Thứ Năm 25/4/2024 -- 17/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 8.Y pháp sanh ra

 

 

CHÁNH VĂN:

8. Y PHÁP SANH RA

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu người đem bảy báu đầy cả thế giới Tam thiên đại thiên dùng để bố thí, thì phước đức người đó được có nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Tại sao? Phước đức đó, chẳng phải phước đức tánh, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều. Nếu có người nào đối trong kinh này thọ trì, cho đến chừng bốn câu kệ…, vì người khác mà nói, phước đức của người này hơn người bố thí kia. Tại sao? - Này Tu Bồ Đề! Tất cả Chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Chư Phật đều từ kinh này phát ra. Tu Bồ Đề! Nói Phật pháp đó, tức chẳng phải Phật pháp.

GIẢNG:

Đoạn này nói về y pháp mà sanh ra. Ở đây có mấy điểm so sánh phước đức bố thí bảy báu và phước đức trì kinh. Mới vào đức Phật bảo ngài Tu- bồ- đề: “- Ý ông nghĩ sao?” là hỏi ý của ngài Tu- bồ- đề mà cũng nhấn mạnh đoạn ngài muốn nói. “Nếu người đem bảy báu đầy cả thế giới  tam thiên đại thiên dùng để bố thí thì phước đức của người bố thí này có được nhiều hay không”, Trong lời hỏi của Phật có mấy chỗ cần giải thích: đem bảy báu, vậy bảy báu là cái gì với cái gì? Bảy báu, tức là bảy thứ vật quý báu trong đời là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã mão, bảy báu đó đem đầy cả thế giới tam thiên đại thiên, ở đây cho thấy không phải là một thế giới của mình thôi. Theo trong kinh luận giải thích, trong thế giới này gồm có một núi tu di ở trung tâm, rồi bốn châu là Nam thiệm bộ châu – Bắc cu lô châu -  Tây ngưu hoá châu – Đông thắng thần châu ở chung quanh, ở trên có mặt trời mặt trăng và các vị tứ thiên vương … cộng chung lại là một thế giới; một ngàn thế giới đó mới gọi là tiểu thiên thế giới, rồi một ngàn tiểu thiên thế giới thành ra một trung thiên thế giới, rồi một ngàn trung thiên thế giới đó mới là một đại thiên thế giới. Vậy một đại thiên thế giới này gồm ba cái một ngàn: - một ngàn thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới, rồi một ngàn cái trung thiên, cho nên gọi tam thiên đại thiên, như vậy để chỉ cho thế giới ở trong này nhiều vô số. Quý vị thấy, cách đây trên hai ngàn năm trăm năm, Phật dùng kính thiên văn nào mà thấy như vậy? Lúc đó chưa có kính thiên văn mà ngài thấy như vậy, là ngài đã mở mắt, gọi là Phật nhãn hay thiên nhãn của ngài mà ngài thấy như vậy, chứ không nhờ cái gì bên ngoài. Cho thấy từ thời cách nay 2.500 ngài đã thấy và nói ra như vậy, bây giờ khoa học tiến bộ chỉ làm sáng tỏ thêm cái ý nghĩa đó; bởi những điều Phật nói ra là những điều chính ngài thể nghiệm, đã thấy, rồi ngài nói chứ không phải suy đoán. Vậy đem của báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới đó mà bố thí, thì phước đức đó nhiều hay không? Ở đây so sánh phước đức hữu vi với phước đức tánh thuộc về phước đức vô vi. Đoạn trên đã phá tri kiến về đức Phật và pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của Phật, gọi là không được không nói. Giờ  đây sống trở về với vô vi thì phước đó như thế nào? Cho nên ở đây Phật gặn lại. Nhưng trước khi nói tới phước vô vi, thì phước vô vi nó không có hình tướng gì nên phải mượn pháp hữu vi có hình tướng để thí dụ, người khéo nhơn đó liền hiểu. Do đó ngài dùng thí dụ đem bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới bố thí, quý vị thấy cỡ chừng bao nhiêu? Cần để ý chữ “nếu” đứng đầu, “nếu” là sao? Nếu, là giả sử chứ không phải hẳn thực như vậy, phải hiểu ý đó. Ngài Tu- bồ- đề đáp: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều, tại sao? vì phước đức đó chẳng phải là phước đức tánh thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.” Đoạn này quý vị đọc có nghi không? Phước đức bảy báu mà bố thí như vậy, đó là phước đức hữu vi, phước đức có hình tướng, có tạo tác, ngài Tu- bồ- đề không biết điều đó hay sao mà đáp rất nhiều? Nếu rất nhiều, là thật hay sao? Học kỹ rồi mới thấy rõ, ở đây không có phá hoại tướng thế gian, nếu y trên tướng thì phước đức đó là phước đức do tích tụ bảy báu, tạo tác, mình đem ra mình dùng, cho nên phước đó nhìn theo thế gian là rất nhiều, không phủ nhận, bởi vì sao? Bởi một bề phủ nhận thì phá hoại tướng thế gian sao? Vì phước này do tạo tác nên rất nhiều, còn phước đức thuộc về phước đức tánh là phước đức vô tướng, vô tướng thì nó lìa phân biệt, đâu có nhiều ít! Đây nói nhiều, là bởi vì nó thuộc phước đức tướng, cho nên có nhiều ít. Nếu so với phước đức thuộc về vô tướng thì nó là phước đức có tướng, phước đức hữu lậu hữu vi, nên ngài nói rất nhiều, mà có nhiều có ít là thuộc về cái sinh diệt, còn cái phước đức thuộc về phước đức tánh thì nó không nhiều ít, nó vô tướng, không thấy được. Vậy phước đức tánh là phước đức gì? Tức là phước đức sống trở về với Kim Cang bát nhã. Bởi sống trở về tánh Kim Cang bát nhã đó, thì cái phước đức đó quý vị nghiệm coi hình tướng ra sao? Chỉ sống trở về tánh Kim Cang bát nhã thì có hình tướng gì? Do đó không nói nhiều ít được, nhưng muốn nói để cho người ta hiểu thì sao đây? Phải tạm mượn phước đức có tướng để so sánh, khiến mình khéo thì nhận ra liền. Ở đây Phật cũng khéo như vậy, phước đức bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới như vậy mà bố thí, cũng không bằng phước đức này nữa; để thấy rằng, phước đức này vượt ngoài nhiều - ít, còn phước đức kia tuy là nhiều, mà nhiều là đối với ít, là có sinh diệt, nếu bám vào đó mà hưởng thì đến một lúc nào nó cũng hết. Trái lại phước đức sống trở về tự tánh Kim Cang đó thì hưởng bao giờ mới hết? Sống trở về đó thì, từ khi sống trở về cho đến khi sống trọn vẹn, rồi thành một vị Phật, thành một vị Phật thì đức dụng không biết bao nhiêu mà kể, dùng mãi từ đời này qua đời khác không hết, vậy không phải vô lượng sao? Song vì khó diễn tả, nên người khéo thì nhơn thí dụ mà thầm nhận, thầm biết. Lục Tổ có giải thích: “- Tâm nương theo lời dạy của Phật, hạnh đồng với hạnh của Phật, đó là phước đức tánh”. Lục Tổ dạy đơn giản. Nghĩa là tâm nương theo lời dạy của Phật, hạnh đồng với hạnh của Phật đó là phước đức tánh, đó là phước đức sống trở về với tánh giác. Nhưng đoạn này đáng lẽ có thêm một câu nữa, đây thì có thể do sót nên đọc kỹ sẽ thấy “phước đức đó, chẳng phải phước đức tánh thế nên Như Lai nói phước đức nhiều, nếu có người nào đối trong kinh này thọ trì”, đây đúng là lời của Phật, nên đúng ra trước chữ “nếu” có câu: “ Phật bảo: Này Tu- bồ- đề”. Trong bản đời Ngụy có đầy đủ là: “Phật bảo: - Tu- bồ- đề, nếu có người nào ở trong kinh này thọ trì chừng bốn câu kệ vì người khác mà nói thì, phước đức của người này hơn phước đức của người bố thí kia”. Như vậy ý nghĩa rõ ràng sáng sủa. Ở đây quý vị chú ý “người đối trong kinh này thọ trì chừng bốn câu  kệ thôi thì phước đức của người này hơn phước đức của người bố thí kia” thì dễ tin không? Mỗi ngày chỉ cần đọc bốn câu kệ là tốt rồi, khỏi làm gì hết, phải không? Cho nên học kinh Kim Cang là phải thấy cái ý ngoài văn tự, nếu  bám vào chữ nghĩa thì dễ nghi ngờ. Ở đây trước nhất phải hiểu nghĩa “thọ trì”, nghe nói thọ trì kinh là mỗi đêm tụng bộ này qua bộ kia gọi là trì kinh, nếu hiểu nghĩa như vậy thì hời hợt quá! Thọ, là lãnh nhận; trì, là gìn giữ, lãnh nhận và gìn giữ, vậy chỉ đọc suông thì đã lãnh nhận và gìn giữ chưa? Phải lãnh hội được và sống với chỗ mình lãnh hội đó mới gọi là thọ trì, mới là gìn giữ không mất; chứ đọc suông, xuống là quên mất thì làm sao thọ trì được? Có lãnh nhận gì đâu? Phải hiểu được ý đó! Kế, thọ trì chừng bốn câu kệ thôi, là bốn câu kệ nào? Đó là chỗ khó xác định. Cho nên có nhiều thuyết:

Hai  bài kệ ở trong kinh Kim Cang:

1/ Tất cả pháp hữu vi, Như mộng huyễn bào ảnh .…

2/ Phàm sỡ hữu tướng giai thị hư vọng .… Như Lai.

Ở đây cần nghe kỹ lại cho rõ: “đối trong kinh này thọ trì cho đến chừng bốn câu kệ”, như vậy Phật đâu có nói quyết xác định là bốn câu kệ nào! Đó là ý sâu của Phật! Nếu nói được thì Phật chỉ thẳng liền hai bài kệ đó, hoặc là ông thọ trì bốn câu kệ đầu hoặc bốn câu kệ sau, mà ở đây Phật không chỉ rõ thì có ý gì trong đó? Đây có hai điểm: thứ nhất là tuỳ theo mỗi người, ngay bất cứ đoạn nào trong kinh này mình khế hợp lãnh hội lấy, tu hành sống chân thật ở trong đó là đều trở về với tánh Kim Cang bát nhã hết chứ không cố định chỗ nào. Vì vậy Phật không xác định câu nào. Cũng như Lục Tổ đâu có tính trước là ngài nhắm thẳng vào câu kinh Kim Cang: “- Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đó mà ngộ, khi nghe Ngũ Tổ dạy tới đó thì khế hợp liền ngộ, đâu nhất định; cho nên chỉ cố định vào một đoạn nào thì nguy hiểm, vì sẽ chấp vào đoạn đó! Thí dụ chỉ vào bài kệ: - “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã…” Phật chỉ nhất định vào đoạn đó thọ trì thì phước đức vô lượng, nghe vậy khiến ai ai cũng lo học thuộc lòng đọc mãi đoạn đó thôi, vậy là chấp vào văn tự chữ nghĩa rồi! Ở đây Phật nói rất là hay, không chỉ đoạn nào hết, tùy người lãnh hội đoạn nào, đều là chỗ để mình sống trở về, đều mở sáng tánh Kim Cang của mình hết. Điểm thứ hai là, trong đây nói rõ cho đến chừng bốn câu kệ, chú ý hai chữ “cho đến” nghĩa là ít nhất là bốn câu kệ, tức nói ít để mình rõ nhiều, chỉ cần một đoạn ngắn bốn câu kệ thôi, mà mình tu hành cũng mở sáng được trí tuệ của mình rồi, huống nữa là mình lãnh hôi cả bộ kinh! Lấy cái  ít để hiểu cái nhiều, ý đó rõ ràng; nhưng không khéo, xác định bốn câu nào đó, khiến mình mắc kẹt. Chỗ này nói rộng ra một chút, khi mình bắt đầu sống trở về với tánh Kim Cang bát nhã, là đi ngược dòng phàm để trở về; đây chỉ mới bắt đầu thôi; huống nữa là mình sống được trọn vẹn trong tánh Kim Cang bát nhã, tức là mình nắm tay chư Phật, chư Tổ cùng đi. Đây cũng vậy, mình chỉ cần thọ trì bốn câu kệ thôi, còn phước lớn như vậy huống nữa là thọ trì cả toàn bộ kinh, tức là sống trọn vẹn trong đó, ý rất là sâu xa! Bởi vậy, nếu nghe nói bốn câu kệ rồi chấp vào đó, suy đoán bốn câu này, bốn câu kia, đó là bị ngôn ngữ lừa. Nên về sau có vị tăng đem ý này hỏi thiền sư Hối Đường:

- Thế nào là bốn câu kệ?

Ngài Hối Đường bảo:

- Lời rơi rồi, chẳng biết.

Hỏi như vậy, là lời rơi rồi, mắc kẹt rồi! Nghe nói bốn câu rồi tưởng là bốn câu nào đó, là ông mắc kẹt trong ngôn ngữ rồi, do đó cần thấu qua hai chữ “chẳng biết”. Như vậy để cho thấy nếu chỉ nghe bốn câu kệ rồi cố để phân tích để xác định trên ngôn từ là mình mắc kẹt nơi lời nói, đó là tự mình lầm trên chữ nghĩa. Trái lại, hiểu rõ bất cứ một đoạn nào trong kinh Kim Cang, mình khéo lãnh hội ứng dụng sống đều có công đức vô lượng. Bởi vì lãnh hội cái đó để mình sống trở về với tánh Kim Cang bát nhã của mình, đó là thuộc về phước đức tánh, chứ không thuộc về hữu vi, về tướng, đó là cái nhân để thành Phật, sống viên mãn thì mình là một vị Phật, công đức đó không lường được là như vậy. Chỗ này cũng có điểm nhắc nhở cho mọi người phải phước huệ song tu, phước huệ cho cân bằng. Cái phước bố thí bảy báu tuy nó thuộc về hữu lậu hữu vi, là không thật, nhưng vẫn nói là nhiều chứ không bác bỏ, không phải cho đó là phước hữu lậu rồi không cần. Vì vậy ngài nói “rất nhiều” không có phủ nhận, để ngừa cho mình nghiêng về bên huệ mà thiếu phước. Thứ hai, so sánh phước đức tánh thì nó thù thắng hơn phước đức bố thí bảy báu, để ngừa mình quá say mê về cái phước hữu lậu mà quên tu huệ, bởi say mê trên phước hữu lậu đó cũng dễ mắc kẹt lắm, có phước nhiều thì sao? Có khi phước nhiều thì dễ ngã mạn, tự hào, mà cũng dễ tạo tội nữa. Chúng ta thấy nhiều vị giàu sang thông minh trí tuệ thì đâu không phải là không có phước mà được, vậy mà có nhiều người ỷ giàu khinh khi người này, khinh khi người kia, người ta xin bát cơm cũng nói lời nặng nhẹ nữa, ỷ vào cái phước của mình; đến khi hết phước thì cái họa sẽ tới. Còn huệ mà thiếu phước thì cũng chưa đủ; bởi có câu: – Quy y Phật lưỡng túc tôn – Quy y pháp ly dục tôn – Quy y Tăng chúng trung tôn. Quy y Phật lưỡng túc tôn, là đầy đủ cả hai: Phước – Huệ, gọi là phước huệ trang nghiêm, mới là Phật. Thời Phật, có một vị A la hán đi khất thực thường ôm bát về không; A la hán là giải thoát sanh tử, nhưng đi khất thực ôm bát về không, vì thiếu phước. Cho nên ở đây phải hiểu phước huệ đầy đủ. Vậy quý vị đã hiểu ý nghĩa thọ trì chừng bốn câu kệ vì người khác mà nói thì phước đức của người này hơn người bố thí kia là như vậy đó, phước đức này là phước đức sống trở về với tự tánh của mình.

Kế Ngài hỏi: “- Tại sao?” Đó là để giải thích lý do. Đáp: “- Này Tu- bồ- đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà phát ra”, lý do rõ ràng, nhưng chỗ này cũng có một điểm cần lưu ý! Tất cả chư Phật và pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà phát ra, có nghi không? Như vậy khi Phật chưa thành đạo thì kinh này ở đâu? Ai nói ra? Phải hiểu rõ bộ kinh này là kinh gì? Phải bộ kinh để trên bàn đó không? Hoặc những ngôn ngữ, những lời  dạy mà mình đang học đây không? Đây nói bộ kinh này, không phải là bộ kinh bằng giấy bằng mực đó, mà là “bộ kinh đang phóng hào quang nghe pháp”, “quyển kinh đang ngồi nghe pháp đó”. Sở dĩ Phật thành Phật là do ngộ được bộ kinh sống này, rồi ngài sống trọn vẹn trong đó, ngài thành Phật, rồi ngài mới ở trong đó mà ngài nói ra, cho nên pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật cũng từ đó mà có ra, hiểu như vậy mới thấy được ý này. Đây cho thấy thêm một điểm nữa, là ý giáo ngoại biệt truyền nằm sẵn trong đó, nói bộ kinh này nhưng không phải bộ kinh bằng chữ nghĩa, mà là bộ kinh sống mỗi người đang sống, cái đang sáng suốt ngồi nghe pháp đó mới là bộ kinh thiệt, còn bộ kinh để trên bàn này là bộ kinh bằng giấy mực, cũng bị mối mọt nó ăn, trái lại bộ kinh kia có bao giờ mất được? Cho nên Hòa thượng Đại Châu tức ngài Huệ Hải có nói: “- Nhằm ở trong thất chồng mấy hòm kinh, xem coi có phóng quang chăng? Chỉ do chính mình một niệm phát tâm tức là công đức”, ngay nơi chính mình mà phát tâm thì chính là công đức sáng toả ra, chứ trong thất mà chất cả một tủ kinh trong đó nó có phóng hào quang được không? Nếu hiểu được ý này, liền rõ chư Tổ có nói đông nói tây, nói ngang nói dọc gì thì cũng đồng một chỗ thấy đó; có khi nói thế này, có khi nói thế khác nhưng chỗ thấy cũng khế hợp nhau. Ngài Huệ Hải sống cách thời đức Phật cả ngàn năm hơn, vào thời Đường, mà ngài nói cũng khế hợp đâu có khác! Khi thấy được chỗ đó rồi, nhận được chỗ đó rồi, thì chỗ thấy như nhau, không có hai, cho nên nói Phật Phật như số cát sông hằng, nhưng chỗ chứng không có hai, nếu có hai thì thành ra cái gì chứ không phải Phật rồi. Trong Chứng đạo ca có câu: “- Hằng sa Như Lai đồng cộng chứng”, tức là các đức Như Lai nhiều như số cát sông hằng đồng chung một chỗ chứng không có khác. Bởi vậy, ngay đây nếu ai khéo hiểu, khéo nhận, tỏ ngộ được lý thật rồi, liền thấy chỗ thấy này giống như chỗ thấy của chư Phật, của Tổ không khác; do đó đọc lại lời Phật, lời Tổ, tự nhiên mình sáng. Vậy ai dạy mà nó sáng? Bởi vì chỗ thấy không hai nên tự nó sáng, còn nếu ai đó tự hào mình đã tỏ ngộ rồi mà thấy khác chư Tổ thì cái đó còn phải kiểm điểm lại, xem cái đó có phải là thứ thiệt chưa hay là thứ giả? Hiểu như vậy, giả sử có ai nói “tôi có một pháp đặc biệt từ trước giờ chư Phật, chư Tổ chưa có” thì biết đó là thứ gì rồi! Nếu mình hiếu kỳ thích cái lạ, vội chạy tới ắt liền bị gạt.

Tiếp theo “Đức Phật liền bảo: - Này Tu- bồ- đề, nói Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.” Quý vị thấy có lạ không? Mới nói “tất cả chư Phật và pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật đều từ kinh này mà phát ra”, mới nói xong liền phủ nhận: “nói Phật pháp tức không phải Phật pháp”, hiểu chỗ này mới thấy tinh thần của Kim Cang Bát nhã, là đi qua liền phủi dấu. Bởi vì Phật pháp chân thật đó, nó đâu phải là cái tên, cái chỗ mình suy nghĩ mà hiểu đến được; do đó khi nói “chư Phật”, nói là “pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật đều từ kinh này phát ra” thì e rằng mọi người nghe vậy rồi chấp thật có pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác để cho mình suy nghĩ, rồi bám vào đó cầu để được. Bởi tâm chúng sanh hễ nghe nói đâu liền bám vào đó, nên Phật nói qua liền phủi dấu ngay, lập xong liền phá, không để cho mình có chỗ nào bám. Tinh thần nhà thiền cũng như vậy, nghĩa là quét hết không lập một cái gì cho mình bám nhận, các ngài thường gọi là: “- Ta không có một pháp cho người, chỉ là vì người nhổ đinh tháo chốt vậy thôi.” Nghĩa là gỡ những tình chấp cho mọi người thôi, chính đó là yếu chỉ của bát nhã, phá cái ngã nhưng không lập một cái gì để cho người ta bám, mới lập cũng phá luôn, lập là tạm lập vậy thôi, chứ không có chỗ để cho mình bám, gọi là dồn mọi người đến chân tường, đến vực thẳm - có khi xô ngã nữa, như vậy mới có chết đi rồi sống lại. Nếu còn có chỗ cho mình bám là còn có chỗ để cho cái  ngã này, cái tình thức này nó sống dậy. Tổ Lâm Tế bảo: “Người học thời nay không đạt được bởi vì nhận danh từ làm hiểu, ghi chép những lời lẽ chết của người xưa ở trong một quyển sổ to rất kính trọng, rồi bỏ vào trong túi áo kép - tức hai ba lớp - không cho người thấy nói là huyền chỉ, cần phải bảo trọng. Lầm to rồi! Kẻ đui mù các ông bằng vào cái xương khô mà tìm sao cho ra nước?” Cốt yếu là nhân những lời này, soi sáng lại nơi mình để thấy rõ tâm thể chân thật mình đang sống hằng ngày đó mà bỏ quên, từ đó ứng dụng sống để giải trừ những phiền não, những mê lầm, mới là sống thực. Một đoạn khác ngài lại bảo thêm: “- Chư huynh đệ! Chớ chấp vào lời nói của sơn tăng! Vì sơn tăng có nói ra thì cũng như vẽ hình ở trong hư không, thế mà còn vẽ đủ thứ màu sắc”. Ngài có nói ra cũng như là vẽ hình trong hư không vậy thôi, nhưng khổ nỗi mọi người còn nhân cái đó tô vẽ thêm nhiều màu sắc nữa, tức là nghe ngài nói rồi tưởng tượng thêm, tưởng tượng thế này, tưởng tượng thế kia, thành ra càng xa vời thêm nữa, đó là mắc kẹt trong ngôn từ. Ngài muốn nhắc là phải “đạt ý quên lời”, nhân lời đó mà thấy lại ý ngoài lời, cũng như ở đây chỉ nói bốn câu kệ thôi, mình nghe nói bốn câu kệ rồi lo phân tích đó là bốn câu nào, nhận bốn câu đó rồi chép vào giấy treo trong phòng để trưng bày! Tổ Bách Trượng có nói: “- Đọc kinh xem giáo lý đều phải uyển chuyển xoay lại chính mình” Quý vị thấy, kinh và thiền gặp nhau, ở đây là kinh, ở kia là thiền đều khế hợp nhau. Lâu nay chúng ta nghe nói là thiền, nhất là thiền tông thuộc về giáo ngoại biệt truyền, không cần học kinh điển hoặc là học kinh, học luận sẽ bị che mất, nhưng mình thấy kinh với thiền đâu khác, cái bịnh là nơi mình chứ đâu phải nơi kinh. Mình chấp vào đó thì là bịnh, còn khéo nhân đó thấy lại, soi sáng lại mình, thì càng làm sáng tỏ kinh điển của Phật nữa, tức là mình chuyển lời kinh chết ở trong giấy mực thành ra những lời kinh sống, làm sáng tỏ nghĩa trụ trì Tam Bảo, cho mọi người thấy cái quý báu của Phật pháp, như vậy mới thấy Tam bảo trụ trì ở thế gian hoài. Tóm lại ở đây muốn đánh thức cho mọi nguời phải quên cái công tạo tác của mình để sống trở về với tự tánh, mở sáng kho báu sẵn nơi mình mà mình bỏ quên từ bao nhiêu kiếp khiến lăn lộn trong vòng sanh tử, đó mới là quý, mới là bộ kinh sống thực. Trong Chứng Đạo Ca ngài Huyền Giác bảo:

- Giác tức liễu bất thi công,

Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng.

Giác liền xong chẳng tốn công, không cần tốn công phu gì hết, tất cả pháp hữu vi  thảy đều chẳng đồng, tức là giác nơi mình cái này có sẵn từ bao giờ đến bao giờ, đâu phải là do công phu nhọc nhằn khó khăn mới được cái đó, chỉ tại mình quên thôi, nhớ lại liền xong. Không hiểu được ý đó, khi thấy được cái lý hay hay một chút liền kể công, là thấy cái này do công phu tu hành của mình bao nhiêu năm nay khó nhọc ăn chay, bỏ ngủ, hôm nay mới có được, như vậy dễ ngã mạn, thấy ta được rồi, ta hơn những người khác chưa được. Vì vậy trong đây nói không có được gì hết, không có công phu gì, chỉ thấy ngay nơi mình có sẵn thôi. Chính không chấp vào công phu đó  mới là người thực thấy, còn vừa có niệm chấp là có công phu, chấp là có được, đó là bị một lớp mê mới nó che rồi. Như vậy một bên là công phu có tạo tác như là phước đức bố thí, làm cái này làm cái nọ, mà có tạo tác là có giới hạn, có sanh diệt thuộc về vô thường, còn một bên không có tạo tác, không có vô thường, xài hoài không hết, ai là người sáng suốt thì tự mình chọn cho mình chứ không ai chọn thay cho mình. Đường đã rõ ràng, mình muốn đi đường nào thì đi, nếu muốn bám theo phước thuộc về hữu lậu có tạo tác có sanh diệt đó, không chịu hướng về phước đức tánh để sống trở về với tự tánh của mình, tức đi vào luân hồi, trái lại là vào thể chân thật thường trụ, an vui mãi.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

438144
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1284
4066
11028
401307
63679
73473
438144