Thứ Năm 18/4/2024 -- 10/3/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Thiền tông đốn ngộ - Dẫn nhập

DẪN NHẬP
Một đạp vỡ tung vô lượng cõi,
Lắc mình pháp giới bặt tăm hơi.
Nói đến Thiền tông là nói đến đốn ngộ, tức chóng ngộ ngay bản tánh chính mình cùng Phật không khác, không trải qua thứ lớp, không do tu hành mới được. Đây là phá tan cái thấy còn kẹt trên thứ lớp, vượt qua giáo nghĩa phân biệt, ngộ thẳng tự tâm. Điển hình Đức Sơn vốn là một giảng sư kinh Kim Cang nổi tiếng mà ban đầu Sư vẫn không hiểu nổi và Sư đã phát nguyện: “Kẻ xuất gia muôn kiếp học oai nghi Phật, vạn kiếp học tế hạnh Phật còn chẳng được thành Phật, những kẻ ma ở phương Nam dám nói Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt sạch những giống ấy để đền ơn Phật”. Kịp đến khi Sư gặp bà già bán bánh, nghe bà hỏi một câu đáp không trôi, mới thấy lại: còn có cái gì nữa! Rồi khi Sư gặp Long Đàm đưa đèn thổi tắt, liền chợt ngộ “Trí vô sư vốn vượt ngoài chữ nghĩa đã học được”.
Quả thực, chân lý Thiền vốn ở ngay nơi người, trong tự tâm của chúng ta đây thôi. Vậy ai có tâm thì chắc chắn có thiền không nghi ngờ gì nữa. Nhưng tại sao có người đành quay lưng từ chối không nhận? Kìa, Phật thành đạo là thành ở đâu? Có lẽ nào lại là ở dưới cội bồ đề hay trên sao mai? Thấy như thế thì đến tột mé vị lai hẳn cũng chưa gặp. Rồi chư Tổ tỏ ngộ là ngộ từ đâu? Quyết không thể ở trên bộ kinh này, bộ kinh kia hay ngữ lục này, ngữ lục nọ. Moi móc kiếm tìm trong đám rừng chữ nghĩa đó, thì đời đời kiếp kiếp vẫn không bao giờ gặp chư Tổ. Kìa, gió thổi thông reo, lá rung trước mắt, ánh sáng vĩnh hằng đang hiện bày ra đó! Sức sống này làm sao ghi chép, chú giải? Kìa, Tuệ Hải đến Mã Tổ toan cầu Phật pháp vi diệu, Mã Tổ bảo ngay:
- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?
Sư lễ bái thưa:
- Cái gì là kho báu nhà mình của Tuệ Hải?
Mã Tổ nghiêm nghị bảo thẳng:
- Chính ngươi hiện đang hỏi ta, đó là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài!
Ngay câu nói này, Sư tự nhận bản tâm không do hiểu biết, liền vui mừng lễ tạ.
A! Kho báu từ vô thủy bỗng chốc hiện bày ra trước mắt. Còn gì vui sướng hơn? Nhưng đặc biệt “không do hiểu biết”, chỗ này chữ nghĩa làm sao ghi chép được?
Thực vậy, Thiền tông chỉ thẳng là chỉ thẳng ngay đây, khỏi phải quanh co trên lý luận dài dòng. Người nhận thì nhận liền, không cho suy nghĩ chần chờ. Phải chộp lấy thời cơ kịp lúc, nhảy qua cả ông thầy, tự sống dậy không thể nghĩ bàn. Chính vì thế, Thiền tông thường lưu truyền: “Cái thấy bằng thầy còn kém thầy nửa đức, cái thấy vượt hơn thầy mới kham truyền trao”. Phải vậy chớ, “kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy”, đâu thể tự khinh mình mà đành lui sụt. Hãy tin chắc, ánh sáng tâm tông đang tỏa chiếu trong ta. Nói năng qua lại, đi đứng tới lui, mọi động dụng hằng ngày có thiếu thốn bao giờ đâu! “Trường An ồn náo, nước con vẫn an ổn”, ai ai đều có sẵn một chỗ bất khả xâm phạm ấy, sao không tự nhận đi, chạy tìm kiếm nơi người thì bao giờ mới được an? Chân lý thì rất đơn giản, mà con người tưởng tượng quá nhiều, thành rắc rối, lạ lùng, xa lạ, đáng thương! Đây này, ngay một niệm hiện tiền bặt cả ba đời trước sau, còn ai dối được mình? Chớ học theo Chu Kim Cang, đối diện bà già đưa bánh tới tận miệng, lại đành ôm bụng đói ra đi. Thật đáng tiếc! Đáng tiếc! Một chút xíu đó mà xưa nay nói hoài vẫn không hết. Bởi vậy Thiền tông nêu cao tông chỉ:
GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỀN,
BẤT LẬP VĂN TỰ,
TRỰC CHỈ NHÂN TÂM,
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT.
Dịch:
TRUYỀN RIÊNG NGOÀI GIÁO,
CHẲNG LẬP VĂN TỰ,
CHỈ THẲNG TÂM NGƯỜI,
THẤY TÁNH THÀNH PHẬT.

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

417841
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
1411
3971
16534
387297
43376
73473
417841