Thứ Tư 24/4/2024 -- 16/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Kinh Kim Cang giảng giải - 7.Không được, không nói

 

 

CHÁNH VĂN:

7. KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI.

- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng? Như Lai có pháp để nói chăng?

Tu Bồ Đề thưa:

- Theo con hiểu về nghĩa Phật đã nói thì không có pháp cố định gọi là Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không có pháp cố định Như Lai có thể nói. Tại sao? Pháp do Như Lai nói đều chẳng thể chấp lấy, chẳng thể nói, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai khác.

GIẢNG:

Đoạn này phải nghe cho kỹ mới thấm nỗi, bởi vì thường thường ở thế gian ai có lập ra một thuyết gì, chủ trương gì thì mình bảo vệ tới cùng, ai mà nói ngược lại bài bác hay phá, thì mình phản đối, có khi xả thân. Nhưng ở đây, với Phật pháp thì khác, “không được không nói”. Ở đời làm việc gì mà không có được thì làm chi? Làm gì cũng phải có được, có được thì mới làm, không được thì làm ích gì? Còn đây là muốn phá chấp về ngôn ngữ, phá cái chấp về sở đắc, để ngầm chỉ ra có “một cái ngoài lời”, lời nói không đến được, không nói hết được! Cho nên câu Phật hỏi có hai phần: - “Ý ông nghĩ sao”, là để dò: Như Lai có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Có pháp để nói chăng? Cố định có pháp thật được chăng? Có pháp thật để nói chăng? Như vậy là tiếp nối cái ý ở trước, là không cho mình chấp pháp, không cho mình chấp phi pháp, vậy Như Lai thành cái gì mà gọi là Như Lai? Như Lai nói pháp gì để dạy người? Bởi không cho mình chấp pháp, phi pháp thì cái gì thành Phật đây? Rồi Ngài dạy gì đây? Đây cũng chính là chỗ nghi, rồi mình nương vào đâu để tu hành? Xét kỹ ra, Như Lai đêm mùng tám tháng chạp thành đạo dưới cội Bồ Đề, là thành cái gì? Bốn mươi chín năm thuyết pháp đó, là Ngài thuyết cái gì? mà ở đây Ngài phủ nhận hết, không có cái Vô thượng chánh đẳng chánh giác được, không có gì để nói, đó là điều rất khó hiểu! Vì vậy vào đầu Phật hỏi: - Ý ông nghĩ sao để dò xét lại. Bởi vì mình không khéo dễ bị rơi một bên, mà rơi một bên thì chê bai chánh pháp. Đây Ngài Tu Bồ Đề trả lời: “theo con hiểu về nghĩa Phật đã nói thì, không có pháp cố định gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có pháp cố định Như Lai có thể nói”.

Vậy có ba điểm:

-  Thứ nhất “theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật nói”.

- Thứ hai là: “không có pháp cố định gọi là Vô thượng Bồ Đề

- Thứ ba là: “không có pháp cố định để nói”.

Tại sao Ngài không tự đáp mà chỉ nói “theo chỗ con hiểu” thôi? Phật hỏi Ngài, Ngài không đáp thẳng, mà Ngài chỉ dẫn lại theo chỗ Ngài hiểu về nghĩa mà Phật đã nói đó. Vậy là sao? Chỗ này phải khéo, nhất là những vị giảng dạy, nói chuyện thì phải hiểu cho kỹ, không thì dễ bị mắc kẹt. Phật hỏi: “Như Lai có được pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng? Như Lai có pháp để nói chăng?” Đó là cảnh giới của Phật, của Như Lai. Ngài Tu Bồ Đề biết rõ ý đó, nên Ngài cũng thuận theo trí Phật mà nói chứ không tự ý đoán mò. Đó là kinh nghiệm, nếu hiểu được chút ít, bèn vỗ ngực ăn to nói lớn, tưởng đâu mình như là Phật, đem những lời nói, câu nói của Phật ra nói giống như của mình, mà thật sự mình chưa sống được với nó, cũng chưa phải cảnh giới của mình nữa, thì đâu phải! Do đó ở đây Ngài khéo nói “theo chỗ hiểu của con về nghĩa Phật nói” thì đâu có ai bắt bẻ được, đó là ý rất hay, không khéo mình dễ bị mắc kẹt cái bệnh này. Nghĩa là nói như Phật, tuởng đâu là của mình, nhưng gạn lại thì sao? Chỉ ăn cắp của Phật, của Tổ. Nhất là học thiền, phải cẩn thận chỗ này! Câu kế “không có pháp “cố định” gọi là Vô thượng chánh đẳng cháng giác”, cũng phải chú ý! Vậy ở đây có pháp Vô thượng chánh đẳng cháng giác không? Từng chữ từng câu luôn có ý nghĩa sâu xa trong đó. Nên nhớ không có “pháp cố định” chứ không phải là không có! Tức Phật không có cái cố định Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó, là cái pháp thuộc văn tự ngôn ngữ, thuộc về đặt tên cho nó, đây là phá cái chấp trên ngôn ngữ, chữ nghĩa văn tự chứ không phải thật không có nó. Bởi vì nếu có pháp cố định Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó, tức có được mất, và có pháp cố định tên Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó là có pháp thuộc về văn tự ngôn ngữ, mình có thể nói đến được, mà đã nói đến được thì suy nghĩ đến được, không cần phải tu cho nhọc, chỉ cần bỏ chút suy nghĩ là có nó rồi. Đây rõ ràng là phá chấp về ngôn ngữ, văn tự chứ không phải phá không có cái đó. Song hễ có được là có mất, mà có được mất đã thuộc về cái bên ngoài, nên trong nhà thiền có câu chuyện: Có vị tăng hỏi vị thiền sư Tĩnh Niệm:

- Có hai con rồng cùng tranh giành một hạt châu vậy thì con nào được?

Sư trả lời:

- Con được là mất.

Đáp hay không? Bởi có mất nên mới được. Ông tăng hỏi tiếp:

- Vậy con chẳng được thì thế nào?

Sư đáp:

- Hạt châu ở chỗ nào?

Nếu đã thấy được là mất, cái được đó nó thuộc về bên ngoài. Còn nếu chẳng được thì sẵn nơi mình đó, còn hỏi gì chỗ nào? Có chỗ nào đó thì cũng thuộc về cái bên ngoài rồi. Ý rất sâu xa! Hễ mình thấy được là còn có niệm hướng ra bên ngoài rồi, còn đây có sẵn nơi mình thì đâu còn có mất. Lại còn thấy có chỗ nữa thì mắc kẹt luôn. Có chỗ tức có thấy được, cũng thuộc về đối tượng. Giả sử Đức Phật thành đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà thật có pháp cho Ngài thành, thì Ngài không còn là Ngài nữa, vì có cái để thành tức Ngài thành cái đó rồi. Cũng như nói tôi thành thì thành ra anh A hoặc tức thành một con người khác.

Còn ở đây phải hiểu Vô thượng bồ đề là cái gì? Đây chỉ gợi ý thôi, như vua Hiếu Tông nhà Tống nhân ngày lễ Phật thành đạo tức ngày 08/tháng chạp, ông hỏi thiền sư Phật Chiếu:

- Đức Thích Ca sáu năm ở núi Tuyết là thành được cái gì?

Sư đáp:

- Dám bảo Bệ hạ đã quên.

Sư chỉ đáp vậy thôi mà ông vua hiểu ý vui vẻ. Vậy thành cái gì? Thường mình nghe Phật thành đạo thì cứ nghĩ là lúc sao mai mọc đó, hào quang chiếu sáng rực rỡ, ở đây ngài Phật Nhật đáp đơn giản: “Dám bảo Bệ hạ đã quên?” Cái đó sẵn nơi mình, mình bỏ quên vậy thôi. Cái sẵn mà mê lầm không hay không biết cho nên tạo nghiệp này, nghiệp khác đành lang thang trong luân hồi. Giờ đây thành đạo là sống trở lại cái  này, mà sống trọn vẹn là Phật thôi, sống chưa trọn vẹn thì hoặc là Bồ tát hoặc là thiền sư, chứ đâu có gì khác. Hiểu vậy thì Vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng là cái tên thôi, mà cái tên đó phải thấy rõ là chỉ cái thể chân thật, cái thể giác chưa từng thiếu ấy. Nếu có được thì mình quên cái này rồi, là thấy ra cái bên ngoài rồi. Thực ra Vô thượng chánh đẳng chánh giác nó không thuộc một cái gì hết, mình nghe Vô thượng chánh đẳng chánh giác, rồi trong đầu nghĩ là một cái gì đó, mà “cái gì đó” thì thuộc về vật rồi, đã là vật tức thuộc cái bị duyên, mình có thể nghĩ đến được. Vậy trước khi sao mai mọc, cái Vô thượng bồ đề đó ở đâu? Rồi sau khi sao mai mọc nó ở đâu lại mà thành? Đặt câu hỏi lại thì mình thấy rõ nghĩa, chẳng lẽ cái đó nó mới có từ khi ngài chứng ngộ thôi, nếu vậy thì trước đó không có? Nếu khi sao mai chưa mọc nó không có, khi sao mai mọc nó mới có, thì mới gọi là được. Hiểu vậy, mình mới thấy ý nghĩa Vô thượng bồ đề chỉ là danh từ tạm diễn tả, còn cái đó là cái có sẵn nơi mình, chứng ngộ là ngộ cái này thôi, cho nên Sư đáp “dám bảo bệ hạ đã quên”. Dẫn thêm bài kệ truyền pháp của Tổ Đề Đa Ca:

Thông đạt bổn tâm pháp Thông suốt pháp bổn tâm,

Vô pháp vô phi pháp. Không pháp không phi pháp.

Ngộ liễu đồng vị ngộ, Ngộ rồi đồng chưa ngộ,

Vô tâm diệc vô pháp. Không tâm cũng không pháp.

“Thông suốt pháp bổn tâm, Không pháp không phi pháp”. Tức là, thấu suốt được pháp bổn tâm, tức thấy suốt được bổn tâm của mình thì cái đó không thuộc về pháp hay phi pháp, không thuộc về có hay là không. Bổn tâm là cái có sẵn nơi mình thì nó đâu thuộc về pháp hay phi pháp, không thuộc về cái gì hết, không mắc kẹt bên có, bên không.

“Ngộ rồi đồng chưa ngộ, Không tâm cũng không pháp”. Ngộ, là ngộ cái lúc mình chưa ngộ thôi, ngộ cái lúc mình mê, giờ ngộ là nhớ trở lại. Chỗ này còn có thêm ý nghĩa nữa, ngộ là mình chỉ mới thấy chớ chưa sống được, nên đừng vội mới ngộ đã vỗ ngực, phải sống cho được trọn vẹn nữa. Như vậy ngộ cũng không thấy có cái mình ngộ, nếu ngộ mà còn thấy có cái để ngộ là còn sở đắc, tức là còn có cái được, mà có cái được là mất rồi! Đến đây không tâm cũng không pháp, tâm pháp là danh từ thôi. Chính nó là nó, không thêm tâm pháp chi nữa? Còn thấy có tâm có pháp là bởi vì còn mê do đó nên nói cái này là tâm, cái  kia là pháp để cho mình nhân cái pháp đó nhớ lại tâm mình, thì đó là phương tiện. Ngộ rồi, nó là nó, rõ ràng đâu có cái thứ hai mà nói tâm nói pháp? Đó là nói về không có pháp cố định gọi là Vô thượng bồ đề. Kế không có pháp cố định để nói là sao? Vậy kinh Kim Cang là gì? Ai nói? Chúng ta học là học cái gì? Nên trong đây có ý sâu, thứ nhất nếu có chỗ nói đến được thì thuộc về ngôn ngữ, như vậy mình không cần phải thực hành, phải thí nghiệm, vì nói năng biện luận cũng có thể tới được; thứ hai, nếu nói đến được thì nó thuộc về phân biệt đối đãi, vì nói ra là thuộc về hai bên, thuộc về đối tượng, cái đó tức mình có thể hiểu biết được, mình suy luận được, thì pháp đó thuộc về sanh diệt, còn cái này làm sao nói đến được đây? Câu chuyện Linh Mặc đến yết kiến thiền sư Thạch Đầu, Sư hỏi:

- Một lời cùng hợp thì ở, chẳng hợp thì liền đi.

Nhưng ngài Thạch Đầu vẫn ngồi yên, Sư liền ra đi. Ngài Thạch Đầu đi theo ra cổng, chợt gọi:

- Xà lê!

Sư liền xoay đầu lại, ngài bảo:

- Từ sanh đến tử chỉ là thế ấy xoay đầu chuyển não làm gì?

Ngay đó Sư liền ngộ. Như vậy có pháp gì để nói? Trước khi xoay đầu còn mê, vừa kêu xoay đầu lại liền ngộ, vậy ngộ cái gì? Trước khi xoay đầu nó ở đâu? Sau khi xoay đầu nó ở đâu chạy lại? Chỉ ngay một niệm hiện tiền của mình đây thôi, chỉ vì lúc còn nhiều thứ lăng xăng, còn có những chúng sanh đi lang thang đầu này, đầu kia nhiều quá, cho nên khó nhớ, lúc đó là lúc chưa xoay đầu. Xoay đầu liền nhận cũng là nhận cái sẵn hằng ngày đấy thôi, đâu có gì khác, đâu có gì được, làm sao nói đến cái đó? Bởi vậy, trong sử ghi sau khi Phật thành đạo, ngài  thấy pháp này khó nói cho người hiểu quá, nên ngài định nhập Niết bàn, Trời Phạm Thiên thỉnh ba lần Phật mới hứa khả. Vậy, ngay từ buổi đầu ngài đã nói lên cho chúng ta rõ, pháp này phải thấy ngoài lời nói, từ trước đã có ý đó rồi, mà chúng ta đọc sử sơ qua không thấy được ý Phật đã thầm nhắc. Bởi nó khó hiểu nên ngài không muốn nói. Hiểu như vậy, rồi kiểm lại 49 năm ngài thuyết pháp là nói cái gì đây? Rồi Tam tạng kinh điển nói cái gì? Thực ra, là để đánh thức mình nhớ lại cái này thôi! Ngài chứng ngộ được cái này, rồi từ cái này ngài nói ra, ngài nhắc nhở đánh thức cho mọi người cũng nhớ lại như vậy, chớ đâu có thêm gì khác.

Trong kinh Lăng Già có thí dụ rất thực tế và sáng tỏ: - “Dụ như có người đi trong đồng vắng thấy có một con đường bằng phẳng dẫn đến cái thành xưa, thì vị này liền theo con đường đi vào thành rồi được cái vui như ý. Phật bảo: - Này Đại Huệ, ý ông nghĩ sao? Người kia làm ra con đường ấy và làm ra các thứ vui trong thành đó chăng?  Ngài Đại Huệ thưa: - Không phải. Phật bảo ngài Đại Huệ: - Ta và chư Phật thời quá khứ pháp giới thường trụ cũng đều như thế, (pháp giới thường trụ là tất cả mọi thứ, thực tướng đều hằng như vậy, tất cả các pháp thường trụ như vậy) thế nên nói rằng ta từ đêm ấy được tối chánh giác cho đến đêm ấy vào Niết bàn ở trong khoảng giữa kia không nói một chữ cũng chẳng đã nói sẽ nói. Rồi Ngài nói bài kệ:

Ta đêm ấy thành đạo

Đến đêm ấy Niết bàn,

Ở trong khoảng giữa này,

Ta trọn không có nói,

Duyên tự đắc pháp trụ,

Nên ta nói thế ấy.”

Chỗ này hơi khó hiểu “duyên tự đắc pháp trụ” đó là Phật tiết lộ cho chúng ta thấy rõ ràng cái không nói đó là sao? Không nói đó có phải là không có pháp chăng? Không nói đây, bởi vì thật không có pháp gì mới đặt ra, mới tạo thành, chứ không phải là không có cái đó. Tức là cái thành xưa nó sẵn đó rồi, những cái vui trong thành cũng sẵn có đó, nhưng chỉ có người quên không biết được, không thấy đường vào, nên Phật mới chỉ ra con đường vào, vào được trong đó thì nó có sẵn, chứ không phải Phật làm ra, Phật mới đặt ra, cũng không phải Phật ra đời mới có, khi Phật chưa ra đời thì không có. Nếu cho rằng Phật thành đạo rồi đặt ra mới có, Phật chưa ra đời thì không có, hiểu vậy thì cái đó cũng thành sanh diệt, mới tạo tác; còn  cái  này là có sẵn. Duyên tự đắc pháp trụ, là duyên nơi pháp tự đắc mà trụ, tức là chỗ mình tự đắc, tự thầm chứng biết chứ không phải là chỗ diễn tả ra cho người. Bởi chỗ mình thầm chứng thì làm sao nói cho người hiểu được? Đơn giản như chuyện thế gian nghề thợ mộc chẳng hạn, làm nghề khéo tay làm sao đem cái khéo mà truyền cho người khác? Truyền là truyền cách làm, còn cái khéo đó là phải đầu óc nhậy bén của mỗi người, cái đó không truyền được, đó là cái năng khiếu của mỗi người. Cái mình thầm chứng cũng vậy, khó diễn tả cho người hiểu. Ông Tô Đông Pha khi tỏ sáng, có làm bài kệ trong đó có hai câu cuối: - Đêm rồi tám muôn bốn ngàn kệ; Sáng ra không lời nói với người.” Tức là mới trong đêm học tám muôn bốn ngàn pháp môn thuộc hết, sáng ra không thể diễn tả cho người khác biết được, cái pháp không thể nói đó, là pháp phải tự mình thầm chứng, thầm nhận thôi, không thuộc về ngôn ngữ. Nói rõ là không có pháp để nói chứ không phải là không có cái đó,phải hiểu cho kỹ như vậy. Ở đây Phật giải thích: “Pháp mà do Như Lai nói đó đều chẳng thể chấp lấy, chẳng thể nói, chẳng phải  pháp chẳng phải phi pháp.” Ngài giải thích rõ ràng, “pháp mà do Như Lai nói đó”, như vậy ngài xác nhận là “có pháp đó”, nhưng mà nó “không thể chấp lấy”, không thể nói là chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp thôi. Do đó trong nhà thiền thường không dùng những cái tên để đặt tên, mà thường nói “cái ấy”, sợ nghe tên rồi mình chấp vào cái tên đó. Bởi vì không thể chấp, không thể nói, không thuộc có hay không, tạm nói “cái ấy” để mình khéo nhận ra, còn nói có tên rồi lại chấp vào cái tên, ví dụ như nói “chân tâm”, đa số người nghĩ trong đầu là có một “cái chân tâm”, nên luôn luôn tìm kiếm suy nghĩ để đạt đến chân tâm đó, rồi chứng được chân tâm đó. Vậy chân tâm thành ra “một cái”, tức là một vật gì rồi! Nên các ngài khéo, nói là cái ấy thôi, nhưng nói cái ấy cũng còn tưởng nữa. Mới thấy con người tập khí nó quen suy nghĩ rồi, nghe nói là nó bám liền, vì vậy những đoạn sau Phật phá từng lớp, từng lớp chấp tới cùng. Quý vị thấy, thói quen nó nhạy lắm, vừa nói ra là nó chụp lấy liền. Đây dẫn một câu chuyện: Ngài Lục Tổ thử mà mình không hay.

Một hôm Lục Tổ muốn thử trong chúng, Ngài nói:

- Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không chữ, không ở sau, không ở trước, mọi người có biết chăng?

Ngài Thần Hội liền ra thưa:

- Đó là cội nguồn của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Quý vị thấy đáp hay chăng? Tổ liền quở:

- Ta đã nói với ông là không tên không chữ, mà ông còn gọi là cội nguồn, là Phật tánh, như vậy ông về sau này có ra trụ trì cũng chỉ thành là hạng tông đồ tri giải!

Tổ đã ngừa trước là không tên không chữ rồi, mà ngài nghe tới đó liền ra nói “bản nguyên, Phật tánh”, đó là cái tập khí của mình nó quen, nó nhạy, cho nên các thiền sư thường ít chịu nói trắng, mà các ngài nói một cách ngược lý, điếc lỗ tai, sợ mình biết rồi chụp liền. Bởi vậy có câu: “pháp vốn không tên ông chớ gượng đặt tên, pháp vốn không có hiểu biết, ông chớ có gượng hiểu biết”, hiểu biết nó thì nó thành ra cái bị hiểu biết rồi, đó là các ngài muốn nhắc cái có sẵn nơi mình. Kinh Lăng Nghiêm có câu: “- Tự tâm mà thủ tự tâm, thì phi huyễn thành pháp huyễn”. Tự tâm thì nó tự chân thật sáng suốt rồi, lại đem chấp lấy nó, thủ lấy nó, biến nó là cái chân thật thành ra pháp huyễn, thành ra bóng dáng thứ hai. Thành ra pháp huyễn, nghĩa là sao? Mình tu dễ bị mắc kẹt, tự tâm thì sáng suốt rõ ràng, tâm là biết, nhưng mình sống với cái thức này quen rồi, nên khi cái thức này nó tạm yên, mình liền khởi quán, khởi chiếu về tự tâm, mà khi khởi quán khởi chiếu về tự tâm đó, là mình sợ cái tự tâm đó nó không hiểu biết, sợ mất những cái thức này, những cái phân biệt này thì nó không biết gì nên luôn cố soi sáng lại nó, phản chiếu lại nó, để cho nó có biết. Vậy khi phản chiếu lại nó, thì mình biến nó thành ra là cái bị biết, đó là điều rất vi tế, rất dễ bị mắc kẹt. Thường mình dùng ngôn ngữ nói là, hãy quên vọng để sống trở về chân tâm, nhưng cái đó chỉ là phương tiện ban đầu thôi. Nói sống trở về với chân tâm, thành ra nó là cái bị sống, vậy cái gì là sống trở về? Tức chân tâm cũng thành bóng dáng rồi. Nên phải hiểu, đó là lời nói phương tiện, chứ chân tâm thì nó là nó thôi, còn sống trở về tức là có cái gì khác trở về với nó, hoặc mình sống trở về với nó thì biến nó thành cái bóng thứ hai bên ngoài. Do vậy trong nhà thiền khi hỏi đến chỗ rốt ráo này, các ngài nói ta chẳng hội, ta chẳng biết. Nếu người học thưa “chẳng hiểu”, các ngài bảo “không hiểu càng tốt”. Bởi vì hiểu là phóng ra ngoài, còn nó đâu phải là cái để cho mình hiểu. Như ngài Ẩn Phong lúc ở chỗ Hòa thượng Thạch Đầu, một hôm ngài hỏi:

- Làm sao mà được hội đạo?

Tức là làm sao mà hiểu được đạo. Ngài Thạch Đầu bảo:

- Ta cũng chẳng hiểu đạo.

Ẩn Phong mới hỏi:

- Cứu cánh thế nào?

Tức rốt ráo thế nào? Ngài Thạch Đầu bảo:

- Ông bị cái ấy bao vây rồi!

Tức là chỗ rốt ráo đó mà cố hiểu, tức bị nó bao vây rồi. Cố hiểu, cố để biết nó, là mình bị mất cái hiện tiền ở đây rồi, bị nó khoả lấp, nó bao vây mình rồi. Như vậy, pháp này là pháp không thể nói, không thể dùng ngôn ngữ để đặt ra, để nói ra, để tạo ra, thì muốn nghe được cái này, muốn nghe được bát nhã này, phải nghe thế nào? Phải nghe thấu qua lỗ tai, chứ không phải bằng lỗ tai này, nghe bằng chỗ không nghe đó, thì mới nghe được Bát nhã này, mới nghe được chỗ không lời; trái lại nghe mà chỉ dừng trên lỗ tai này, là chỉ nghe tiếng thôi. Cho nên ngài Tu Bồ Đề ngồi trong núi, mà chư Thiên đến rải hoa tán thán cúng dường, ngài hỏi:

- Ai rải hoa trên hư không đó?

Chư Thiên đáp rằng:

- Con là Phạm thiên.

Ngài hỏi:

- Vì sao ông rải hoa tán thán?

Vị Phạm Thiên đó nói :

- Con kính trọng Tôn giả nói pháp Bát nhã hay quá nên rải hoa tán thán.

Ngài mới nói:

- Ta chưa từng nói Bát nhã  một chữ, ông vì sao rải hoa tán thán?

Chư Thiên đáp:

- Tôn giả không nói, con cũng không nghe, không nói không nghe đó là chơn Bát nhã.

Rồi rải hoa khắp đất. Nghe như vậy mới khéo nghe, ngài không nói thì con cũng không nghe, không nói không nghe thì không ngã không nhân, không ngã không nhân thì ngay đó là bát nhã rồi, đó là rất khéo. Vậy quý vị hiểu rõ lý do tại sao Phật nói là, Như Lai không được pháp Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Như Lai không có pháp để nói chưa? Không được, không có cái pháp thật gọi Vô thượng chánh đẳng chánh giác là vì cái đó có sẵn nơi mình; không có pháp để nói, là không phải cái pháp mới tạo ra, mới đặt ra, không phải là ngôn ngữ có thể nói đến được, có thể suy nghĩ đến được. Đây là nhắc mình phải khéo tự thầm nhận. Trong nhà thiền có câu “như người uống nước lạnh nóng tự biết” diễn tả ra thì nó thành lời, thành lời thì người ta suy nghĩ, suy nghĩ thì thành bóng dáng chứ không phải cái thật. Tiếp lời giải  thích: “- Vì cớ sao? Tất cả hiền thánh đều do pháp vô vi mà có sai khác”. Câu này hơi khó hiểu, tại sao các hiền thánh do pháp vô vi mà có sai khác? Câu này trong bản đời Ngụy: “Tất cả hiền thánh đều do pháp vô vi mà được tên”, bởi vì hiền thánh là chỉ cho các bậc Tam hiền Thập thánh chẳng hạn, như các vị Bồ tát Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng gọi là Tam hiền, Thập địa gọi là Thập thánh, là các bậc hiền thánh thì các vị hiền thánh đó đều do pháp vô vi mà có sai khác. Pháp vô vi là chỉ cho pháp không có tạo tác, không sanh diệt hay nói rõ hơn là Niết bàn, đều do cái chân thật đó mà có sai khác, vậy làm sao hiểu nỗi? Bởi vì, dù cho các vị tam hiền thập thánh, sở dĩ có chia ra như vậy, là do đã chứng ngộ pháp thân trọn vẹn hay chưa trọn vẹn mà tạm đặt ra những tên có sai khác đó thôi. Nếu Tam hiền Thập trụ thì có một pháp thân, Thập hạnh thì có một pháp thân, Thập hồi hướng thì có một pháp thân, Sơ địa có một pháp thân, Nhị địa có một pháp thân, thành nhiều cái quá. Cái nào là thật? Thực ra, chỉ có một pháp thân đó do mình sống trọn vẹn hay chưa trọn vẹn mà tạm đặt ra những tên có sai khác như vậy, chứ không phải có nhiều cái. Thí dụ Sơ địa chứng được pháp thân mà chứng chưa được trọn vẹn, cho nên khi bỏ Sơ địa chứng qua Nhị địa, rồi Tam địa, vậy Sơ địa là ai? Nhị địa là ai? Có phải người nào khác vào đó không? Cũng không ai khác? Cũng đâu có cái pháp thân nào chen vào đó, chẳng qua mình sống được nhiều, được ít, trọn vẹn hay chưa trọn vẹn, nên tạm lập ra có thứ lớp, chứ đâu phải có nhiều cái như vậy. Do đó các hiền thánh có nhiều tên, nhiều bậc sai khác chỉ là những tên vậy thôi, chứ thể thì không hai, cũng do pháp vô vi đó mà có sai khác. Trong nhà thiền có chỗ giải thích: “Trọn ngày ở trong viên giác mà chưa từng viên giác gọi là phàm phu, muốn chứng viên giác mà chưa tột viên giác gọi là Bồ tát”, tức là muốn chứng viên giác mà chứng phần nào đó, chưa tột, gọi đó là Bồ tát, bởi vì Bồ tát là phần giác, tức là giác từng phần, từng phần chưa trọn vẹn; còn “đầy đủ viên giác, an trụ trong viên giác đó là Như Lai”. Cũng là viên giác thôi, nhưng mê là phàm phu, sống được từng phần là Bồ tát, sống trọn vẹn là Như Lai, chứ đâu có gì khác! Cho nên tất cả hiền thánh đều y cứ nơi pháp vô vi mà sai khác, chỉ nhân sai một niệm mà hiện có muôn hình, cái này cái kia, nếu ngay một niệm mà vô niệm thì cùng với chư thánh đồng hành. Một niệm mà vô niệm là vô sanh, chư thánh ngộ cũng từ cái đó, sống cũng sống từ cái đó, mình bây giờ ngay một niệm mà vô niệm thì cũng sống với cái đó, tức chỗ thấy của mình đồng với chỗ thấy của chư thánh. Để thấy cũng một cái đó, mà mê cũng mê cái đó, ngộ cũng ngộ cái đó, rồi sống cũng sống với cái đó thôi. Khiến cho mình không kẹt ở trên cái tên sai khác, cũng không có kẹt trên một pháp sai khác, mà mình nhớ để trở về với cái thể chân thật không hai không khác, thì đó là chỗ Kim Cang Bát nhã hằng ngày mình sống trong đó mà bỏ quên. Cái đó nó có tên gì đâu? Đặt bát nhã cũng là tạm đặt cho nó một cái tên, đặt cho nó pháp thân cũng là tên, đặt cho nó chân tâm cũng là tên, đặt cho nó bao nhiêu cái tên, cũng chỉ một “cái đó” chứ đâu có gì khác! Nếu mình kẹt trên cái sai khác thì nơi mình có nhiều cái sai khác lắm, một cái pháp thân, một cái chân tâm, một cái bát nhã, bản lai diện mục, đủ thứ, vậy khi mình thành Phật thì sao? Cái nào thành Phật? Không có cái thứ hai. Bởi vậy Tổ chứng ngộ rồi thì cái thấy của các ngài thông cảm với nhau, không có hai, dù sống xa nhau nhưng cái thấy cũng đồng; do đó các ngài dù nói đông nói tây đều hợp với nhau. Đọc sử Tổ, chúng ta thấy các ngài nói nhiều câu mình nghe ngược đời, nghịch lý, giống như trái lỗ tai, mà khi thấu suốt hiểu kỹ rồi, cũng là thông suốt được ý trên, cũng không khác lời Phật nói, Kinh – Thiền không hai. Học đây rồi mình thấy rõ, Phật nói Tổ nói không khác, Tổ sống xa thời Phật nhưng mà các ngài  ngộ rồi nói ra khế hợp, bởi vì không rời chỗ chân thật đó. Tóm lại, pháp thể chân thật đó, hay Kim cang Bát nhã đó, là cái ai ai cũng sẵn có, dù Phật ra đời hay chưa ra đời cũng sẵn đủ, chứ không phải Phật ra đời mới có. Đã sẵn đủ, thì ai ngăn cản không cho mình tin đây? Bởi vậy, ai ai cũng có quyền tin, có quyền nhận nó được hết, chỉ có điều phải thiết tha, khéo học hỏi kỹ, vun bồi niềm tin cho vững vàng, hiểu cho đúng đắn, khéo sống như vậy thì những tập khí của mình, những tâm niệm lăng xăng của mình nhẹ bớt, nơi mình liền nhận ra đầy đủ không thiếu. Nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin, tin mình có sẵn cái đó, thì  quyết định nhận ra cái đó chứ không có nghi. Như vậy quý vị đã hiểu được, cái chân thật đó, cái Vô thượng chánh đẳng chánh giác đó, là cái chân thật nơi mình không phải là cái tạo ra, không phải là cái nói được, là muốn chỉ nó sẵn nơi mình, không thuộc về cái phân biệt, không thuộc về ngôn ngữ, mà chính mình phải tự thực nghiệm, thể nghiệm, sống đàng hoàng; như trước đã nói phải lựa hạng “người trì giới tu phước”, chứ không phải hạng nói suông, nói bát nhã ngoài miệng. Dù cho mình ngộ được đi nữa, mà còn thấy có chỗ ngộ là còn thấy có chỗ sở đắc, tức nhiên cái ngộ đó vẫn còn một lớp mê, đây là điểm mà ai ai cũng phải để ý cho kỹ, ý thức cho rõ ràng! Trước kia có một ông cư sĩ tên là Triệu Biện, hiệu là Duyệt Đạo, tham thiền với thiền sư Phật Huệ, một hôm đang ngồi trong công đường nghe tiếng sấm nổ, liền khế ngộ, ông có làm bài  kệ:

Mặc tọa công đường hư ẩn kỷ

Tâm nguyên bất động trạm như thủy

Nhất thinh tích lịch đảnh môn khai

Hoán khởi tùng tiền tự gia để.

***

Ngồi lặng công đường luống tựa ghế

(ngồi trong công đường trống trơn vắng lặng tựa ghế)

Nguồn tâm chẳng động trong như nước

(nguồn tâm lúc đó yên lặng trong sáng như nước lắng trong vậy)

Một tiếng sấm vang đảnh môn khai

(vừa nghe tiếng sấm nổ thì ở đây đã mở toang)

Gọi dậy từ xưa của nhà sẵn.

(gọi dậy của báu sẵn từ xưa đến nay)

Khi ông làm bài kệ đó, thiền sư Phật Huệ nghe mới cười, nói: “- Triệu Duyệt Đạo vừa chụp tia sáng”, ngộ làm bài kệ hay quá mà ngài nói chụp tia sáng thì đó là được cái gì? Ngài cảnh tỉnh tuy ông ngộ vậy đó, nhưng đừng có nghĩ là ngộ được, có cái sở đắc là mắc kẹt. Trong nhà thiền, những vị đã tỏ ngộ đến trình, các ngài thường không có khen theo thế gian, nhiều khi các ngài chê nữa, nhưng người thật ngộ, càng chê các ngài càng hiểu sâu hơn, chê mặc tình chê mà mình biết được ý thì đó là cái ngộ thật, còn trình ông thầy chê một tiếng rồi buồn liền đi ra, thì chưa ngộ thật. Nói để cho quý vị thấy ý nghĩa “không được, không nói” ở đây rõ thêm. Cho nên học Kim Cang bát nhã nó mở sáng cho mình rất nhiều việc, và nó phá cái tình chấp của mình rất lớn, do đó học kỹ, nghe kỹ từng chữ, từng câu đều soi sáng lại mình hết.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

435927
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3133
2039
8811
401307
61462
73473
435927