Thứ Bảy 20/4/2024 -- 12/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Sống tỉnh giác - V. Tóm kết

 

V- TÓM KẾT.

Thiền là một sức sống chân thật ngay chính mình chứ không đâu khác. Mỗi người phải khai thác sức sống chân thật đó. Thực tế nhất là phải sống trở lại ngay bây giờ và bây giờ đây thôi. Lúc nào cũng sống ngay bây giờ và bây giờ đây là yên ổn. Rời bây giờ là bắt đầu sống vào bất thường. Chỗ này là chỗ quan trọng, là chìa khóa mở vào cửa giác ngộ. Mình học nhiều nhưng đó chỉ là những phương tiện để giải thích, hoặc là đánh thức mình. Nhưng tóm lại, sống trở về chỗ này, đó là điều chính yếu.

Người muốn sống giác ngộ, sống ý nghĩa phải nghiền ngẫm và thực hành sâu chỗ này thì đó là chỗ sống chân thật của mình. Tức là phải luôn luôn sống một cách nghiêm chỉnh. Thân ở đâu, tâm ở đó là thành công.

Quý vị ngồi thiền cũng vậy thôi, ngay khi ngồi thiền, thân đang ngồi trên bồ đoàn, thì tâm cũng phải ngồi trên bồ đoàn. Còn thân ngồi trên bồ đoàn, mà tâm đi về quê là không được rồi.

Đây nhắc lại câu chuyện của Ngài Nam Tuyền.

Một hôm ngài đi xuống nhà tắm, gặp ông trưởng phòng tắm, ngài hỏi:

- Ông đang làm gì vậy?

Ông nói:

- Đang nấu nước cho chúng tăng tắm.

Ngài bảo:

- Ông nhớ gọi con trâu đực đi tắm với nghen.

Ông gật đầu, chiều ông vào trong thất, thưa với ngài Nam Tuyền:

- Xin mời con trâu đực đi tắm.

Ngài Nam Tuyền hỏi:

- Ông có nhớ đem dây mũi theo không?

Tức là mời con trâu thì có đem dây để xỏ mũi nó hay không? Lúc đó ông bí không trả lời được.

Sau đó, ngài Triệu Châu đi vắng trở về, đến gặp ngài Nam Tuyền, ngài thuật lại câu chuyện đó. Ngài Triệu Châu nói: “Con có câu đáp”.

Ngài Nam Tuyền bảo:

- Đáp làm sao?

Triệu Châu thưa:

- Thỉnh Hòa Thượng, bây giờ lặp lại chuyện như trước.

Ngài Nam Tuyền hỏi lại:

- Vậy có đem dây mũi theo không?

Ngài Triệu Châu bèn đi tới nắm mũi ngài Nam Tuyền nhéo mạnh.

Ngài Nam Tuyền đau quá nói:

- Phải thì cũng phải đó, nhưng mà thô quá.

Đó là dây mũi, quý vị thấy dây mũi ở chỗ nào không? Nhéo lỗ mũi, đau, thì cái gì biết đau? Chính chỗ đó là chỗ sống ngay thực tại, là trực tiếp đi vào thực tại. Nắm mũi kéo một cái là biết đau liền. Cái đó là dây mũi chứ gì nữa, đó cũng là thực tại mà nhiều khi mình không nhớ. Quý vị nhớ phân biệt cho rõ ràng, cái đau thì khi có khi không, lúc nắm mũi kéo mạnh thì nó đau, nhưng buông ra thì hết đau, cái đau đó là vô thường. Còn cái biết rõ đau, thì không thuộc đau hay không đau. Lúc nắm mũi hay không nắm mũi nó cũng có mặt đó. Nắm mũi thì nó biết đau liền, buông ra thì cái đau hết nhưng nó vẫn có mặt ở đó, cho nên nắm mũi kéo trở lại thì nó liền biết. Cái biết đau không mất. Còn cái đau thì mất. Đó là thực tại luôn luôn hiện hữu nơi mình. Sống luôn luôn nhớ như vậy là có ánh sáng thiền.

Nhớ được điều đó thì thấy được chỗ sống thực của mình, và thiền dạy mình là phải sống như vậy, chứ không phải lý luận. Lý luận thế này, lý luận thế kia, mà quên mất chỗ đó thì sống cũng là trong chữ nghĩa, trong kiến thức mà thôi.

Chính các thiền sư ngày xưa cũng thực hành như vậy. Đọc trong sử thiền, các ngài có khi thấy hoa đào nở cũng ngộ đạo được. Có vị cưỡi ngựa qua cầu, ngựa bị vấp té, cũng ngộ đạo. Có người đi ra giữa chợ, thấy anh chàng bán thịt và khách hàng nói chuyện với nhau liền ngộ đạo.

Như ngài Bàn Sơn, đi ra chợ thấy anh chàng bán thịt, nghe người mua thịt nói:

- Ông lựa cho tôi một miếng thịt nào thật ngon.

Anh bán thịt nói:

- Ở đây miếng nào cũng ngon hết. Ngay đó Ngài tỉnh ngộ.

Có người nghe người ta khóc than trong đám tang cũng ngộ đạo được.

Bởi vì tâm các Ngài lúc nào cũng chuyên nhất, cũng sống trở về với thực tại, thân ở đâu thì tâm luôn luôn ở đó. Khi nó thuần thục, nhuần nhuyễn, chín muồi rồi thì bất cứ chỗ nào cũng là chỗ ngộ đạo được. Còn nếu thân ở một nơi, tâm ở một nơi thì làm sao ngộ đạo? Ví dụ nghe người ta bán thịt mà tâm nghĩ đến thịt thì làm sao ngộ đạo. Nghe bán thịt, nhưng tâm vẫn ở nơi mình, chứ không ở nơi bán thịt, mới có thể ngộ.

Mình đây cũng vậy, phải tập sống như vậy, thì lúc nào mình cũng có thể sáng tỏ được đạo lý, lúc nào cũng là lúc mình nếm được thiền vị.

Để kết thúc, đây nhắc lại câu chuyện Bùi Hưu mà quý vị thường nghe, nhiều người đã thuộc lòng, nhưng quan trọng mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới. Nếu quý vị sống được ngay bây giờ và bây giờ quý vị sẽ thấy mới, còn nếu sống với cái quá khứ thì thấy nó cũ. Nó cũ là cũ với quá khứ, còn nếu sống với thực tại ngay bây giờ thì lúc nào cũng mới mẻ, lui về chỗ khác là cũ.

Bùi Hưu hỏi:

- Cao tăng ở đâu?

Trong chùa không ai đáp được, mới mời Ngài Hoàng Bá.

Ngài bảo:

- Ông thắc mắc gì cứ hỏi đi.

Ông hỏi:

- Hình vẽ ở đây mà cao tăng ở đâu?

Ngài Hoàng Bá gọi to tên ông:

- Bùi Hưu !

Ông: “Dạ”!.

Ngài bảo:

- Ở đâu ?

Ngay đó ông thấy được cao tăng hiện tiền. Đó là sức sống thực tại sáng ngời. Thấy hình cao tăng ở đây mà hỏi ở đâu là quên mất bây giờ rồi. Hỏi “Ởû đâu” tức là ông đang tưởng tượng có một vị cao tăng nữa, một sức sống chân thật gì đó mà ông chưa biết. Nhưng Ngài Hoàng Bá đang có sức sống chân thật hiện tiền nên Ngài thấy ngay điều đó, liền gọi trực tiếp ông “Bùi Hưu”. Vừa gọi, ông đáp liền, lúc đó đâu có suy nghĩ gì, rõ ràng nó đang hiện hữu nơi ông, nên Ngài Hoàng Bá nhấn mạnh lại “Ở đâu?” thì ngay đó ông nhận liền, sống trở về thực tại hiện tiền, tức là ông có mặt ngay chỗ đó.

Vậy thì mong rằng tất cả quý vị ở đây cũng làm sao tập sống trở về với thực tại, ngay bây giờ. Lúc nào cũng vậy hết, thì quý vị thành công liền, và quý vị mở cửa vào giác ngộ dễ dàng. Còn bỏ qua chỗ này là đi vào chỗ vô minh, bất giác. Đây là một thông điệp muôn đời, để cho mọi người sống trở về chính mình, sống trở về quê. Mở cửa này là quý vị phá tan được cái mê từ vô lượng kiếp, rồi sống được trọn vẹn như vậy thì thành công, xong việc thôi.

Quý vị nhớ mười bức tranh chăn trâu thì bức tranh ban đầu là gì? “Tìm trâu” tức là mình đang mất trâu, rồi bây giờ mình đang đi tìm trâu. Nhưng đặt câu hỏi lại: Tìm trâu, thì ai đi tìm? Trâu ở đâu mà tìm? Sự thật rõ ràng là mình đi tìm mình thôi, gọi là đem tâm đi tìm tâm. Trâu cũng là tâm, rồi đi tìm cũng là tâm, chứ ngoài tâm thì lấy gì đi tìm? Đem tâm đi tìm tâm, hay là đem chính mình đi tìm chính mình. Rõ ràng vì mình đang sống với cái mê, quên mất thực tại này, ngồi đây mà không nhớ gì mình hết, tưởng đâu mất mình rồi trở lại đi tìm mình. Nếu nhớ lại bây giờ mình ngồi đây, mình có mặt ngay chỗ này thì đâu còn tìm nữa.

Cho nên cuối cùng đến bức tranh số 8, mất hết không còn trâu không còn người. Nếu thực sự có trâu, có người thì thành ra có hai. Vậy là một người đi tìm một người, một tâm đi tìm một tâm. Vì bất giác mới thấy có hai. Nên các Tổ bày ra phương tiện để mình nhớ lại, tưởng đâu có gì để tìm, nhưng sự thật thì không có hai. Bản tâm mình chỉ có một thôi làm sao có hai được. Vậy cái tìm đó chẳng qua là bóng thôi. Khi đã biết rõ rồi, sống thuần thục rồi thì sự thật không ai tìm ai hết. Cho nên cuối cùng trâu, người đều mất.

Nắm vững chỗ này rồi là mình thấy chỗ sống chân thật, chỗ then chốt để vào đạo và thấy chỗ thực hành rất là đơn giản.

Tóm lại, mong rằng mỗi vị nắm vững và nghiền ngẫm sâu chỗ này, sống thực sự, luôn luôn có mặt trong mọi cử chỉ, mọi hành động. Luôn luôn sống ngay bây giờ và bây giờ. Đơn giản hơn nữa, thân ở đâu thì tâm phải ở ngay chỗ đó. Đây là chỗ trở về của mỗi người. Sống được như vậy thì tất cả đều gặp nhau một chỗ, không còn phân chia đâ

 

SỐNG TỈNH GIÁC
Thích Thông Phương
Thiền Viện Trúc Lâm 2010

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

425906
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
596
6580
24599
387297
51441
73473
425906