Thứ Sáu 29/3/2024 -- 20/2/2024 (Âm lịch) -- 2568 (Phật lịch)
Cái tôi hoàn lại đất trời, trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh. Chẳng rời trước mắt thường lặng trong, Còn tìm liền biết anh chưa thấy

Tốt hơn cho mình - 3. Xác định, tôn trọng giá trị lâu dài

 

3/ XÁC ĐỊNH, TÔN TRỌNG GIÁ TRỊ VỮNG CHẮC, LÂU DÀI.

Có người hỏi quý thầy, những điều thầy nói tụi con cảm nhận được. Nhưng trên thực tế, bạn trẻ hiện nay có quan niệm hơi trái chiều. Thí dụ hiện nay gia đình con không giàu bằng những đại gia. Quý vị ấy mời con đi chơi tại một nơi rất sang trọng. Nếu không đi thì có lẽ không bao giờ con được đến và biết được cảm giác nơi đó vui như thế nào. Tuy là tạm thời, nhưng thà đến đó để biết được niềm vui khác lạ hơn là ở nhà con sẽ không bao giờ biết được. Thầy góp ý giúp con.

Quý thầy nói, phần đông quý vị còn trẻ tuổi khi nghe ai nói làm gì đó được vui thì liền theo, nhưng có bao giờ chúng ta tự đặt lại cho mình câu hỏi: “Vui đó là vui theo cái gì, có giá trị xứng đáng không?” Khi mình nghèo hơn, mình muốn đi theo họ để được niềm vui đó chứ tự mình không bao giờ có được, người ta cũng sẽ biết được điều đó cho nên trong tâm họ chỉ xem mình là người ăn bám tầm thường thôi. Đã là ăn bám, lợi dụng thì người ta đâu có tôn trọng mình? Khi vui, hứng chí thì ban cho một chuyến đi chơi, khi buồn, không thích nữa thì họ đá văng ra một bên không hề thương tiếc. Bởi vì họ chẳng nể nang, tôn trọng hay cần gì ở mình cả. Niềm vui mà để người ta xem thường mình, coi rẻ mình, hất bỏ mình ngày nào không biết, như vậy mà cho là vui được sao? Thời của ông bà mình xưa kia, những người đói khát đi ăn xin, không nhận của những người vẫy tay lại mà cho, tức là cho không đúng cách. Thà nhịn đói mà chết chứ không nhận của người cho mà không tôn trọng họ. Chúng ta bây giờ chưa đến nổi đói gần chết mà lại đi nhận của cho theo kiểu đó thì có phải đã làm ô nhục bản thân và gia đình cha mẹ mình hay không? Không thấy bị xúc phạm hay sao mà cho là vui sướng, cao thượng?

Thêm nữa, ví dụ trong gia đình mình có nuôi người giúp việc. Họ đi đúng giờ, làm việc tươm tất, chu đáo, vui vẻ, chan hòa, thân mật, đáng tin cậy. Lỡ có la rầy điều gì oan ức, họ vẫn ngoan ngoãn sẵn sàng nhận lỗi, không có chút khó chịu hay cãi lời. Sống lâu ngày với gia đình mình như vậy, quý vị có thương mến và thầm cảm phục con người đó không? Rất cảm mến. Khi đến công sở làm việc, không may gặp một người sếp thô lỗ, ăn nói thiếu văn hóa, nóng nảy cục cằn, phán quyết tầm bậy, bạ đâu quát mắng đó một cách vô lối…, qúy vị có nể phục người sếp ấy không? Vì đồng tiền, vì cuộc sống mà mình phải chịu đựng để làm việc thôi chứ không có chút cảm tình hay nể nang gì cả. Một người giúp việc mà sống đúng thì chúng ta vẫn cảm phục, một vị sếp mà thô lỗ thì cũng bị nhân viên xem thường. Như vậy, làm nên phẩm chất của một con người, không phải ở đồng tiền hay địa vị mà chính là ngay cách sống của con người đó. Đã là cách sống thì đâu cần phải nhiều tiền mới có được!

Khi còn đi học, nếu quý vị nào thích thể hiện cá tính, sống theo trào lưu, ai bảo gì thì ăn chơi theo kiểu đó, xem ra anh hùng đấy! Nhưng mất căn bản, mãi đến 20 năm sau sự nghiệp cũng không ra gì, cuộc sống thiếu trước hụt sau, nói không ai nghe cả, lúc này có anh hùng với ai được nữa không? Ngược lại, nếu quý vị thấy rõ niềm vui của tuổi trẻ là nhất thời, con nít, không cần thiết. Bằng với điều kiện trong gia đình mình có được, chúng ta nhìn về một tương lai xa rộng hơn để nổ lực học hành. Đừng nên vì những niềm vui nhất thời làm ảnh hưởng, đánh mất sự nghiệp của mình sau này. Quý vị nên nhìn về tương lai 20 năm sau để lo học hỏi cho thật căn bản, hy sinh niềm vui con nít hiện tại. Ai nói mình là con gái, cù lần, nguyễn thị gì gì đó cũng được, cứ nuôi chí lặng lẽ lo học hành cho có căn bản. 20 năm sau công thành danh toại, cuộc sống sung túc, nói ra điều gì mọi người cũng nghe theo, có điều kiện để giúp ích người khác nữa, như vậy sẽ vui hơn chứ! Có thể điều kiện không giàu, nhưng chúng ta ra trường có trình độ giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, có năng lực, lúc này mấy người đại gia sẽ rất cần chúng ta, họ phải tìm đến để mời mình đi làm việc cho họ. Quý vị nhìn lại ở thế gian, thiếu gì những người có của cải đầy nhà mà tìm không ra người đáng tin cậy và có trình độ, có năng lực để họ giao trách nhiệm quản lý? Đạo đức đáng tin cậy, năng lực có thừa, trình độ rất giỏi thì họ sẽ cần mình, tôn trọng mình chứ không phải là thương hại hay xem thường mình như trước kia nữa. Như vậy không vui thích hơn hay sao?

Nếu biết trông xa hiểu rộng, biết tôn trọng nhân phẩm của mình, tôn trọng danh dự gia đình cha mẹ, hy sinh niềm vui trẻ con nhất thời hiện tại để lập chí lâu dài, sau này mới có phẩm chất, có trình độ, có năng lực, từ đó mới có được niềm vui chắc thực và lâu bền hơn được. Đó cũng còn là niềm vui bên ngoài, nhưng nếu chín chắn xác định cho thật kỹ càng thì chúng ta cũng chọn được đâu là niềm vui xứng đáng, ý nghĩa. Huống nữa là niềm vui bất tận, thanh thoát nhẹ nhàng, ngập tràn từ một tâm thể giác sáng không động, có thể đem niềm vui huyễn ảo nhất thời mà so sánh đến được hay sao? Có vào núi mới cảm nhận được núi rừng thanh vắng, vượn có hú vang, chim có gọi nhau ríu rít cũng trong ngần, không làm sao phá nổi vẻ thanh u tịch mịch. Có xuống biển mới thấy hết biển trời bao la, sóng có vỗ, nhạn có tung cánh vờn bay, cũng chỉ điểm tô, xé sao được thênh không vời vợi. Có ngồi lại thực hành, tự mình mới cảm nhận hết nguồn lạc an thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng ngập tràn bất tận ấy. Niềm vui này không có gì đánh đổi được. Nó không bị vô thường sanh diệt chi phối, và theo ta đi suốt mọi nẻo đường.

 

Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng

Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng

HT Thích Thanh Từ
a

Bài đọc nhiều nhất

Thống kê truy cập

366831
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả
3322
3888
18200
335955
65839
88584
366831