:

Nói A La Hán đó mình nghĩ có cái pháp A La Hán, có cái đạo A La Hán để được; khi khởi nghĩ có pháp được, đạo được là sanh rồi, mà sanh thì trái với A La Hán, bởi A La Hán là vô sanh. Nếu thật A La Hán, mà còn khởi nghĩ ta được A La Hán nữa thì sao? Còn khởi nghĩ được là chưa phải thật A La Hán cho nên mới nghĩ được, chỗ đó rất là vi tế, đã A La Hán thì được gì nữa, dư rồi!

Thứ hai vừa khởi niệm được thì liền có ngã niệm. Có ngã là đối với nhân, tức có ta có người. Ngã nhân đối nhau sanh ra chúng sanh  niệm. Cái niệm ngã, nhân, chúng sanh cứ tiếp nối không dứt là thọ giả niệm, thọ giả là kéo dài tiếp tục. Như vậy vừa khởi niệm liền ở trong bốn tướng, cho nên khởi niệm tức là sanh, thì trái với A La Hán vô sanh. Bởi vậy khi nghe nói chứng A La Hán tưởng có pháp để chứng được thì rõ ràng là người đứng ngoài cửa tưởng tượng. Chính A La Hán là tâm đã dứt sạch hết ngã chấp, lặng những niệm đây kia thì tạm gọi A La Hán, chứ đâu có pháp gì để được trong đó. Vì vậy, ngay nơi mình đây một niệm lặng là một niệm A La Hán, là một niệm niết bàn, mọi niệm đều lặng thì niệm niệm A La Hán, niệm niệm niết bàn tức là niệm niệm vô niệm, biết tất cả mà không sanh, không khởi niệm thì có gì để được. Vậy A La Hán hay niết bàn đều ngay tâm thể mình không đâu xa. Mình nghe nói tu phải chứng A La Hán, phải nhập Niết Bàn, liền nghĩ chắc nhập là phải đến chỗ nào đó, là sanh trở về cõi niết bàn, nhưng khi có một cõi niết bàn để trở về, đó là không phải niết bàn, không phải A La Hán rồi. Bởi có một cõi về thì có chỗ để sanh và chỗ để tử, đó là thuộc về sanh diệt đâu phải A La Hán. Vậy A La Hán là sống trở về tâm thể vô sanh, ngay đây đã đầy đủ. Ngài Tu Bồ Đề bạch Thế Tôn “nếu mà A La Hán khởi niệm thế này: ta được đạo A La Hán tức sẽ dính ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”, rồi Bạch Thế Tôn nói: “Con được Vô Tránh Tam Muội ở trong người rất là bậc nhất, là vị A La Hán ly dục bậc nhất, nhưng con chẳng khởi niệm ta là bậc A La Hán ly dục, bởi vì sao? nếu con khởi niệm ta được đạo A La Hán thì Thế Tôn ắt chẳng nói Tu Bồ Đề là thích hạnh Alanna”. Ở đây có mấy từ hơi khó hiểu là Vô Tránh Tam Muội, ly dục, Alanna. Vô Tránh Tam Muội, vô tránh là không tranh, không chống trái với mọi vật; còn tam muội là chánh định, hoặc chánh thọ, mình không thọ tất cả mọi thứ tức thuộc về chánh thọ hay chánh định. Bởi khi mình không thọ gì hết thì tâm an; còn thọ này thọ kia, có thọ tức có phiền não, thọ cái nào thích ý thì vui, cái nào không thích ý thì khổ, cho nên có thọ thì có khổ có vui, có động, có sanh diệt, là không có định. Bởi Ngài Tu Bồ Đề giải được lý không bậc nhất nên Ngài quên niệm Ta -  Người, thì còn gì để mà tranh. Sở dĩ có tranh là vì có ta có người, tranh người với ta, còn ở đây không ta thì lấy gì tranh? Tâm vừa có ngã thì mới có cái để tranh, tranh với cái ngã này; ngược lại có tranh, nhất là người hay tranh cãi nặng chừng nào, thường chống trái nhiều chừng nào thì ngã nặng chừng ấy. Bởi vì sao? Vì không chịu đụng đến cái ngã này. Cho nên kiểm điểm lại thì biết mình có ngã nặng hay nhẹ. Ở đây Ngài Tu Bồ Đề quên ta, quên người thì đâu còn gì để tranh, cho nên được vô tránh tam muội, tức được chánh định không còn tranh. Còn ly dục cũng thuộc về vô tránh, bởi vì khi vừa ly dục mà còn khởi niệm ly dục thì sao? Vừa khởi niệm ly dục cũng thuộc về tranh, tranh cái gì? Tranh để mà ly, mà có chỗ để ly tức chưa ly. Còn Ngài rõ không ta không người, không ly mà tự ly, không có niệm ta ly dục, đó mới là thật ly.

Điểm thứ ba nữa là Ngài thích hạnh Alanna, Alanna là âm tiếng phạn, Trung Quốc dịch là lìa huyên náo, tịch tĩnh tức là tên khác của vô tránh, nếu có tranh là có ồn ào, huyên náo. Ở đây do Tu Bồ Đề thích hạnh Alanna nhưng thực Tu Bồ Đề không có chỗ hành. Ngài thích hạnh đó nhưng không chỗ hành nên gọi Ngài là thích hạnh Alanna. Nếu mà có chỗ hành tức là sao? Tức là có tranh nữa, tranh với động để về tĩnh, là chưa phải hạnh Alanna, ý nghĩa rất sâu xa! Nếu thật sự đã sống được với tâm tịch tĩnh rồi thì còn có chỗ gì để hành nữa. Nên còn thấy có chỗ để hành thì chưa phải sống được trong tịch tĩnh, chưa phải hạnh Alanna. Tóm lại Vô tránh Tam muội là tâm tịch tĩnh của mình chứ không gì khác, còn A La Hán là tâm vô sanh, chứ không có đạo gì riêng. Vậy ngay trong bốn quả Tu Đà hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán đều đưa tất cả về thực tướng vô tướng. Nói bốn quả nhưng thật sự không có quả gì để được, cũng không có khởi niệm ta được, còn khởi niệm tức còn tướng, khởi niệm ta được Tu Đà Hoàn tức trụ vào quả Tu Đà Hoàn để được, là có chỗ được, chỗ trụ. Đây là nói sáng rõ nghĩa ly trụ vô tướng ở trước. Bởi vì khởi niệm là dính tướng, thấy có chỗ được là có chỗ trụ, ở đây lìa tướng quả chứng, không trụ chỗ nào để được là trở về chỗ chân thật, sống với tự tánh Kim Cang Bát Nhã thì có tướng gì để mình khởi niệm. Nên học Bát Nhã là để phá tình chấp, chấp những tướng bên ngoài, để sống trở về với tự tánh, do đó Bát Nhã không lập một cái gì. Đó là ý nghĩa phần “một tướng vô tướng”, đưa bốn quả Thanh Văn trở về với thực tướng vô tướng nơi tự tánh chính mình, từ tiểu thừa đưa về đại thừa, mới hiểu tất cả hiền thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt, nói sai biệt đó là ở trên danh từ, trên cái tâm lượng tạm thời chứ đều là hướng về sống với tự tánh vô tướng chứ không gì khác. Nếu được một phần nào đó thì tạm đặt tên Tu Đà Hoàn, vì sống chưa được trọn vẹn, mới dứt được kiến hoặc thôi. Nếu dứt được thêm sáu phần tư hoặc dục giới, còn ba phần kia thì tạm đặt tên Tư Đà Hàm. Dứt thêm ba phẩm kia nữa thì đặt tên A Na Hàm, dứt sạch hết thì đặt tên A La Hán. Sống trở về tự tánh giác ngộ đầy đủ nơi mình, thấy rõ mình có đầy đủ tính Bát Nhã đó, mọi người cũng đều có đủ thì bước qua đại thừa. Sống trọn vẹn không gì sai sót, công đức đầy đủ thì thành Phật không gì khác, ngoài mình đi tìm gì khác sẽ bị gạt.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

418936
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
206
2300
17629
387297
44471
73473
418936